"Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn"

(Baohatinh.vn) - Nhà thơ Huy Cận trong bài “Ca ngợi người phụ nữ Việt Nam” đã viết: “Chèo mẹ Suốt vang sông, chị Khíu giành lại biển/ Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn”. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình được coi là “đầu cầu giới tuyến”, là “cửa ngõ”, “yết hầu” của công tác chi viện cho miền Nam ruột thịt. Với ý chí quyết tâm, lòng quả cảm, tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ Quảng Bình đã làm nên những chiến công vang dội.

40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

>> Hà Tĩnh kiên cường giữ vững mạch máu giao thông

Người mẹ Anh hùng và mái chèo huyền thoại

Niềm mong ước một ngày về lại bến đò mẹ Suốt của tôi đã trở thành hiện thực. Sau những ngày mưa u ám, mảng nắng đầu mùa làm bừng sáng cả dòng sông. Con sông Nhật Lệ từng phải oằn mình dưới bom đạn một thời, nay bình yên, no ấm, được điểm tô bằng hơi thở cuộc sống nhộn nhịp của khu chợ ven bờ, của những dãy nhà cao tầng thấp thoáng, của tấp nập thuyền câu. Và trên dòng sông, cây cầu Nhật Lệ như một chiếc trâm cài nghiêng nghiêng nối đôi bờ xanh biếc. Tượng đài của mẹ sừng sững hiên ngang với khuôn mặt hướng ra dòng sông. Lặng người xúc động, vang vọng trong tôi là những câu thơ sống mãi với thời gian của nhà thơ Tố Hữu:

“Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Sợ chi sóng nước tàu bay

Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua”.

"Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn" ảnh 1
"Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn" ảnh 2

Bên tường đài Mẹ Suốt

Trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt các trục giao thông, bến phà, dòng sông Nhật Lệ được xem là huyết mạch của Quảng Bình, của miền Trung. Bất chấp sự hiểm nguy, khốc liệt của những lần máy bay bổ nhào, phóng rốc két, bắn đạn 20 ly ngăn chặn, mẹ Suốt vẫn hiên ngang cầm chắc tay chèo chở bộ đội sang sông, vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta để đánh trả quân thù. Những chuyến đò của mẹ cũng là đường dây thông tin liên lạc giữa thị xã Đồng Hới với Bảo Ninh. Người ta ước tính, mỗi năm, con đò của mẹ qua lại đến 1.400 chuyến.

Chiến công của mẹ Suốt cùng bao chiến công thầm lặng khác của quân và dân Đồng Hới đã lập nên kỳ tích vang dội. Chỉ trong 2 ngày 7 và 8/2/1965, đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Từ ngày 14/2 - 28/4/1965, 5 tàu chiến Mỹ bị bắn chìm, bắn cháy tại biển Nhật Lệ - mở đầu cho thắng lợi rực rỡ của quân và dân ta. Bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ lại tăng cường đánh phá miền Bắc và Đồng Hới tiếp tục hứng chịu đạn bom. Ngày 11/10/1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ Suốt đã ngã xuống bên mái chèo.

Bảo Ninh quê mẹ ngày nào giờ đã đổi thịt thay da, ngôi nhà xưa giờ chỉ còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm. Các con của mẹ mỗi người một nơi để mưu sinh lập nghiệp, nhưng hình ảnh mẹ vẫn luôn là niềm tự hào, khích lệ họ trong những bước gian nan. Không chỉ sống mãi trong trái tim của các con mà hình ảnh mẹ Suốt đã trở thành một biểu tượng sống mãi trong lòng người dân Quảng Bình và cả nước.

Những cô gái Ngư Thủy

Trong chuyến tìm về địa chỉ đỏ cùng đoàn công tác, Ngư Thủy trở thành một trong những điểm đến của chúng tôi. Dẫu chỉ lần đầu gặp gỡ, biết về những chiến tích oai hùng của các chị qua những thước phim tư liệu và sách báo nhưng buổi gặp mặt đầy xúc động giữa đoàn với các nữ pháo binh năm xưa đã để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc khó quên. Qua những câu chuyện kể, hình ảnh của một thời đạn bom chiến tranh lại hiện về mồn một trong hồi ức của các chị.

"Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn" ảnh 3

Cuộc hội ngộ với những cô gái pháo binh Ngư Thủy

Suốt gần 10 năm chiến đấu (1967 – 1976), từ 37 người, đơn vị đã nhiều lần bổ sung, tăng cường lực lượng nên quân số thời điểm đông nhất lên đến 91 người. Trong đó có 2 chị em ruột là Trần Thị Thản và Trần Thị Hoanh. Các chị được biên chế thành 3 trung đội, trong đó, 2 trung đội pháo chia làm 4 khẩu đội. Trong thời kỳ này, Đại đội Nữ pháo binh Ngư Thủy đã đánh 8 trận, 5 lần bắn cháy và chìm tàu chiến Mỹ bằng pháo mặt đất 85 ly để bảo vệ vùng biển đầu giới tuyến Quảng Bình. Chiến tích oai hùng của các chị khiến bạn bè quốc tế thán phục. Với những chiến công này, ngày 25/8/1970, Đại đội Nữ pháo binh Ngư Thủy vinh dự được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chị Ngô Thị The - nguyên Đại đội trưởng cho biết: “Để có được những chiến công ấy, chị em phải phơi mình nhiều ngày trên bãi cát nóng bỏng để tìm kiếm và di chuyển trận địa, vận chuyển pháo. Hồi đó, chúng tôi đều là những cô gái mười tám, đôi mươi hừng hực bầu máu nóng với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đánh bằng pháo binh rất khó bởi phải có sự phối hợp chặt chẽ từ chỉ huy đến trận địa. Sau mỗi trận đánh, sức ép của pháo đều làm các chị chảy máu tai, phải cả tháng trời mới có thể nghe được giọng nói của nhau”.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Sau 40 năm, trận địa pháo năm xưa đã lành “vết thương” bởi màu xanh của rừng phi lao chắn cát, của vóc dáng những ngôi làng sầm uất với tường vôi trắng và mái ngói đỏ tươi. Tượng đài của đại đội nữ pháo binh sừng sững giữa trận địa cũ, đối diện với trường học như thầm nhắc các em nhỏ hôm nay tự hào về mảnh đất quê hương, về thế hệ các mẹ, các chị anh hùng.

Trong chiến tranh, các chị là những chiến sĩ, thời bình lại trở về thiên chức là người mẹ, người vợ với những công việc đời thường của ngư dân bám biển. Cuộc sống vẫn bình lặng trôi, song dấu tích chiến tranh vẫn còn đâu đó trong mỗi người... bởi không phải ai trong số các chị, các mẹ đều được sống trọn vẹn với mơ ước bình dị của mình. Nhưng vượt lên số phận, các mẹ, các chị đã thực sự trở thành tấm gương mẫu mực cho con cháu hôm nay. Chị Thản - nguyên Chính trị viên đại đội, Trưởng ban liên lạc cho biết: Các chị đều tham gia các tổ chức đoàn thể của xã, thành lập 2 tổ vay vốn xóa đói giảm nghèo, lập quỹ để chia vui, sẻ buồn với nhau, đặc biệt là vận động các tổ chức trong cả nước xây dựng 26 nhà tình nghĩa và tổ chức cho chị em đi tham quan nhiều di tích lịch sử trong nước.

Xã Ngư Thủy xưa, nay chia thành 3 xã: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam thuộc huyện Lệ Thủy. Anh Nguyễn Quang Thao - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung không giấu nổi tự hào: “Về với cuộc sống thời bình, các chị vẫn là những anh hùng, là tấm gương về nghị lực vượt khó và lối sống trong sáng, giản dị cho thế hệ chúng tôi noi theo. Niềm tự hào về mảnh đất ra ngõ gặp anh hùng ấy đã là động lực để lớp lớp thế hệ trẻ ở Ngư Thủy hôm nay vươn lên xây dựng quê hương, phát triển kinh tế biển”.

"Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn" ảnh 4

Đoàn công tác Báo Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm với các chị thuộc Đại đội Nữ pháo binh Ngư Thủy năm xưa.

Những con đường bê tông chạy dài qua các cồn cát, ra tận biển thay cho những con đường cát lún năm xưa. Khu chợ Mai đã nhộn nhịp hàng hóa. Những con tàu trở về từ mỗi chuyến đi mang nặng sản vật của biển khơi. Những vùng đất hoang hóa ven biển đã được cải tạo thành những hồ nuôi trồng thủy, hải sản. Ngoài ra, chăn nuôi cũng là một trong những mũi nhọn để vùng biển ngang nghèo đói xưa kia vượt qua khó khăn, tự tin xây dựng nông thôn mới. Lệ Thủy, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nay đang thay da đổi thịt từng ngày.

Sức mạnh từ lòng tự hào về truyền thống, sự năng động trong thời kỳ đổi mới của người dân nói chung và lớp lớp thế hệ con cháu Bà Trưng, Bà Triệu hôm nay đã làm nên sự thay đổi trên dải đất “chang chang cồn cát” ngày xưa. Với hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quyến rũ như Khu du lịch Bảo Ninh, quần thể động Phong Nha, bãi biển Đá Nhảy, khu nhà và khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách bởi chính tiềm năng vốn có.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast