Lợi dụng phê bình để công kích hoặc xu nịnh cán bộ lãnh đạo

Có không ít trường hợp lợi dụng phê bình để công kích, hạ bệ người mình không ưa hoặc lợi dụng phê bình để xu nịnh đối với cán bộ lãnh đạo.

Bộ Chính trị đã có văn bản chỉ đạo về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. PGS Nguyễn Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đây là bước đi cụ thể trong triển khai Nghị quyết Trung ương 4, triển khai các giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Đại hội XII. Chỉ đạo này cũng chính thức mở ra đợt phê bình lớn, đợt sinh hoạt chính trị lớn trong toàn Đảng.

PGS.TS Nguyễn Văn Giang

Gắn phê bình với thanh tra, kiểm tra

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Giang, tự phê bình và phê bình lần này tạo nên hy vọng lớn trong toàn Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời cũng có nhiều thuận lợi.

Đó là sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Cùng với đó, vừa qua, Trung ương đã phát hiện, xử lý bước đầu đối với sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ ở Hậu Giang, tiến hành kiểm điểm nghiêm túc kể cả cán bộ cấp cao theo tinh thần không có vùng cấm, không có khoảng trống cho bất kì ai. Điều này đang tạo ra niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân về đợt tự phê bình và phê bình lần này.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Giang cũng thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, việc tự phê bình và phê bình chưa đúng với tinh thần và yêu cầu đặt ra, còn qua loa, hình thức, né tránh, ít hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng trên, tự phê bình và phê bình trong Đảng cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến cấp ủy các cấp, phải làm với tinh thần kiên quyết, cụ thể, có triển khai, kiểm tra, giám sát, tổng kết.

Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Văn Giang, việc tự phê bình và phê bình cần tập trung tiến hành ở những nơi có biểu hiện suy thoái, nơi đang có dư luận bức xúc. Đồng thời kết hợp chặt chẽ việc tự phê bình và phê bình với thanh tra, kiểm tra, điều tra của các cơ quan chuyên trách. Trong quá trình kiểm điểm, khi thấy có biểu hiện suy thoái nghiêm trọng, có sai phạm thì cần dừng phê bình, chuyển sang thanh tra, kiểm tra để xử lý.

Người đứng đầu phải chủ động tự phê bình

Nhấn mạnh không thể phủ nhận tác dụng to lớn của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, song, PGS.TS Nguyễn Văn Giang cho rằng, có không ít trường hợp lợi dụng phê bình để công kích, hạ bệ những người mình không ưa hoặc lợi dụng phê bình để xu nịnh đối với cán bộ lãnh đạo.

Do vậy, thực hiện tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tới đây cần nắm vững các nguyên tắc của tự phê bình và phê bình. Đó là tính Đảng, tính giáo dục, tính khách quan, trung thực, tính cụ thể, thiết thực. Trường hợp nào cố tình lợi dụng tự phê bình thì phải có biện pháp xử lý.

“Nếu không nắm vững, một là tự phê bình không đúng, biến tự phê bình thành công cụ để công kích người khác; Phê bình không khách quan, kịp thời; phê bình bằng cách tích lũy khuyết điểm rồi kết tội người khác. Những điều này đều là không đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng” - PGS.TS Nguyễn Văn Giang phân tích.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Giang, kinh nghiệm cho thấy, nơi nào làm tốt thì thường Bí thư cấp ủy rất gương mẫu, chủ động tự phê bình, tự giác trước thể cấp ủy để làm gương, trên cơ sở đó mới đến ban thường vụ, cấp ủy. Điều này tạo không khí dân chủ, tin tưởng trong tự phê bình và sẽ bảo đảm thành công. Ngược lại, nơi nào người đứng đầu không trung thực, không sẵn sàng tự phê bình thì chắc chắn chất lượng sẽ rất hạn chế.

PGS.TS Nguyễn Văn Giang khẳng định, đợt tự phê bình và phê bình lần này tạo nên hy vọng lớn trong toàn Đảng, toàn dân về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Song nếu không làm tốt sẽ sinh ra hiện tượng “nhờn thuốc” trong công tác cán bộ.

Do vậy, nếu thông qua tự phê bình và phê bình mà phát hiện, xử lý được tiêu cực, sai phạm với những địa chỉ cụ thể, cá nhân cụ thể sẽ tạo ra niềm tin mới trong công tác xây dựng Đảng hiện nay./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói