Dịch Covid-19 hạn chế sức mạnh quân sự của các cường quốc

Tàn phá 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi sinh mạng gần 200 nghìn người, Covid-19 còn ảnh hưởng cả đến mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Mỹ

Kẻ thù vô hình virus SARS-CoV-2 đã làm suy giảm sức mạnh quân sự của nhiều cường quốc, trong đó có Mỹ và Pháp. Nó vô hiệu hóa gần như tất cả các tàu sân bay của siêu cường Mỹ, các cuộc tập trận quân sự và việc luân chuyển quân đội đã bị đình hoãn, và đấy được cho mới chỉ là khởi đầu. Khi đại dịch bắt đầu bùng phát, không gian hạn chế của hàng ngàn người với hệ thống thông gió chung của các tàu lớn và tàu dân sự là điều kiện lý tưởng để virus lây lan.

Nạn nhân đầu tiên của virus SARS-CoV-2 là tàu chở khách, sau đó, đại dịch tấn công lực lượng hải quân thế giới. Trên các phương tiện truyền thông đang dậy sóng trường hợp Hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt qua thông tin rò rỉ từ vị thuyền trưởng - người sau đó đã bị cách chức. Do không thể đảm bảo cách ly bệnh nhân với các thành viên còn lại, số người nhiễm bệnh chỉ sau một tuần tăng gấp nhiều lần so với con số 30 ban đầu.

Dịch Covid-19 hạn chế sức mạnh quân sự của các cường quốc

Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống, kể cả hoạt động chiến đấu; Nguồn: m.cdm.me

Ngày 12/4, theo Bộ Hải quân Mỹ, trong số 4.800 thành viên thủy thủ đoàn của hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt, số lượng thành viên bị nhiễm bệnh đã tăng lên 550, trong đó có cả viên chỉ huy tàu; tàu sân bay này đã bị loại khỏi lực lượng chiến đấu của Hải quân Mỹ, phải kiểm dịch tại căn cứ Apra trên đảo Guam. Đấy là hàng không mẫu hạm tinh hoa của Hải quân Mỹ, còn những gì đang xảy ra trên tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm - nơi mà chật tới mức khó nhúc nhích, không chỗ để tránh nhau?

Sau khi bùng phát trên tàu Theodore Roosevelt, dịch bệnh tiếp tục lan sang các tàu khác của Hải quân Mỹ. Ít nhất một trường hợp nhiễm trùng đã được nhận trên các tàu sân bay Ronald Reagan, Carl Vinson và Nimitz. Gần đây, không có số liệu chính thức, đáng tin cậy về chủ đề này vì Lầu Năm Góc yêu cầu bảo mật thông tin, nhưng theo dữ liệu gián tiếp, có thể hình dung được bức tranh ảm đạm. Có đáng ngạc nhiên khi Tổng thống Trump đã gửi một phần hạm đội của mình đi kiểm dịch ở vùng biển Caribbean?

Theo truyền thông Mỹ, virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trên 4 tàu sân bay - mối đe dọa tiềm tàng khiến chúng mất đi khả năng giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu với thời hạn không xác định. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi một số tàu sân bay phải thực hiện nhiệm vụ quân sự ở xa căn cứ, bên ngoài các cơ sở cố định có dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao. Nếu các tác nhân gây bệnh coronavirus vẫn còn trên tàu, sẽ là thảm họa đối với thủy thủ đoàn và con tàu. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không có ý định từ bỏ sự hiện diện quân sự của mình trong vùng biển quốc tế và chỉ huy Hải quân Mỹ không có ý định từ chối đưa tàu ra khơi.

Dịch Covid-19 hạn chế sức mạnh quân sự của các cường quốc

Hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt đang bị Covid-19 vô hiệu hóa; Nguồn: topcor.ru

Hiện, Lầu Năm Góc bố trí rải rác các các căn cứ quân sự cho cái gọi là "lực lượng dự phòng” trên khắp thế giới. Quân đội Mỹ đòi hỏi phải luân chuyển thường xuyên và việc này sẽ gây ra vấn đề lớn với Mỹ. Nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia như Afghanistan, Iraq, Syria, đã bị phá hủy với sự trợ giúp của quân đội hùng mạnh nhất hành tinh này. Vấn đề lớn nhất là Afghanistan - nơi người Iran đang lặng lẽ di cư đến, dịch bệnh coronavirus đang hoành hành và có nhiều chuyên gia Trung Quốc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cũng từ Iran, COVID-19 chắc chắn sẽ lây lan sang nước láng giềng Iraq và Syria, cũng như các quốc gia khác ở Trung Đông - nơi Mỹ có nhiều căn cứ quân sự. Do kiểm dịch, khả năng chiến đấu của đơn vị này hiện đã giảm và trong tương lai, các cơ sở hạ tầng quân sự nước ngoài đó có thể trở thành nguồn dịch bệnh lặp đi lặp lại ở Mỹ và các nước NATO khác.

Pháp

Charles de Gaulle - hàng không mẫu hạm duy nhất của Hải quân Pháp - rời căn cứ vào ngày 21/1 đến biển Địa Trung Hải tham gia chống phiến quân Hồi giáo ở Iraq và Syria; sau đó, vượt Đại Tây Dương và tham gia cuộc tập trận hải quân châu Âu được tổ chức ở biển Baltic. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Parley, trong số các thủy thủ đoàn của hàng không mẫu hạm này và tàu hộ tống nó, hơn 2 nghìn thử nghiệm đã được thực hiện, có 1.081 cho kết quả dương tính. Trên 20 thành viên thủy thủ đoàn đã nhập viện và đang được chăm sóc đặc biệt. Những người bị nhiễm bệnh được cách ly trong doanh trại ở Toulon và Brest, và thủy thủ đoàn đoàn của tàu khu trục La Motte Piquet bị cách ly tại chỗ.

Đáng chú ý, trong hơn một nửa số bệnh nhân, không có triệu chứng đặc trưng nào của COVID-19 được ghi nhận. Thủy thủ đoàn của hàng không mẫu hạm có quân số tới 1900 người (thủy thủ - 1200, nhóm không quân - 600 và chỉ huy - 100). Tất cả được kiểm dịch trong 14 ngày; những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi virus đã được sơ tán bằng máy bay. Trên tàu, có 20 bác sĩ, một phòng điều trị gồm 12 giường được trang bị thiết bị thông khí và máy quét; phía mũi tàu có khu vực cách ly cho 127 người.

Thủy thủ đoàn của tàu khu trục Chevalier Paul hộ tống hàng không mẫu hạm cũng được đưa vào kiểm dịch và 40 thành viên đã bị phát hiện nhiễm virus, con tàu được trả lại Toulon. Đại diện chính thức của Hải quân Pháp cho biết các biện pháp được thực hiện là chưa từng có, tuy vậy, hoạt động khử trùng tàu rất phức tạp do kích thước của nó. Quân y của Hải quân Pháp đã cử một nhóm bác sĩ đến hàng không mẫu hạm để đánh giá tình hình và tổ chức tăng cường giám sát y tế. Tuy nhiên, với số lượng thành viên thủy thủ đoàn bị nhiễm bệnh, khả năng chiến đấu của tàu sân bay duy nhất của Hải quân Pháp đang trong biên chế chỉ còn là tượng trưng.

Dịch Covid-19 hạn chế sức mạnh quân sự của các cường quốc

Hàng không mẫu hạm duy nhất của Hải quân Pháp Charles de Gaulle - nạn nhân khác của Covid-19; topcor.ru

Trong một động thái liên quan, đợt gọi nhập ngũ 25 nghìn quân dự bị đầu tiên của quân đội Mỹ đã được thực hiện. Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ giải thích biện pháp này là bắt buộc và liên quan đến việc phòng chống đại dịch. Theo thông tin mới nhất, chỉ có 1 ngàn bác sĩ quân y thuộc nhóm tình nguyện viên này, số còn lại không có chuyên môn y tế. Trong trường hợp mà ở Mỹ người ta gọi là “thiên nga đen” (sự lây nhiễm tối đa và tỷ lệ tử vong gia tăng), việc gọi nhập ngũ tới 800 nghìn quân dự bị thuộc nhiều quân binh chủng và ngành nghề cũng đã được dự kiến.

Về vấn đề này, ngay trong chính các lực lượng dự bị, cũng như các tổ chức nhân quyền của Mỹ, các câu hỏi bắt đầu được đặt ra về việc các cựu quân nhân ngạch dự bị sẽ được sử dụng cụ thể như thế nào. Trước đây, giới chức Vệ binh Quốc gia nói để “tuần tra trên đường phố, bảo vệ trật tự công cộng”. Nhưng lời giả thích không thỏa đáng, vì trong số 800 nghìn quân nhân dự bị được động viên “liên quan đến sự lây lan của dịch bệnh”, có những người không có chuyên môn phù hợp, ví dụ như lính pháo binh. Làm thế nào để nhanh chóng đưa các cựu quân nhân đó tham gia “tuần tra đường phố” hay liệu Mỹ còn có ý đồ hoặc kế hoạch gì khác?./.

Theo VOV

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast