Hạch cổ có phải là ung thư?

Nhiều bệnh nhân trong tâm trạng lo lắng tìm đến bác sĩ vì sợ bị ung thư do tình cờ tự phát hiện thấy mình có hạch cổ.

Trong cơ thể chúng ta có khoảng 600 hạch lim phô phân bố khắp nơi. Hạch được xem như là các trạm canh gác của hệ thống miễn dịch, vì hạch sinh ra các tế bào lim phô có chức năng phát hiện và chiến đấu tiêu diệt các mầm bệnh khi các mầm bệnh xâm nhập cơ thể.

Khi có nhiễm trùng hoặc ung thư, hạch sẽ phải sản xuất một lượng lớn tế bào lim phô hơn bình thường để thực hiện chức năng của mình, do vậy hạch sẽ to ra.

Trong trường hợp bình thường chỉ có nhóm hạch dưới hàm, hạch nách và hạch bẹn là đôi khi có thể sờ được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tại sao nhiều người hốt hoảng khi tình cờ phát hiện mình có hạch cổ, mặc dù đó là hạch bình thường.

Hạch cổ được xem là bình thường khi đường kính của hạch nhỏ hơn 1cm. Khi sờ nắn hạch di động tốt không dính chặt với mô xung quanh, có bờ giới hạn rõ, không đau và mật độ mềm vừa phải không quá cứng.

Nguyên nhân của hạch cổ to thường là do những bệnh lý của da, mô mềm vùng đầu cổ, khoang miệng, lưỡi, họng, thanh quản và tai. Các nhóm bệnh lý thường gặp bao gồm nhiễm trùng, lao và ung thư. Ngoài ra hạch cổ có thể to do các nguyên nhân ít gặp hơn như dị ứng, nhiễm siêu vi, sử dụng một số thuốc hoặc một số rối loạn miễn dịch.

Trong trường hợp hạch to do nhiễm trùng, thông thường rất dễ nhận ra nơi nhiễm trùng qua cách khám tai mũi họng hoặc tự bệnh nhân cũng có thể cảm nhận được như nhọt ngoài da, vết loét trong khoang miệng và lưỡi, viêm họng, viêm hoặc áp xe nướu răng. Hạch sẽ mất đi khi bệnh nhân được điều trị với kháng sinh kháng viêm trong 5 đến 10 ngày tùy theo tình trạng nặng nhẹ của mỗi bệnh nhân.

Nếu hạch to do lao, hạch thường có tính chất không đau, dính chùm nhiều hạch. Hạch thường có thời gian xuất hiện lâu. Nếu trong giai đoạn chưa có viêm quanh hạch hoặc dò mủ ra da thì phương pháp chẩn đoán chính xác nhất là sinh thiết hạch.

Trong trường hợp hạch to do ung thư thì tính chất của hạch rất đặc biệt như hạch có kích thước lớn hơn 1cm, dính chắc với mô xung quanh, bờ giới hạn không rõ ràng, đau khi sờ nắn, mật độ cứng chắc.

Ngoài ra bệnh nhân có thể có các triệu chứng hoặc dấu hiệu nghi ngờ của bệnh ung thư như sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt, mệt mỏi, khàn tiếng, khạc ra máu, khó nuốt, thay đổi màu sắc, kích thước của nốt ruồi trên da vùng đầu cổ hoặc có vết loét không lành trong niêm mạc miệng, họng và lưỡi.

Trong trường hợp này, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được siêu âm hoặc chụp CT để đánh giá các đặc điểm của hạch, cấu trúc vùng mũi họng và đồng thời nội soi toàn diện tai mũi họng để tìm nguyên nhân nếu có.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast