Đẹp tình đồng đội

(Baohatinh.vn) - Sau chiến tranh, trở về với đời thường, các cựu chiến binh (CCB) đã đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Những việc làm nghĩa tình đã làm đẹp thêm tình đồng đội trên mặt trận phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

dep tinh dong doi

CCB Lê Văn Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Mỹ - Nghi Xuân (người thứ hai bên phải sang) hướng dẫn đoàn đại biểu CCB Lào thăm mô hình trang trại của gia đình.

Năm 1978, CCB Võ Văn Tùng (xã Cẩm Lạc - Cẩm Xuyên) tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. Năm 1981, ông ra quân trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 76%. Thời điểm này, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, bản thân ông đau ốm thường xuyên. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe ổn định, ông bắt đầu tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế.

Năm 2011, được chính quyền xã tạo điều kiện cùng với sự giúp đỡ, động viên của Hội CCB xã, ông đấu thầu 2 ha đất hoang hóa ở thôn Nam Hà, xã Cẩm Lạc rồi cùng gia đình cải tạo xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, gà, thả cá. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, những lứa lợn, gà và cá liên tục được xuất bán, mang lại thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp, hàng năm, gia đình ông Tùng thu nhập từ 950 triệu - 1 tỷ đồng, lãi ròng 300 triệu đồng.

Xuất thân từ gia đình nghèo, đông con nên ông Tùng thấu hiểu nỗi vất vả của đồng đội, bà con trong xã. Ông đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, con giống, kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu, hàng năm giúp đỡ đồng đội và gia đình khó khăn, hoạn nạn gần 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn dành 28 triệu đồng cho vay luân phiên không lấy lãi đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

CCB Võ Hữu Minh (xã Cẩm Lạc) là một trong những hội viên được ông Tùng hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng không lấy lãi để đầu tư phát triển kinh tế. Ông Tùng còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi để gia đình ông Minh xây dựng mô hình trang trại. Ông Minh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Nhờ được Hội CCB xã và ông Tùng quan tâm hỗ trợ nên kinh tế đã khá hơn, chúng tôi rất mừng”.

dep tinh dong doi

CCB Nguyễn Tất Quý (xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh) với mô hình kinh tế trang trại hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

CCB Phan Đình Diện (thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ, Lộc Hà) luôn tự hào vì trong câu chuyện thoát nghèo của mình có sự giúp đỡ chân tình của đồng đội, các ngành và chính quyền địa phương. Năm 2014, được chính quyền địa phương hỗ trợ cho thuê đất, tạo điều kiện xây dựng 2 mô hình chăn nuôi tổng hợp, ông đã huy động anh em, đồng đội và mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò thịt, bò nái, lợn rừng, gà, trồng nấm và sản xuất con giống.

Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp, năm 2014, gia đình ông đã thu lãi gần 200 triệu đồng. Hiệu quả của mô hình chăn nuôi tổng hợp đã tạo động lực mới để ông thuê 3 ha đất làm muối kém hiệu quả, bỏ hoang xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản. Nhờ được tập huấn kỹ thuật và sự quan tâm của các cấp hội, sự động viên của anh em, đồng đội, mô hình đã cho ông Diện lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm. Với 2 mô hình kinh tế tiêu biểu, CCB Phan Đình Diện đã tạo việc làm hàng năm cho 25 lao động trong thôn với mức lương bình quân 4-6 triệu đồng/người/ tháng.

“Để giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế, trước hết, bản thân phải có nghị lực, quyết tâm xây dựng kinh tế ngay trên quê hương mình. Đồng thời, biết khai thác các nguồn vốn, nhất là từ ngân hàng, chính sách của Đảng và Nhà nước, huy động nội lực, bạn bè, đồng chí, đồng đội” - ông Diện bộc bạch.

Những năm qua, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đang được các cấp hội triển khai sâu rộng với nhiều hình thức hỗ trợ hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Với nhiều cách làm hay, hình thức đa dạng, từ tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến hỗ trợ vốn, cây, con giống, tập huấn kỹ thuật…, hội đã giúp nhiều gia đình hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Mặt khác, các cấp hội trong tỉnh luôn quan tâm, làm tốt công tác ủy thác vay vốn cho hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, toàn hội có 2.533 mô hình kinh tế trang trại, gia trại, sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, trong đó có 481 trang trại, 1.705 gia trại, 148 doanh nghiệp, 75 hợp tác xã, 124 tổ sản xuất có thu nhập hằng năm từ 100 triệu đến hàng chục tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có gần 97% hộ CCB thoát nghèo, trong đó có trên 50% gia đình CCB thuộc hộ khá và giàu.

Ông Phạm Tiến Thích - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Can Lộc chia sẻ: Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho các gia đình hội viên thoát nghèo, mà quan trọng hơn, bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực đã góp phần gắn kết, làm đẹp thêm tình cảm đồng chí, đồng đội giữa đời thường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast