Qua cầu Niếc Lương

(Baohatinh.vn) - Sau sự kiện tháng 9/1977, Khơ Me đỏ (Pôn-pốt) cho quân sang giết người, đốt nhà, cướp của nhân dân các tỉnh biên giới nước ta, đặc biệt là khu vực rừng Long Khánh thuộc tỉnh Tây Ninh. Các đơn vị của Quân đoàn 4 được lệnh hành quân lên biên giới để bảo vệ nhân dân...

Kỷ niệm 35 năm chiến thắng biên giới Tây Nam (7/1/1979 - 7/1/2014)

Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) lúc bấy giờ đang làm nhiệm vụ quân quản TP Hồ Chí Minh được lệnh cấp tốc lên đóng quân ở các huyện: Gò Dầu, Bến Cầu thuộc tỉnh Tây Ninh. Sau khi Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập và ra lời kêu gọi Việt Nam giúp đỡ, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng thì đến ngày 6/12/1978, toàn mặt trận nổ súng tấn công. Hướng Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 đánh từ Mộc Bài, Bến Cầu vượt biên giới tiến theo đường 1, đánh chiếm thị trấn Chi Pu. Do bọn địch gài mìn dày đặc sát biên giới nên bộ đội ta thương vong phần lớn.

Lực lượng Quân đội tình nguyện Việt Nam phản kích quân Pôn -Pốt. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng Quân đội tình nguyện Việt Nam phản kích quân Pôn -Pốt. (Ảnh: TTXVN)

Rút kinh nghiệm, sau khi đã đánh sâu vào trong đất Campuchia, để giảm bớt thương vong, Sư đoàn điều toàn bộ công binh đi dò mìn trước, sau đó mới cho bộ binh tiến lên nên thương vong giảm hẳn. Có một tình huống mà tôi không thể nào quên. Lúc bấy giờ, tôi là Tiểu đoàn trưởng được chỉ huy sư đoàn giao nhiệm vụ là tiểu đoàn thọc sâu. Đêm 6/12/1978, Tiểu đoàn lặng lẽ hành quân trong tư thế vừa đi vừa sẵn sàng chiến đấu thì bất ngờ gặp phải một trung đội địch cũng hành quân ngược chiều ra biên giới. Đã thống nhất các tình huống trước nên bằng ám hiệu, tôi hạ lệnh cho anh em cố nằm sát xuống quay đầu và mũi súng về chúng. Bọn chúng không phát hiện ra nên chúng tôi hành quân đến thị trấn Chi Pu an toàn và kịp giờ G. Cả sư đoàn đồng loạt nổ súng. Chỉ sau hơn 4 tiếng đồng hồ, quân ta hoàn toàn làm chủ tỉnh Svay Riêng.

Tối hôm đó, khi mặt trận tạm thời yên ả, đồng chí Vũ Cao - Sư đoàn trưởng gọi điện biểu dương toàn tiểu đoàn, đặc biệt là xử lý linh hoạt, tạo điều kiện cho sư đoàn và quân đoàn hoàn thành nhiệm vụ (ông Vũ Cao sau này là Trung tướng, Cục trưởng Cục Tác chiến, mới mất năm vừa rồi). Sau đó, sư đoàn tôi tiếp tục đánh sâu vào trong hậu phương của địch.

Một tháng sau, vào sáng 7/1/1979, Sư đoàn 341 của Quân đoàn 4 có mặt đầy đủ tại cầu Niếc Lương, cách Pnom Pênh gần 60 km. Chiếc cầu này bắc qua sông, án ngữ đường tiến vào thủ đô. Do tầm quan trọng như vậy nên trước lúc tháo chạy, bọn chúng đã cho phá sập cầu. Để giải quyết tình huống này, Sư đoàn trưởng Vũ Cao cho mời tất cả chỉ huy từ tiểu đoàn trở lên và cán bộ tham mưu hội ý ngắn.

Phà Niếc Lương ngày nay. Ảnh: chinhphuot
Phà Niếc Lương ngày nay. Ảnh: chinhphuot

Có ý kiến cho rằng, mỗi lần phà chỉ chở được 1 chiếc tăng nên phải chờ đầy đủ tiểu đoàn mới hành tiến vì sợ bọn địch tấn công. Nếu chờ như vậy thì mất thời cơ. Tình huống rất khẩn trương, theo mệnh lệnh của đồng chí Hoàng Cầm - Tư lệnh Quân đoàn là bằng bất cứ giá nào, Sư đoàn 341 cũng phải đến Pnom Pênh trước các quân đoàn bạn. Nhìn nét mặt lo âu và phân vân của Sư đoàn trưởng, tôi hội ý chớp nhoáng với chính trị viên tiểu đoàn Ngô Xuân Lịch (nay là Thượng tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị): được chiếc tăng nào sang cứ thế cõng bộ binh mà tiến, không đợi cả đội hình tiểu đoàn và chúng tôi xung phong đi đầu.

Khi nghe tôi đề đạt ý kiến, Sư đoàn trưởng Vũ Cao nét mặt rạng rỡ gật đầu ngay và động viên tôi: “Cậu cố gắng là một tiểu đoàn trưởng thọc sâu nhé!”. Đồng chí Hồ Đình Quý là phái viên của Quân đoàn cũng là đồng hương với tôi lại nhắc thêm kỷ niệm mùa xuân 1975, ông là Tham mưu trưởng Sư đoàn giao nhiệm vụ cho đại đội trinh sát của tôi trước khi trinh sát thị xã Xuân Lộc và tôi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Khi phà cập bến, tôi ngồi lên chiếc tăng T54 cùng với bộ binh hành tiến. Đi được hơn 1 km thì chúng tôi gặp phải bọn địch chống cự, tức khắc, pháo trên tăng khạc lửa và chỉ sau ít phút, ổ đề kháng của chúng im bặt. Chúng tôi vừa đi vừa dừng lại, cứ nhằm chỗ nào nghi là bắn để vừa thị uy vừa động viên bộ đội ta. Cùng lúc đó thì chiếc tăng thứ hai cũng theo sau không xa làm chúng tôi thêm yên lòng.

Trên trời, chiếc trực thăng của đồng chí Lê Đức Anh bay vè vè lại càng động viên chúng tôi. Giọng đồng chí Vũ Cao nói trong máy bộ đàm: đồng chí Lê Đức Anh gửi lời khen ngợi các đồng chí đó. Thế rồi, 15h30’ ngày 7/1/1979, chiếc tăng đi đầu của tôi có mặt tại Pnom Pênh. Vừa đặt chân đến nơi, tôi thấy ớn lạnh vì thành phố vắng tanh. Im lặng đến sợ. Cái đáng sợ nữa là pháo của các quân đoàn bạn từ các hướng cứ nhả đạn vào thành phố bởi chưa biết chúng tôi đã có mặt. Ngay lập tức, tôi điện về sư đoàn yêu cầu pháo binh ngừng bắn vì thành phố đã được giải phóng. Điều mà tôi ân hận là sau đó chiếc xe con của chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn vì không biết đường đã chạy quá vào phía trong và bị địch bắn cháy, mấy cán bộ, chiến sỹ của ta hy sinh, trong đó có chủ nhiệm hậu cần.

Đến 16h30’, đội hình của Sư đoàn tôi cơ bản đều có mặt tại Pnom Pênh, chúng tôi mừng quá ôm nhau đến rơi nước mắt. Giải phóng thủ đô Pnom Pênh đâu phải là xong, chúng tôi lại tiếp tục đón thêm cái tết trên đất bạn sau 3 tết hòa bình.

Mới ngày nào đó mà đã 35 năm. Những tháng năm đội bom đạn đánh giặc có bao giờ chúng tôi quên. 2 triệu người con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Chính máu của họ đã đổi lấy sự yên bình cho biên giới Tây Nam hôm nay. Với tôi, một người lính từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và làm nhiệm vụ quốc tế lại càng không thể nào quên.

Hàng năm, cứ đến những ngày kỷ niệm như thế này, anh Ngô Xuân Lịch lại gọi điện cho tôi nhắc lại những kỷ niệm xưa và không quên nhờ tôi chuyển lời của anh đến các đồng đội của chúng tôi và đặc biệt đến gia đình các liệt sỹ.

Thế đấy, con người cao quý nhất là tình nghĩa, bởi đó là chắt lọc của truyền thống văn hiến hàng đời nay của dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast