Vẫn gần bên nhau...

Một ngày hè đỏ nắng, giữa ồn ào phố thị Hà Tĩnh, có một cuộc hội ngộ đầm ấm, chan chứa yêu thương. Những ánh mắt năm xưa rực lửa căm thù địch giờ lặng nhìn nhau ấm áp, những đôi tay vững chãi chèo chống trên biển thẳm ngày nào giờ đây run run tìm lấy nhau trong nỗi xúc động rưng rưng...

3 CCB từng tham gia bảo vệ chủ quyền cụm đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao trong niềm vui hội ngộ.
3 CCB từng tham gia bảo vệ chủ quyền cụm đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao trong niềm vui hội ngộ.

Nhân kỷ niệm 25 năm hải chiến Gạc Ma, Báo Hà Tĩnh có đăng tải bài viết về CCB Lê Hữu Thảo – người từng trực tiếp cùng đồng đội cắm cờ trên đảo Gạc Ma. May mắn là bài báo đã đến tay rất nhiều CCB từng tham gia sự kiện tháng 3/1988 tại Trường Sa. Và CCB Dương Hải Nam đã liên lạc với tác giả mong tìm gặp đồng đội cũ. Cũng sau bài báo thì một bạn trẻ ở TP Vinh vì lòng ngưỡng mộ, biết ơn mà ngỏ ý giúp CCB Lê Hữu Thảo tìm về quê nhà của các đồng đội…

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm và xâu nối, những CCB từng có mặt trên một trận tuyến ở Trường Sa tháng 3/1988 đã có buổi hội ngộ chan chứa nghĩa tình. Đã từng chứng kiến nhiều cuộc hội ngộ ấm tình đồng đội nhưng có lẽ đây là cuộc hội ngộ đặc biệt nhất mà tôi được biết. Đặc biệt bởi cả 3 CCB: Lê Hữu Thảo, Phạm Văn Trường (cùng thuộc tàu 604 bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma) và CCB Dương Hải Nam (thuộc tàu 505 bảo vệ chủ quyền đảo Cô Lin) đều không còn nhớ mặt nhau.

CCB Phạm Văn Trường cho biết: “Hồi ấy, nhận nhiệm vụ ra đảo, mấy ngày đêm lênh đênh trên biển, chúng tôi chỉ mới kịp hỏi tên tuổi, quê quán của nhau chứ nào đã kịp quen thân. Hoài bão được bảo vệ chủ quyền biển đảo lâu dài chưa kịp nhen nhóm thì xẩy ra cuộc hải chiến Gạc Ma đáng tiếc. Khi chúng tôi sống sót bơi xuồng đi tìm tàu 505 thì gặp xuồng của CCB Dương Hải Nam nhưng lúc ấy đâu có biết tên và nhớ mặt. Mọi lo lắng cho đồng đội đã hy sinh và bị thương cứ cuốn chúng tôi đi”.

Sau sự kiện tháng 3/1988, ông Dương Hải Nam tiếp tục binh nghiệp, còn anh Thảo và anh Trường đều phục viên, anh Thảo đi lao động ở Đức còn anh Trường trở về quê làm ruộng. Hiện nay, anh Trường còn bôn ba làm thợ xây tận Lào Cai để kiếm sống. Cứ tưởng rồi cuộc sống với bộn bề gian khó sẽ đẩy họ xa nhau, cứ tưởng những ân tình đồng đội sẽ chìm khuất trong lòng nhưng định mệnh đã kéo họ lại gần nhau sau đúng 25 năm xa cách.

1/4 thế kỷ - khoảng thời gian đủ dài để xóa nhòa hẳn nhiều điều nhưng cũng đủ để khắc sâu hơn trong tim những ân tình không thể nào quên... Cuộc gặp gỡ không hoa, không nhạc, chỉ có nụ cười ấm tình đồng đội và cả những giọt nước mắt chất chứa mặn mòi của cuộc sống đã rơi trên vai nhau. Những cảm xúc dồn nén dưới tầng tầng lớp lớp những lo toan, vất vả giờ đây bung vỡ, ào ạt vỗ vào lòng nhau. Cũng có những phút giây, tất cả bỗng lặng đi trong sự nhắc nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Và trong sự im lặng trang nghiêm ấy, tôi như thấy bóng quốc kỳ cuồn cuộn trong sóng nước đại dương, như nghe rõ tiếng bước chân hành quân của những người lính chiến…

Biết tin về cuộc gặp gỡ này, CCB Nguyễn Xuân Cừ – người từng lái tàu cho thuyền trưởng Phan Vinh làm nhiệm vụ chở vũ khí vào Nam của đoàn tàu không số đã bỏ một cuộc hội ngộ thường niên ở Vinh để ở lại. Mặc dù không cùng có mặt trên một trận tuyến nhưng ông là thế hệ trước của những người lính trong Lữ đoàn 125 nên cũng tự coi mình là đồng đội của các CCB Trường Sa. Sự kiện tháng 3/1988 để lại trong lòng nhiều day dứt...

Hôm nay, được gặp gỡ những người trực tiếp có mặt tại Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao năm ấy với ông là một điều hết sức may mắn. Cùng chứng kiến cuộc hội ngộ xúc động này còn có dại diện BCH Chi đoàn Báo Hà Tĩnh, đội tình nguyện “Tôi yêu Trường Sa” của các bạn trẻ ở TP Vinh (Nghệ An). Những món quà nhỏ mà thế hệ trẻ trao tặng các CCB không đủ để làm vơi bớt nỗi nhọc nhằn mưu sinh nhưng từ trong hành động nhỏ ấy, tình yêu biển đảo lại được bồi đắp thêm trong tim chúng tôi!

25 năm xa cách, dẫu mỗi người một phương nhưng những chiến sỹ đã từng có mặt trong trận hải chiến tháng 3/1988 vẫn luôn gần bên nhau bởi có một vùng ký ức về Trường Sa thân yêu đã mãi mãi nằm lại trong tim. Chia tay nhau trong bùi ngùi, luyến nhớ, họ lại hẹn hò, ngóng đợi nhau trong một cuộc hội ngộ với nhiều gương mặt đồng đội hơn hôm nay…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast