Vì sao Nhật Bản tăng cường tuyển dụng nữ giới cho lực lượng phòng vệ?

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc thiếu hụt nguồn nhân lực.

Lần đầu tiên đặt chân lên tàu hải quân Nhật Bản, nữ tân binh Akiko Hirayama đã bị choáng ngợp bởi những khí tài hiện đại trên con tàu này. “Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy tất cả các ngư lôi và tên lửa trên con tàu này, cùng cách bố trí giống hệt mê cung của nó. Tổi chưa từng nhìn thấy những thứ này trước đó”, cô nói.

Vì sao Nhật Bản tăng cường tuyển dụng nữ giới cho lực lượng phòng vệ?

Nữ tân binh Akiko Hirayama, 23 tuổi. Ảnh: CNN

Hirayama, 23 tuổi, cựu nhân viên bảo vệ an ninh sân bay đã từng bị cuốn hút bởi một lễ hội cộng đồng của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Sáu tháng sau đó, một trận lũ lụt nghiêm trọng nhấn chìm thị trấn của cô ở tỉnh phía tây Okayama. Cảm động khi chứng kiến cảnh lực lượng phòng vệ giúp đỡ gia đình và bạn bè trong suốt thời gian diễn ra hoạt động cứu hộ, Hirayama đã quyết định tham gia lực lượng này.

Với hơn 300.000 binh sỹ, JSDF được xếp vào lực lượng quân đội mạnh thứ 8 trên thế giới, theo đánh giá của trang Gloalfirepower.com. Ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ 2 nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia, vai trò của JSDF đã gia tăng trong những năm gần đây trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Triều Tiên.

Dù được bổ sung thêm nhiều đơn vị mới cùng tàu chiến và máy bay để đối phó với các mối đe dọa, nhưng JSDF cũng đang phải đối mặt với thách thức từ bên trong là thiếu hụt nguồn nhân lực. Robert Eldridge, chuyên gia nghiên cứu quân sự Mỹ-Nhật cho biết: “Trên bình diện quốc tế, nhiều người cho rằng Triều Tiên hay Trung Quốc là những mối đe dọa lớn đối với Nhật Bản, nhưng việc thiếu nhân lực còn đặt ra thách thức lớn hơn”.

Dân số Nhật Bản dự kiến sẽ giảm từ 124 triệu người xuống còn 88 triệu người vào năm 2065. Đối mặt với thực tế rằng sẽ ngày càng có ít người nộp đơn ứng tuyển, JSDF đã chấp nhận mở rộng độ tuổi của các ứng viên. Trước đây, những người ứng tuyển phải dưới 27 tuổi, nhưng hiện giờ lực lượng này sẵn sàng tiếp nhận đơn của những người trên 18 và dưới 32 tuổi. Bên cạnh đó, JSDF cũng tăng cường tuyển dụng nữ giới để lấp đầy các vị trí.

Vì sao Nhật Bản tăng cường tuyển dụng nữ giới cho lực lượng phòng vệ?

Một buổi tập luyện của các nữ tân binh Nhật Bản. Ảnh: CNN

Phá vỡ định kiến

Akiko Hirayama là một trong số 39 tân binh tại khu trại dành cho nữ giới ở căn cứ hải quân Yokosuka, ngoại ô thủ đô Tokyo. Trong trang phục màu xanh navy, các nữ tân binh thức dậy từ lúc bình minh, bắt đầu ngày mới với những bài học từ võ thuật đến an ninh mạng.

Sau nghi thức chào cờ và chào các chỉ huy theo kiểu nhà binh, họ điều khiển những chiếc thuyền nặng tới 1,5 tấn từ bến cảng ở căn cứ Yokosuka và đi ra biển. “Phần luyện tập này sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như họ xao lãng, vì vậy họ phải tập trung chú ý cao độ”, chỉ huy Hiroki Hasegawa, người phát ngôn của lực lượng hải quân cho biết.

Hiện tại, nữ giới chỉ chiếm hơn 6% số lượng quân nhân tình nguyện, thấp hơn nhiều so với Australia (16,5%), Anh (12%), và Mỹ (16%). Nhật Bản hiện đang có kế hoạch gia tăng số lượng nữ giới trong lực lượng này lên đến 9% vào năm 2030. Cựu y tá Moeka Yoshihara, 26 tuổi cho biết: “Tôi rất muốn đến Nam Cực trên con tàu phá băng. Tôi nghĩ làm việc ở đây sẽ giúp tôi thực hiện ước mơ của mình”. Yoshihara chia sẻ, ở Nhật Bản người ta thường nghĩ rằng công việc trong quân đội rất nguy hiểm và nặng nhọc, nhưng cô luôn đánh giá cao cam kết của lực lượng này là cho phép nữ giới cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Với quyết định nhập ngũ, Yoshihara luôn cảm thấy có nghĩa vụ đối với đất nước. “Bố mẹ và bạn bè tôi rất lo lắng khi tôi vào quân đội. Nhưng nếu chúng ta không làm vậy, ai sẽ bảo vệ đất nước?”.

Gia tăng vai trò của nữ giới

Trước đây, phụ nữ Nhật Bản thường bị bó buộc bởi công việc tề gia nội trợ hay những công việc hành chính. Nhưng vào năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết trao quyền cho nữ giới thông qua một chính sách có tên gọi “womenomics”. Chính sách này đã lan rộng sang lĩnh vực quân sự với việc Bộ Quốc phòng ban hành một loạt sáng kiến vào tháng 4/2015, trong đó có việc phân bổ tài chính cho các chương trình nâng cao nhận thức về giới tính để thiết lập các trung tâm chăm sóc con em của các binh sỹ trong lực lượng JSDF. Khi JSDF được thành lập vào năm 1954, nữ giới chỉ được tuyển dụng làm y tá. Hải quân Nhật Bản chấp nhận sử dụng các nữ tân binh đầu tiên vào năm 1977. Và đến đầu những năm 1990, hầu hết các vị trí, ngoại trừ binh lính chiến đấu trên chiến trường, đã được mở ra cho phụ nữ.

Hiện nay, trong Lực lượng phòng vệ mặt đất vẫn còn nhiều hạn chế đối với nữ giới, đặc biệt với những vị trí có nguy cơ phơi nhiễm chất độc hại và nguy hiểm. Vào năm 2018, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố chấm dứt chính sách chỉ tuyển dụng nam giới cho hạm đội tàu ngầm. Tuy vậy, nữ giới vẫn chỉ được cho phép lên tàu khi các cơ sở riêng dành cho họ, chẳng hạn như phòng thay đồ, được lắp đặt. Đến tháng 1/2019, Nhật Bản vẫn chưa công bố thời gian cụ thể để nâng cấp những chiếc tàu ngầm này.

Dẫu vậy, với việc để mở những vị trí mà trước đây từng hạn chế sự tham gia của phái nữ tại nhiều đơn vị quân đội của Nhật Bản, nữ giới ngày càng đảm nhận nhiều vai trò quan trọng hơn trên tiền tuyến. Đại úy Ryoko Azuma đã trở thành nữ chỉ huy hạm đội hải quân đầu tiên vào tháng 3/2018, với bốn tàu chiến và khoảng 800 nhân viên. Cùng thời điểm đó, Trung úy Misa Matsushima - người hâm mộ bộ phim "Top Gun", đã trở thành nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Nhật Bản.

Đại úy Misako Yamada, quản lý khu trại huấn luyện dành cho nữ tại Yokosuka cho biết, các nữ quân nhân giữ vị trí cấp cao giờ không còn là điều hiếm thấy nữa: “Khi tôi mới tham gia lực lượng JSDF vào năm 2012, chúng tôi đã nghe nói rất nhiều về những người phụ nữ đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực khác nhau của lực lượng phòng vệ và ngày nay chúng tôi không còn lạ lẫm trước việc ngày càng có nhiều phụ nữ nắm vai trò chỉ huy quan trọng trong quân đội”. Ông Eldridge, chuyên gia quân sự nghiên cứu quan hệ Mỹ-Nhật cho biết, mặc dù bình đẳng giới đang dần được cải thiện trong quân đội nhưng số lượng các chỉ huy nữ vẫn rất ít và con số này chưa thể đại diện cho hơn 6% lực lượng nữ trong SDF”.

Thay đổi vai trò của JSDF

Ngày càng có nhiều nữ giới tham gia lực lượng JSDF vào thời điểm then chốt trong lịch sử quân sự của Nhật Bản, khi mà căng thẳng khu vực leo thang và vai trò của JSDF đang được xác định lại. An ninh Nhật Bản đang đứng trước các thách thức trong bối cảnh không quân Trung Quốc thường xuyên thực hiện các chuyến bay gần các đảo phía nam của nước này. Giới phân tích cho rằng, JSDF hiện giờ có thẩm quyền cao hơn trước và có khả năng phòng thủ mạnh mẽ. Lực lượng này đang dần khẳng định vị trí của mình vươn xa khỏi lãnh thổ Nhật Bản, chẳng hạn như điều tàu chiến tới khu vực Ấn Độ Dương để tập trận với các đồng minh và điều động lực lượng bộ binh cũng như phương tiện lội nước tham gia tập trận tại Philippines.

Trong các hoạt động quốc tế, do sự giới hạn của Hiến pháp hòa bình, SDF chỉ tiến hành hỗ trợ người dân ở các quốc gia khác chứ không tham chiến trực tiếp. Quân đội Nhật Bản cũng không thúc đẩy các lập trường cứng rắn mà có thể dẫn tới xung đột. Nhìn chung, Nhật Bản tham gia nhiều vào các hoạt động gìn giữ hòa bình và cứu trợ thiên tai hơn là chiến tranh.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Abe đang đặt mục tiêu sửa đổi hiến pháp hòa bình gây tranh cãi, giúp xác định rõ vai trò của JSDF và loại bỏ sự thiếu chắc chắc liên quan đến khả năng phòng thủ của lực lượng này. Sabine Fruhstuck, tác giả cuốn: “Chiến tranh: Trẻ em và những nghịch lý trong quân đội hiện đại tại Nhật Bản” nhận định: “Điều quan trọng là phải để mắt đến những diễn biến quốc tế. chứ không chỉ dừng lại ở việc so sánh lực lượng phòng vệ Nhật Bản với lực lượng vũ trang của Mỹ vốn đã tham gia các cuộc chiến tranh trong nhiều thập kỷ qua”./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast