Nhớ “Anh Văn”

Dịp kỷ niệm 69 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay vắng “Anh Văn” - Xin phép được gọi ông như nhiều thế hệ chiến sĩ, sĩ quan được ông chỉ huy đi qua cuộc trường chinh hào hùng của dân tộc đã gọi ông thân mật như vậy. Dù vắng, nhưng ông chưa xa, không xa trong tình cảm kính trọng của mỗi người chiến sĩ, của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và Ngày Quốc phòng toàn dân:

Người kiêu hãnh đi qua cuộc trường chinh

69 năm trước trong buổi chiều muộn ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), đội vũ trang tuyên truyền giải phóng quân với 34 người được thành lập với người “anh Cả” là Võ Nguyên Giáp. 69 năm qua, Anh Văn cùng cả dân tộc kiêu hãnh đi qua cuộc trường chinh nhằm mục tiêu giành lại quyền độc lập dân tộc, quyền hạnh phúc cho nhân dân, thay thế ách cai trị thực dân bằng một xã hội tốt đẹp hơn, vì con người. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa đó đã xác lập một vị thế mới cho một dân tộc bị xóa tên trên bản đồ. Thắng lợi của cuộc trường chinh đó cũng vinh danh một vị tướng của nhân dân trở thành một huyền thoại quân sự của thế kỷ 20, người đã chỉ huy một quân đội phát triển từ con số 0 đánh thắng những lực lượng hùng hậu hàng đầu thế giới. Hơn thế, Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp, Việt Nam - Hồ Chí Minh còn là biểu tượng chiến thắng của những dân tộc bị áp bức vùng lên đòi lại những giá trị nhân quyền, nhân đạo, nhân văn cho mình.

Nhớ “Anh Văn” ảnh 1

Ngày 5/5/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ duyệt binh ngày 1/5/1973. Vũ Tạo – TTXVN


Tầm vóc Võ Nguyên Giáp còn cao hơn bởi vì ông không hề được đào tạo chính quy về quân sự. Có câu chuyện kể rằng khi một học giả nước ngoài nêu câu hỏi: “Tại sao một nhà giáo về sử học, về luật pháp, được Pháp đào tạo, không qua một trường quân sự nào lại là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược?”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời: “Câu hỏi này xin hỏi lại Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Câu trả lời đó đã nói lên nhiều điều nhưng lại làm nảy sinh thêm một câu hỏi: Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cần lựa chọn một “võ tướng”, lại giao trách nhiệm “cầm quân” cho một nhà sử học, một nhà văn hóa? Câu trả lời còn bỏ ngỏ, song lịch sử đã cho thấy rằng sự lựa chọn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn xác đáng.


Vị tướng vĩ đại nhất của chiến tranh nhân dân


Nhà sử học Pháp Georges Boudarel, trong cuốn sách nổi tiếng của mình Giáp (đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam (2012, dưới tên Võ Nguyên Giáp), nêu những câu hỏi: Những người du kích không đủ vũ khí và cả quần áo mặc lại chiến thắng những “ông lớn” được trang bị “tận răng”, đi ủng cao và mặc quân phục dã chiến ?... Một người chưa từng ngồi trên ghế các nhà trường quân sự đã đối đầu thắng lợi với 15 sĩ quan cao cấp, có nhiều kinh nghiệm nhất, được đào tạo bài bản tại các trường quân sự nổi tiếng nhất phương Tây (Saint Cyr, West Point)? Một dân tộc nhỏ bé (về quy mô và tiềm lực) với những “người nhà quê” (về tính chất) lại đương đầu được với vũ khí hiện đại? Và Georges Boudarel cũng đưa ra câu trả lời chung cho những câu hỏi đó của mình: “Với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các bạn chiến đấu của mình, cụm từ “chiến tranh nhân dân” không ngừng trở thành khẩu hiệu động viên toàn thể dân tộc, được thực hiện hàng ngày”. Trước năm 1946, ít nhà quan sát người Pháp biết và trước những năm 1960 còn ít hơn nữa các nhà phân tích Mỹ hiểu được điều này.


Lý giải cho cốt lõi của những nguyên nhân giải thích việc Võ Nguyên Giáp có thể đưa ra những quyết định quân sự quan trọng làm nên chiến thắng của một đội quân ban đầu chỉ có chân đất, áo vải, vũ khí thô sơ, “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” trước những đối phương hùng mạnh chỉ có thể là: Sự am hiểu truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống kiên cường chống ngoại xâm của dân tộc (ông là giáo viên sử học) cùng với sự mẫn tiệp của phương pháp tư duy triết học và luật học (ông đã được đào tạo chính quy những môn này bằng những giáo trình của người Pháp) kết hợp chặt chẽ với sự vận dụng nhuần nhuyễn những tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh trong một con người có nhiều tố chất tài năng. Nhưng trước hết, gần dân, am hiểu về nhân dân, tin tưởng ở nhân dân là yếu tố quan trọng hàng đầu để Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng vĩ đại nhất của chiến tranh nhân dân.


Với người có trách nhiệm đưa ra các quyết định chiến trường, một quyết định đúng sẽ giúp giành chiến thắng với ít sự hy sinh. Một quyết định sai sẽ trở thành thảm họa, đặc biệt với những quyết định ở tầm chiến lược. Cuộc kháng chiến trường kỳ giành và bảo vệ độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ trước đã nhiều lần chứng minh điều này. Khi nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo đã đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”.


Các học giả đều nhất trí đánh giá về “tính nhân dân và nhân văn” rất đậm nét trong sự nghiệp của vị Tổng chỉ huy lỗi lạc Võ Nguyên Giáp. Điểm nổi bật trong những quyết định quan trọng của ông là nhãn quan chiến lược tinh tường, luôn giữ chắc mục tiêu chiến lược nhưng không giáo điều, không tư duy theo những “đường mòn” mà luôn suy nghĩ độc lập, không ngừng sáng tạo. Đó chính là cách “cầm quân” của Võ Nguyên Giáp. Ông là một tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh.


Nhìn dòng người bất tận sắp hàng tới viếng ông, dòng người đứng dọc hai bên đường từ Nhà tang lễ Quốc gia đến sân bay Nội Bài, từ sân bay Đồng Hới đến Vũng Chùa - Đảo Yến… để tiễn biệt ông lần cuối, có thể thấy lòng dân, tình dân, nghĩa dân dành cho ông. Chỉ có những người sống vì dân mới được dân kính - yêu - quý đến như vậy. Từ lâu Đại tướng đã là anh hùng dân tộc dù chưa bao giờ nhận danh hiệu đó. Võ Nguyên Giáp chỉ một lần nhận phong quân hàm. Quân hàm Đại tướng đã đi suốt cuộc đời ông. Nhưng hơn thế, ông là Đại tướng của nhân dân.


Người mang chữ “Nhẫn” bắt nguồn từ chữ “Nhân” và chữ “Trí”


Có người nhìn (hình) chữ Nhẫn (Hán tự, đao trên tâm dưới) mà bình (luận) (thêm) rằng: Nhẫn chính là thiền. Thiền phải nhẫn. Nhẫn để thiền. Thiền để nhẫn”. Nhưng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhẫn trước hết là để giảm bớt hy sinh của chiến sĩ, để yêu thương con người. Trong việc “cầm quân”, khi chưa “chắc thắng”, ông kiên trì “đánh chắc, tiến chắc”, không bao giờ manh động phiêu lưu “nướng quân”. Trong cuộc sống đời thường, ông là vị tướng đứng đầu quân đội, nhưng sống gần gũi, thân ái, đoàn kết, chân thành với đồng chí đồng đội, tôn trọng, thương yêu, dân chủ, bình đẳng, rộng lượng đối với cấp dưới và gần gũi với nhân dân.

Ông luôn đến với các chiến sĩ, đồng chí, đồng bào bằng tình cảm của một người thân thiết. Chị Võ Hòa Bình (thứ nữ của Đại tướng) đã có lần nói về chữ Nhẫn của cha mình: "Những khi bạn bè, đồng chí, người thân hoặc chính bản thân ông gặp lúc khó khăn, bao giờ chúng tôi cũng thấy ở Ba một thái độ bình thản. Ông điềm tĩnh nhưng kiên quyết làm rõ đúng - sai với niềm tin rằng sự thật và cái đúng sẽ sáng tỏ. Và ông đã truyền cho chúng tôi niềm tin như vậy". Người chân thành, rộng lượng với cấp dưới, bình thản, kiên nhẫn vượt qua khó khăn chẳng phải là người Bao dung và Nhân ái lắm thay! Muốn Bao dung và Nhân ái chẳng cần phải Nhẫn lắm thay?


Nhìn từ chiều cạnh khác, trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là nhà sử học, là một trí thức. Sau này ông bộc bạch: Tư duy sử học đã giúp ông rất nhiều trong khi chỉ huy cuộc kháng chiến. Sự gặp nhau giữa sử học và quân sự là phải tôn trọng sự thật - cho dù đó là sự thật đau đớn - và phải xem xét sự vật, hiện tượng trên quan điểm lịch sử trong quá trình vận động biện chứng của nó. Cái (thói quen) nhìn điềm tĩnh và khách quan của nhà sử học cũng góp phần hình thành “tâm tính nhẫn” ở họ. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm sáng tạo của một dân tộc nhỏ yếu hơn chống lại kẻ thù lớn mạnh càng bồi đắp thêm “bản lĩnh Nhẫn” của ông, để ông chống giặc thời nay thắng lợi, để ông vượt qua mọi gian nan sóng gió cuộc đời.


Người để lại hướng nhìn như một biểu tượng

Trong bối cảnh thế giới mới, cuộc chạy đua vũ trang đang tiếp tục với những vũ khí ngày càng hiện đại, câu hỏi đặt ra là: Học thuyết quân sự Việt Nam có còn giá trị không? Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara viết trong hồi ký của mình: “Đôi khi người ta cho rằng thế giới sau Chiến tranh lạnh rất khác với trước, rằng bài học Việt Nam không áp dụng được với nó (thế giới mới này), và vì thế chúng cũng sẽ không thời sự với các thực tiễn thế kỷ 21”. Câu trả lời của Võ Nguyên Giáp hoàn toàn khác: “Chúng ta không bao giờ chủ quan khinh địch, luôn coi trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quân sự, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam lên những bước mới. Và chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: Học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng giữ vững nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược bất cứ từ đâu tới” (Võ Nguyên Giáp (2011) - Tổng tập - Hồi ký, tr 1354).


Con người là yếu tố quyết định mọi thắng lợi. Buổi đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác Hồ đã dặn “Anh Văn”: “Người trước súng sau”. Đại tướng đã tâm niệm và thực hiện đúng phương châm đó, luôn chăm lo bồi dưỡng nhân tố con người cho lực lượng vũ trang cách mạng. Trong chiến tranh hiện đại, con người (chứ không phải vũ khí) vẫn giữ vai trò quyết định. Đội quân được “Anh Văn” lãnh đạo, chỉ huy năm xưa nay đã lớn mạnh hơn nhiều lần. Những chiến sĩ quân đội nhân dân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu vẫn kế thừa tư tưởng và phương pháp chiến tranh nhân dân như trước kia đã được Đại tướng rèn luyện. Hơn thế, trong bối cảnh mới, phương châm, phương pháp đó còn được bổ sung bằng cái nhìn toàn cảnh, toàn cục trên nền tảng sức mạnh nội lực của dân tộc được phát huy trong thế giới đa phương.


Một lần nữa chúng ta lại ngưỡng mộ hành vi cuối cùng của Đại tướng: Sau chặng đường dài không mỏi, ông đã chọn chỗ nằm xuống thanh thản cho mình - như một biểu tượng - lưng dựa chắc vào đất quê hương, mắt dõi nhìn Biển Đông rộng lớn.


Người đang đi vào huyền thoại

Tầm vóc của Tướng Giáp vượt qua khỏi đất nước, bởi chính Đại tướng là người làm thay đổi, (rồi) định hình một trật tự thế giới mới. Điện Biên Phủ và Chiến thắng 30/4/1975 đã nói lên điều đó. Hai chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta đã chôn vùi chủ nghĩa thực dân, cũ và mới. Đó là lý do Ducan Towon, một nhà nghiên cứu lịch sử người Anh, đã xếp Võ Nguyên Giáp trong số 21 danh tướng thế giới qua 25 thế kỷ. Bách khoa Toàn thư Anh (1985, tập 10) đã ghi tên ông cùng với Trần Hưng Đạo trong số ít những danh tướng của mọi thời đại.


Ngày 4/10/2013, “Con chim phượng hoàng Võ Nguyên Giáp” đã bay xa.


Trong những ngày quốc tang Đại tướng, từ đất nước Chile bên kia bán cầu, GS Aldo Vidal Herera (Khoa Xã hội học, Trường Đại học Frontera, Temuco) đã viết những dòng xúc động gửi tới tang quyến và toàn thể nhân dân Việt Nam: “Hãy cho phép tôi dành những lời lẽ khiêm nhường này trước nỗi đau vô hạn, trước nhịp đập của trái tim này hướng về nhân dân Việt Nam anh hùng. Trái tim tôi đập với nỗi đau vô hạn bởi một con người vĩ đại giữa thế gian này đã ra đi và với sự cảm ơn sâu lắng nhất của tôi bởi sự đóng góp to lớn của Người trong cuộc đấu tranh chống áp bức, chống đế quốc và sự bất công, cũng như đã giúp chúng tôi tiếp cận với hoài bão của một con người xã hội chủ nghĩa hiện thực.


Vẫn biết mất mát to lớn này là không thể tránh khỏi, nhưng xin đừng quá đau buồn bởi việc chúng ta đã mất đi một thiên tài chính trị, một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất của loài người đã đấu tranh vì công lý và phẩm giá của các dân tộc”. Và ông viết tiếp:


“... Hỡi những người anh em, người đồng chí


Đau thương


Và niềm vui


Tựa như chiếc đồng hồ


Đo thời đại chúng ta


Vui vì chúng ta đã sống


Và vì những điều chúng ta đã biết


Buồn đau vô hạn


Thương tiếc khôn cùng...”

(trích Tổng hợp điện chia buồn ngày 12/10/2013)

Từ Paris, cũng trong những ngày ở Việt Nam đang diễn ra Quốc tang Đại tướng, toàn dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đang đau buồn tiễn ông, GS Cao Huy Thuần viết về “Huyền thoại” (tên bài viết) Võ Nguyên Giáp (xin trích):“... Không ai là anh hùng nếu không được người khác truy nhận. Không ai là anh hùng dân tộc nếu không được chính dân tộc truy nhận. Và sự truy nhận ấy trở thành thiêng liêng khi được chuyên chở trên sức mạnh của huyền thoại. Không có huyền thoại thì không có anh hùng. Không có huyền thoại cộng đồng thì không có anh hùng dân tộc. Huyền thoại ấy không phải do một thế lực nào nặn ra. Tự nhiên nó đến qua sự giao cảm thần kỳ giữa một dân tộc với vị anh hùng của họ.


Đại tướng đang đi vào huyền thoại ấy. Đã là huyền thoại thì không nên cắt nghĩa bằng luận lý. Không nên hỏi: đâu phải chỉ một mình Đại tướng hiến cả cuộc đời cho độc lập dân tộc? Nhưng huyền thoại là vậy: huyền thoại của Việt Nam muốn rằng vị anh hùng của dân tộc là tướng. Chẳng phải Đại tướng là cha đẻ của một quân đội chỉ có dăm ba khẩu súng trường lúc khai sinh đó sao? Chẳng phải chỉ gọi "Đại tướng" là ai cũng biết đích danh một người?”.


Vâng, xin kính cẩn thưa: Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

TS sử học Ngô Vương Anh

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast