Người bắn rơi 4 máy bay Mỹ - Ngụy bằng tên lửa vác vai A72

Bất ngờ trước câu hỏi: “Ông còn nhớ tên lửa vác vai A72?”, ánh mắt ông sáng lên kì lạ, hình như một kí ức oai hùng đã trỗi dậy trong con người ông...

Quê hương những ngày mưa bom, bão đạn

Ông Trần Đình Liên

Ông Trần Đình Liên

Năm 1996, lần đầu tôi gặp ông Trần Đình Liên, xóm trưởng xóm Đô Hành, xã Mỹ Lộc (Can Lộc) và chỉ biết ông là thương binh, lại nhiễm chất độc da cam. 17 năm sau, khi biết ông là một người có nhiều chiến công, tôi trở lại thấy ông vẫn vậy, có già đi đôi chút nhưng tác phong vẫn nhanh nhẹn hoạt bát như xưa và đã là Phó Chủ tịch Hội CCB xã.

Xóm Đô Hành, xã Mỹ Lộc nằm trên tuyến lửa, ngay dưới chân đường 15A, cách eo Truông Kén, Ngã ba Đồng Lộc 1km, cách ngã ba Khe Giao khoảng 3km. Nơi đó, từ những năm 1965 – 1972, phải hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn.

Để tránh khỏi “điểm lửa”, gia đình ông cũng như nhân dân xóm Đô Hành đã nhiều lần phải tản cư, nhưng họ vẫn ngày đêm cùng với bộ đội, lực lượng TNXP, dân quân, lực lượng đảm bảo giao thông chặt cây, gánh đất, dỡ nhà, lát đường cho xe ra tiền tuyến. Trong lửa đạn ác liệt, con người nơi đây không chịu khuất phục để một tấc không đi, một li không dời nhằm bám đường, bám trận địa để chiến đấu và chiến thắng. Mỗi người dân nơi đây đều tự mình trở thành một chiến sĩ.

Tháng 8/1968, khi quê hương đang bị bom đạn quân thù cày xới ngày đêm, Trần Đình Liên được cử đi học Trường trung cấp Thủy lợi ở Hà Bắc. Lúc đó ông vừa tròn 17 tuổi. Học xong, ông được bố trí làm việc ở Phòng thiết kế - Ty Thủy lợi Hà Tĩnh với công việc chính là đo đạc.

Cuộc chiến ngày càng cam go, tháng 4/1970, Trần Đình Liên xung phong tòng quân. 3 tháng huấn luyện tân binh tại đoàn 22B ở Cẩm Xuyên, với 29/30 điểm bắn, ông được phần thưởng là một tuần nghỉ phép quý giá trước khi hành quân vào Quảng Trị vào những ngày đầu tháng 8/1970.

Kí ức máu lửa về tên lửa A72

Vào Quảng Trị, Trần Đình Liên được biên chế vào C1 – D75 – E84, Bộ Tư lệnh B5 chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Đầu xuân năm 1971, với nhiệm vụ là trắc thủ số 2 cao xạ 12,7 li, ông cùng đồng đội và đơn vị đã tham gia nhiều trận đánh, góp phần vào việc đánh bại chiến dịch Lam Sơn 719 của địch. Cá nhân ông được tặng bằng khen.

Với những diễn biến trên chiến trường, Bộ Chính trị nhận định và quyết tâm giải phóng Quảng Trị đầu năm 1972. Đầu năm 1971, ta được Liên Xô viện trợ một loại khí tài đặc biệt nhằm tiêu diệt hiệu quả máy bay tầm thấp trên chiến trường – tên lửa phòng không vác vai 9k32 Strele2 (định danh NATO là SA -7), bộ đội ta gọi là A72 hoặc một cái tên thân mật khác là “mũi tên xanh”.

Chuẩn bị phóng "mũi tên xanh" (nguồn ảnh: Bảo tàng Quân đội)

Chuẩn bị phóng "mũi tên xanh" (nguồn ảnh: Bảo tàng Quân đội)

Với kinh nghiệm chiến trường và tố chất bẩm sinh, từ tháng 10 đến tháng 12/1971, Trần Đình Liên là một trong những người được chọn để ra Bắc học sử dụng loại vũ khí mới tại CA72 – E 237 – F367. Ông kể “Khi ở chiến trường ra, được học tính năng chiến đấu và cách sử dụng của tên lửa A72, chúng tôi đã nhận ra đây là một vũ khí sẽ phát huy tốt trong tác chiến vì tính cơ động, gọn nhẹ và quan trọng là sử dụng tia hồng ngoại dò nhiệt từ động cơ máy bay để tiêu diệt mục tiêu”.

Đầu năm 1972, C172 (đại đội tên lửa vác vai) được biên chế vào Trung đoàn 241 (pháo cao xạ), Sư 367. Vào chiến trường, C172 được giao nhiệm vụ hành quân, hợp đồng tác chiến bảo vệ trên không cho Sư đoàn 304.

Không còn nhớ ngày chính xác nhưng địa điểm và diễn biến trận đánh đầu tiên mà ông bắn rơi máy bay thì ông nhớ rõ mồn một: “Đó là trận đánh chiếm lĩnh cao điểm Phượng Hoàng – cửa ngõ Ái Tử, phía Tây Bắc Thành cổ Quảng Trị. Lúc đó khoảng 6 – 7 giờ sáng, sau làn pháo dữ dội của ta bắn uy hiếp đầu cầu, xe tăng và bộ binh bắt đầu tiến lên. Bất ngờ, 4 chiếc máy bay AD6 từ biển vào sà xuống ném bom vào đội hình xe tăng và bộ binh ta. Được lệnh của Đại đội phó Trần Lự và tiểu đội trưởng Nguyễn Thanh Tùng, tôi chĩa mũi đạn về phía máy bay siết cò. Một “mũi tên xanh” lao vút, vòng vèo đuổi theo làn khói rồi chui tọt vào máy bay, nổ tung; 2 tên giặc lái nhảy ra khỏi máy bay nhưng quá thấp không kịp bung dù rơi chết tại chỗ. 3 chiếc AD6 còn lại hoảng hốt bỏ chạy nhưng bị pháo cao xạ ta bắn rơi thêm 2 chiếc. Tôi được Bộ tư lệnh B5 hỏi tên tuổi, quê quán và tuyên dương khen thưởng tại mặt trận”.

D172 huấn luyện phóng tên lửa A72 (nguồn ảnh: Bảo tàng Quân đội)

D172 huấn luyện phóng tên lửa A72 (nguồn ảnh: Bảo tàng Quân đội)

Ông kể tiếp: “Lúc 3 máy bay bị hạ gục, một số xe tăng dừng lại, bộ đội tăng nhảy ra khỏi xe ôm chầm lấy tôi, dúi vào tay mấy hộp sữa rồi tiếp tục hành quân, bộ binh giơ súng lên vẫy vẫy như thể cảm ơn chúng tôi. Tôi cũng chẳng biết là mình có phải là người đầu tiên của Đại đội bắn rơi máy bay bằng A72 không nhưng sau đó hầu như tôi được cấp trên chỉ thị lên bảo vệ cho Bộ tư lệnh B5”.

Giọng ông có vẻ trầm tĩnh hơn khi kể về chiến công bắn rơi 3 máy bay sau đó, ông kể: “Nếu trong trận ở điểm cao Phượng Hoàng, mình vừa bắn vừa lo vì đó là lần đầu tiên bắn thực địa máy bay trên chiến trường thì những lần sau đó mặc dù độc lập tác chiến với A72 nhưng rất bình tĩnh lúc nhả đạn. Đó là lần bắn chiếc A 130 ở Hải Lăng, chiếc F4 và A37 ở dốc Động Chuối. Với 6 quả đạn, tôi đã hạ được 4 chiếc, một hiệu suất khá cao trong chiến đấu. Sau đó, tôi bị thương trong một lần tác chiến ở phía Tây thành cổ Quảng Trị”.

Thấy ông là người mảnh dẻ, tôi hỏi về chỉ số sức khỏe của ông thời đó, ông cho biết: “Tui chỉ cao có 1,58m, nặng 41kg. Được cái sức nó dẻo dai, vác tên lửa 15kg (cả đạn) và ba lô quân tư trang cũng nặng gần bằng người rồi chú nờ”.

Với chiến công xuất sắc nhưng thầm lặng, Trần Đình Liên được các cấp thi đua từ đại đội đến Bộ tư lệnh mặt trận B5 chọn cử tham dự Đại hội thi đua toàn quân tại Hà Nội.

Ông Trần Đình Liên được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công

Ông Trần Đình Liên được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công

Tháng 10/1972, ông được ra Đầm Vạc – Vĩnh Yên – Vĩnh Phú an dưỡng 1 tháng. Đêm 18/12/1972, khi vừa xong phần văn nghệ, chưa kịp khai mạc Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc thì B52 vào ném bom Hà Nội chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” bắt đầu, đại hội đành phải tuyên bố sơ tán khẩn cấp (hồi kí Đại tá Đặng Xuân Toản). Theo kế hoạch trước đó, ông được đưa về Sơn Tây biên chế vào C53, D5, Trường sĩ quan Phòng không, không quân học điều khiển tên lửa Sam.

Với những chiến công xuất sắc trên chiến trường, Trần Đình Liên được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Hai, Ba, 01 bằng Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, mới đây là Kỉ niệm chương về bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Nặng nghĩa tình quê hương

Tháng 1 năm 1977, ông ra trường với cấp bậc thiếu úy, trưởng xe điều khiển thuộc C1- D72 – E285 – F 367 đóng quân ở Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh). Năm 1980, ông ra Đà Nẵng làm Đại trưởng rồi Trợ lí Sư đoàn. Năm 1983, về trường Sĩ quan làm giáo viên. Năm 1987, ông nghỉ hưu mất sức do tái phát vết thương và nhiễm chất độc màu da cam.

Về quê, bao nỗi trăn trở với miền quê nghèo đói, lạc hậu, từ năm 1988, ông được nhân dân tin tưởng cử làm Xóm trưởng rồi chuyển sang làm Bí thư chi bộ, Bí thư đảng ủy bộ phận, rồi quay lại xóm trưởng. Từ ngày thành lập Hội CCB ở xã, ông tham gia nhiệt tình, đã nhiều năm liền trong vai trò là Phó Chủ tịch Hội CCB xã luôn là một người mẫn cán. Ông tâm sự: “Làm công tác Hội, là người đã từng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường nên thấu hiểu được nỗi đau, nỗi mất mát của đồng đội. Nhiều, rất nhiều chiến công của anh em đã gửi lại chiến trường, có người bị thương thật nhưng thất lạc giấy tờ nên không được công nhận là thương binh. Thương nhất là số anh chị em ở chiến trường về bị nhiễm chất độc Dioxin, sức khỏe của họ giảm sút, con cái không lành lặn. Con gái đầu (chị Trần Thị Bích) của tôi bị nhiễm nặng nhưng còn may mắn hơn nhiều đồng đội vì từ đứa thứ hai trở đi đều lạnh lặn”.

Nhận xét về ông, ông Trần Trí Quang – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: “Với phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ, tuy trong người còn mang vết thương và ảnh hưởng chất độc màu da cam nhưng kể từ khi giải ngũ đến nay, đồng chí Trần Đình Liên luôn nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, có nhiều đóng góp cho phong trào chung của xóm, của xã, của Hội CCB. Ông là một tấm gương sáng ở địa phương về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Biết được ông là người đã bắn rơi bốn máy bay bằng tên lửa vác vai A72, chúng tôi càng tự hào về ông”.

Tháng 7/2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast