Công tác hậu cần phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu

Trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh luôn xác định công tác hậu cần phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ (SSCĐ, PCBL-TKCN, PCCN), không chỉ của riêng ngành Hậu cần mà còn là nhiệm vụ chung của toàn lực lượng.

Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn cho CBCS ngành Hậu cần với nội dung công tác bảo đảm SSCĐ, PCBL-TKCN, PCCN, bảo đảm công tác tài chính, công tác quân dân y kết hợp. Trong nhiệm vụ bảo đảm hậu cần thường xuyên, ngành Hậu cần luôn tập trung khai thác, duy trì cung ứng đầy đủ các loại lương thực, thực phẩm cho các đơn vị, duy trì mức ăn thêm của CBCS từ nguồn tăng gia sản xuất. Nhiều năm qua, Phòng Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh) đã tổ chức tiếp nhận, cấp phát, đăng ký, thống kê đúng chế độ, nguyên tắc, theo mùa vụ, bảo đảm đầy đủ các loại quân trang dành cho sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, tân binh, quân phục dã chiến, quân trang huấn luyện, quân trang cho các cuộc diễn tập, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng…

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội LHTN Việt Nam hỗ trợ 20 xuồng máy phục vụ công tác phòng chống bão lụt cho các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàn
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội LHTN Việt Nam hỗ trợ 20 xuồng máy phục vụ công tác phòng chống bão lụt cho các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàn

Nét nổi bật trong phong trào thi đua của ngành Hậu cần là duy trì hiệu quả phong trào “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh - sạch - đẹp”. Thông qua việc chủ động phát huy nội lực của đơn vị, đồng thời khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn quốc phòng, địa phương, ngành đã đầu tư xây dựng hệ thống kho hậu cần, kho kỹ thuật, doanh trại của cơ quan Bộ chỉ huy, ban CHQS các huyện, thị, thành phố, đáp ứng yêu cầu đơn vị chính quy. Các đơn vị đã huy động hàng ngàn ngày công thực hiện cải tạo cảnh quan môi trường, trồng cây xanh và tăng gia sản xuất quanh đơn vị, mua sắm bổ sung nhiều doanh cụ phục vụ sinh hoạt. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đều chú trọng đẩy mạnh phong trào “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt” gắn với việc thực hiện chương trình quân dân y kết hợp, duy trì công tác khám sức khỏe định kỳ, bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh, VSATTP, chăm sóc tốt sức khỏe cho bộ đội, không để dịch bệnh xảy ra ở cơ quan, đơn vị và khu vực đóng quân.

Thượng tá Nguyễn Văn Quyết - Phó Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh cho biết: Để đảm bảo chất lượng lương thực, thực phẩm, trang thiết bị dự trữ phục vụ nhiệm vụ SSCĐ-PCBL, TKCN, PCCN đòi hỏi công tác “luân phiên đổi hạt” phải được tăng cường thường xuyên. Đối với lương thực, thực phẩm như gạo, mỳ tôm, lương khô, thịt hộp... phải “luân phiên đổi hạt” mỗi tháng 1 lần, còn đối với các loại phương tiện vật chất khác thì thay đổi theo thời gian quy định. Phòng hậu cần còn thường xuyên đôn đốc, kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị đầu mối nhằm phát hiện tình trạng không bù đổi kịp thời. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện những đơn vị chấp hành chưa nghiêm các quy định của ngành để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ đặt ra.

Đại tá Nguyễn Văn Giáp - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Hà Tĩnh là tỉnh thường xuyên được Quân khu 4 đánh giá rất cao trong chuẩn bị vật chất, trang thiết bị hậu cần phục vụ công tác SSCĐ, PCBL-TKCN, PCCN, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong việc thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị đầu mối.

Với phương châm chủ động và SSCĐ, PCBL-TKCN, PCCN, thời gian tới, ngành Hậu cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, góp phần hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương hằng năm, xây dựng LLVT chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast