Dốc sức người, sức của cho mặt trận

(Baohatinh.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), cùng với Thanh Hóa và Nghệ An, Hà Tĩnh là vùng tự do thuộc Liên khu 4. Nhiệm vụ chủ yếu của quân và dân Hà Tĩnh ngoài việc xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương là dốc sức người, sức của chi viện cho các chiến trường, góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi và làm nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Lào.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LLVT Hà Tĩnh (18/8/1945 - 18/8/2015

Dốc sức người, sức của cho mặt trận ảnh 1

Đoàn xe di chuyển qua khu vực dày đặc hố bom ở trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) Ảnh: Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Hành động đánh phá ác liệt của thực dân Pháp vào vùng tự do đã gây ra những tổn thất lớn về người và của cho nhân dân Hà Tĩnh. Thực dân Pháp càng điên cuồng đánh phá, tinh thần kháng chiến của nhân dân ta càng lên cao, phong trào sản xuất khắc phục thiên tai, địch họa càng được đẩy mạnh, đặc biệt là tập trung chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Cả Hà Tĩnh sôi nổi thực hiện cuộc tổng động viên dốc sức chi viện nhân, tài, vật lực cho các mặt trận với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Đối với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế cho các chiến trường, những ngày đầu kháng chiến, Hà Tĩnh đã chi viện sức người, sức của cho các mặt trận Bình - Trị - Thiên, Trung Lào, Hạ Lào. Về sau, nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục phục vụ các chiến dịch lớn như Thượng Lào, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, toàn tỉnh đã huy động hàng vạn dân công, thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến và hàng ngàn thanh niên tòng quân lên đường đánh giặc. Từ quê hương Hà Tĩnh, hàng vạn dân công chân đất hàng tháng trời không quản đói rét, đạn bom ác liệt, vượt hàng trăm km đường đèo cao, suối sâu, lưng cõng, vai gồng gánh, đưa hàng ngàn tấn gạo, vũ khí, thuốc men ra mặt trận, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ những năm 1952, 1953, dân công Hà Tĩnh tham gia phục vụ chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ riêng trong một thời gian ngắn cuối năm 1953, Hà Tĩnh đã dốc sức chi viện cao nhất nhân, tài, vật lực cho các mặt trận. Toàn tỉnh đã huy động 30.632 dân công đi các chiến dịch; 1.299 chiếc thuyền các loại, 394 xe đạp thồ và 410 xe rùa (cút kít) phục vụ tiền tuyến...

Những đóng góp đó đã góp phần tích cực vào thắng lợi của các mặt trận, nhất là cuộc tiến công chiến dịch đông - xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Thời gian này, phong trào xung phong đi bộ đội trong thanh niên hết sức sôi nổi; việc động viên con em tòng quân trở thành ý thức thường trực và niềm tự hào của mỗi người dân trong tỉnh. Hàng vạn thanh niên lên đường ra tiền tuyến tham gia chiến đấu trong các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc và Điện Biên Phủ; đưa tổng số thanh niên Hà Tĩnh gia nhập quân đội trong thời kỳ chống Pháp lên 43.780 người.

Trên các mặt trận, những người con quê hương Hà Tĩnh đã chiến đấu dũng cảm, sát cánh cùng đồng đội tiêu diệt kẻ thù. Tiêu biểu như các tập thể, cá nhân: Tiểu đoàn 400 bộ đội địa phương Hà Tĩnh gia nhập vào Đại đoàn 304 chiến đấu ở Hồng Cúm trong chiến dịch Điện Biên Phủ được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang”; anh hùng Phan Đình Giót (quê Cẩm Quan, Cẩm Xuyên), Nguyễn Đô Lương (Đức Quang, Đức Thọ), Nguyễn Xuân Lực (Song Lộc, Can Lộc)…

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 2.930 người con Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường và hàng ngàn người bỏ lại một phần xương thịt, được công nhận là thương binh các hạng...

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp muốn chiếm Hà Tĩnh để dễ bề thu phục miền Bắc và miền Nam. Nhưng người Hà Tĩnh với chí khí anh hùng đã làm cho mảnh đất này trở thành một an toàn khu, hậu phương vững chắc, dốc sức chi viện nhân, tài, vật lực cho các mặt trận, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Trong chặng đường đầy gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi vinh quang ấy, đã có biết bao tập thể, con em Hà Tĩnh làm nên kỳ tích anh hùng, mãi mãi sống trong lòng đồng đội và nhân dân cả nước, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược đông - xuân 1953-1954 và chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

(Theo Lịch sử quân sự)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast