Cháy mãi ký ức Kà Roòng

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh đã qua lâu nhưng những cựu thanh niên xung phong (TNXP) ở Hà Tĩnh vẫn không bao giờ quên được mảnh đất một thời mà họ đã từng sống, chiến đấu. Một trong nhiều điểm ác liệt mà TNXP “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đó là đường ngầm Kà Ròong (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Câu chuyện của ông Hồ Bá Thâm (nguyên chiến sỹ Đại đội I, Đội 23 TNXP) mà tôi ghi lại dưới đây đã phần nào khắc họa được một thời ác liệt đó.

Nơi anh ở bom nhiều đến nỗi

Anh phá bom như việc cấy cày thôi

Nghe anh kể về bom tôi lạ quá

Bom nổ không át nổi tiếng anh cười.

Cháy mãi ký ức Kà Roòng ảnh 1

Các cựu TNXP Hà Tĩnh thăm mộ đồng đội tại Nghĩa trang Thọ Lộc (Quảng Bình).

Cựu TNXP Hồ Bá Thâm năm nay đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, vậy mà vẫn nhớ bài thơ của Nguyễn Đức Mậu từ thời chống Mỹ. Ông bảo với tôi rằng: “Mình không ngờ vẫn còn sống đến hôm nay để đọc thơ cho cậu nghe. Bao nhiêu đồng đội đã hy sinh ở đoạn đường ngầm Kà Roòng, mỗi lần nhắc lại mình vẫn thấy cổ họng nghẹn đắng”. Rồi ông tiếp tục kể cho tôi nghe những năm tháng hào hùng ấy.

Từ giữa năm 1966-1972, ngầm Kà Roòng luôn là trọng điểm đánh phá của địch. Có nhiều thời kỳ, pháo sáng địch thả trắng đêm. Toàn bộ con đường và đồi núi hai bên bị cày lên, xới xuống nham nhở, đến một bóng cây cũng không còn. Song, chưa bao giờ bom đánh trúng ngầm Kà Roòng. Ngầm Kà Roòng đối với anh chị em TNXP Đại đội I (Đội 23 TNXP) rất nhiều kỷ niệm mà suốt đời không thể nào quên.

Đại đội I của ông Thâm, đa số là anh chị em quê Hà Tĩnh tuổi trên dưới 20, đã kiên trì bám trụ, mở, lát đường, nổ mìn phá đá, lấp hố bom, giải phóng nhiều đoàn xe bị ách tắc. Tuổi trẻ kiên cường, lúc đó, chẳng ai quản ngại khó khăn, gian khổ, chẳng sợ hy sinh.

Anh Cảnh bị thương gãy chân, thủng bụng, máu chảy nhiều, trước khi ngất xỉu vẫn hỏi: “Anh xem dưới nớ có sao không?”, “Thôi, để thuốc tiêm cho anh em khác”. Biết không thể sống được nữa, anh hô: “Đả đảo đế quốc Mỹ tàn ác, Hồ Chủ Tịch muôn năm!”. Và anh đã tắt thở trên tay đồng đội ngay cạnh ngầm Kà Roòng trong dòng suối nước mắt.

Có lần, mấy chị em đi làm chiều thì bất thần thấy máy bay giặc Mỹ lao tới và chúng thả bom trúng vào đội hình. Cô Lê Thị Hoa bị sức ép chôn vùi cạnh hố bom và hy sinh. Một lần khác, 4 cán bộ, chiến sĩ tên Ứng, Quý, Bạt, Hợi, sau khi trực đêm trở về thì được báo có một quả bom đang nằm chềnh ềnh giữa đường. Họ quay lại, cùng nhau lăn quả bom xuống vực sâu. Nhưng bất ngờ bom nổ… Sau này mới biết đó là bom từ trường lần đầu tiên thả xuống tuyến. Anh em cũng không biết ở đó có một chiếc xe cải tiến, có lẽ bị kích hoạt nên bom nổ! Cả 4 đồng đội hy sinh. Anh em đi nhặt từng mảnh xác thịt nhưng cũng chỉ được một ít vương vãi lẫn vào đất, lá cây gần đó.

Một buổi chiều khác, mọi người vừa nhận quân nhu, đang thi nhau mặc áo mới, bất thình lình nghe tiếng máy bay rít và tiếng bom như xé không khí. Không có tiếng nổ. Lên khỏi hầm, sau đó, nghe cán bộ trung đội sang báo cáo và biết một quả bom nổ chậm rơi xé ngang nóc nhà bếp. Đang sơ tán và kiểm tra thì bất ngờ bom nổ, ông Thâm và 5 người khác bị thương, riêng anh Nguyễn Chí Liễu - Chính trị viên phó đại đội bị gãy chân, gần sáng hôm sau thì hy sinh…

Một trường hợp bất ngờ khác, khoảng 4h sáng, mọi người đang yên giấc bỗng nghe tiếng máy bay từ xa và tiếng rít của đạn bom. Ông Thâm nhanh chóng lăn từ giường xuống đất. Sau đó biết rằng, ở Trung đội 3, bom đạn đã đánh vào trại, mọi người chạy sang thì tất cả đều bị thương, đặc biệt là cô y tá Nguyễn Thị Vinh bị bom bi găm vào ngực, tắt thở ngay lập tức.

Hôm đó, khi đơn vị pháo cao xạ 12 ly 7 kết nghĩa với đơn vị TNXP biết tin này đã biến đau thương thành sức mạnh, quyết tâm trả thù cho đồng đội. Và, đúng trưa hôm đó, đại đội pháo 12 ly 7 đã bắn cháy máy bay của địch. Một lần khác, vào khoảng 3h chiều, ông Thâm từ ngầm Kà Roòng đi về km 51 và dừng lại ở một dòng thác thì bỗng nghe tiếng máy bay “bà già” xuất hiện và lượn vòng. Mấy phút sau, máy bay F101, F105 ào ào bổ tới, ông Thâm vội vàng lao vào “hầm ếch” bên cạnh để trú ẩn.

Suốt gần 2h đồng hồ, nào bom bi, bom phá thi nhau đổ xuống. Sau khi bom ngớt, ông chạy về km 50 mới biết rằng, nó đánh đoàn xe bộ đội giấu ở đồi cây cạnh đường. Có lẽ, vì đoạn đường trước đó bị tắc, các anh không kịp vượt ngầm Kà Roòng trước khi trời sáng. Nhiều chiến sỹ hy sinh, chân, tay cháy sém trộn lẫn với đất đá. Lúc ấy, trái tim ông như muốn vỡ ra vì nỗi đau tột đỉnh.

Tại ngầm Kà Roòng, đội quân cảm tử TNXP không chỉ hy sinh vì bom đạn, mà còn vì sốt rét và lũ cuốn như trường hợp cô Mỹ Cầm, nữ TNXP lúc đó mới 18 tuổi, sau đêm biểu diễn văn nghệ về đã bị sốt rét ác tính cướp đi tính mạng. Rồi chuyện Đại đội phó Nguyễn Khắc Lương trên đường đi làm nhiệm vụ gặp mưa rừng, bất thần, nước dâng lên và dòng thác dữ đã cuốn anh đi. Mất mát đó không làm nhụt ý chí các chiến sĩ TNXP “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”. Nhắc đến đây, ông Hồ Bá Thâm lặng đi một hồi lâu, rồi bảo với tôi: “Kà Roòng đúng là địa chỉ đỏ mà chúng ta cần phải xây dựng tượng đài để vinh danh quá khứ, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast