Nắng nóng, cần đề phòng một số bệnh ở mắt

Mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng cho các hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời như bơi lội hay dã ngoại… Tuy nhiên, thời tiết nóng bức, khói bụi và ô nhiễm khiến bạn dễ gặp các vấn đề về mắt như tổn thương mắt, chắp lẹo, viêm kết mạc…

Chắp lẹo

Là những bệnh thường gặp ở bờ mi mắt. Hai bệnh này khác nhau nhưng hay bị nhầm lẫn. Bệnh gây đau nhức bờ mi, kết hợp với tình trạng phù nề làm cho bệnh nhân khó chịu khi nhìn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt. Việc phân biệt chắp và lẹo giúp cho việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Lẹo là tình trạng viêm cấp tính tuyến chân lông ở da mi. Khi mắc, người bệnh cảm thấy vướng, khó chịu, nóng ở bờ mi, khi sờ cảm thấy đau. Sau vài ngày thì sưng tấy lên và tạo mủ vàng. Còn chắp là tình trạng viêm tuyến sụn mi (tuyến Meibomius) mạn tính. Các chất tiết trong túi tuyến ứ lại và làm phình túi tuyến lên. Chắp ửng đỏ là chắp viêm, thường gặp ở bên trong mi mắt. Chắp lạnh không có dấu hiệu viêm, hơi gồ lên như hạt đậu ở bên ngoài. Chắp hay tái phát, thường phải phẫu thuật lấy hết vỏ bọc của chắp thì mới hết tái phát.

Nắng nóng, cần đề phòng một số bệnh ở mắt

Khi ra đường, cần đeo kính mắt để phòng bệnh.

Khi mắc bệnh, cần nhỏ thuốc nước và tra thuốc mỡ có chứa kháng sinh bên mắt bị viêm, trong một vài trường hợp, đôi khi cần kết hợp sử dụng kháng sinh toàn thân theo chỉ định của bác sĩ. Có thể sử dụng khăn nóng ẩm đắp lên mắt mỗi ngày vài lần (khăn mặt nhúng nước ấm vắt khô). Mỗi lần từ 3 - 5 phút. Chườm nóng tại chỗ có tác dụng giảm viêm.

Luôn rửa tay trước khi tra thuốc mỡ cho mắt hay tra thuốc nhỏ mắt. Chú ý: Không nên chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo hướng dẫn vì những phương pháp này dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp, những tổn thương này đều tồn tại dai dẳng, khó chữa trị.

Để phòng chắp lẹo, cần bảo vệ mắt khỏi khói bụi và ô nhiễm không khí bằng cách đeo kính an toàn mỗi khi đi đường, đặc biệt khi làm việc nhà như dọn dẹp nhà cửa hay cắt cỏ. Tránh đến những nơi bụi bẩn hoặc nơi bị ô nhiễm không khí nặng nề.

Đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc thường là do Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây sau khi đã khỏi bệnh 1 tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt. Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày. Không dùng tay dụi mắt.

Chấn thương mắt

Một số chấn thương mắt thường gặp chẳng hạn như những vết thương xuyên thủng do tai nạn khi lao động hoặc chơi thể thao cần phải điều trị ngay lập tức hoặc phẫu thuật để ngăn chặn các tổn thương về mắt dẫn đến mất thị lực. Tuy nhiên, đối với các trầy xước nhỏ trên bề mặt, sau khi khám bác sĩ, chỉ cần theo dõi đúng cách để đảm bảo rằng các biến chứng như nhiễm trùng mắt không xảy ra.

Trầy xước giác mạc có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do vô tình chọc tay vào mắt hoặc do dụi mắt liên tục khi gặp vật thể lạ (cát, bụi…). Trầy xước giác mạc khiến cho mắt rất nhạy cảm với ánh sáng và gây ra cảm giác khó chịu.

Nắng nóng, cần đề phòng một số bệnh ở mắt

Nếu nghi ngờ bị trầy xước giác mạc, cần nhanh chóng đến khám bác sĩ hoặc các trung tâm chăm sóc, cấp cứu để tìm ra phương pháp chữa trị kịp thời. Trầy xước cũng có thể làm cho mắt của bạn dễ bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn hay nấm. Một số loại vi khuẩn và nấm có thể xâm nhập qua vết xước, gây ra các tổn thương nghiêm trọng rất nhanh, trong vòng 24 giờ, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. Điều này có nhiều khả năng xảy ra nếu như tác nhân gây trầy xước mắt là những vật thể cáu bẩn. Đối với những vết xước bắt nguồn từ móng tay trẻ em, cành cây… nhiều khi lại chính là nguyên nhân gây nên nhiễm trùng mắt.

Nếu bị xước giác mạc, đừng nên dụi mắt và cũng không nên bịt mắt bị thương. Cần nhắm mắt nhẹ hoặc băng hờ một lớp gạc mỏng. Đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra mắt bị thương.

Còn đối với chấn thương đụng dập gây ra các tổn thương cho mắt và các bộ phận quanh mắt như: tụ máu, bầm mi mắt, hốc mắt; Chảy máu trong mắt: xuất huyết kết mạc, xuất huyết tiền phòng, pha lê thể, võng mạc…; tổn thương các tổ chức của mắt như: thể thủy tinh, võng mạc, thần kinh thị…; cần xử trí đúng bằng cách sử dụng băng che mắt lại rồi đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được khám và điều trị.

Nếu là chấn thương xuyên thủng có gây rách và chảy máu nên phải cầm máu ngay, có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol. Tra pomade kháng sinh và băng mắt lại, sau đó đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để được khâu và điều trị vết thương.

Mùa hè nóng bức khiến nhiều người đi bơi, nhất là ở vùng nông thôn thường bơi ở sông ngòi, hồ ao… nguồn nước bẩn ô nhiễm dễ dẫn đến mắc các bệnh về mắt. Việc phòng ngừa bệnh đau mắt mùa hè cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Việc đầu tiên và thường xuyên phải làm là vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch. Khi bị bụi hoặc nước bẩn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt, nếu không được, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để lấy bụi, gắp dị vật và tra thuốc sát khuẩn.

Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng, nhất là vào buổi trưa như đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng, đeo kính râm chống tia UV… Không bơi lội ở những nơi nước bẩn không đảm bảo vệ sinh.

Những bệnh nhân bị mắt đỏ khi có triệu chứng như mắt nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng…, nên đến khám bác sĩ nhãn khoa để được khám và chẩn đoán đúng bệnh. Đồng thời, nếu xung quanh có người bị đau mắt đỏ thì cần đề phòng cách tránh tiếp xúc qua đường hô hấp, rửa mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày…

Nếu đã bị viêm loét giác mạc, đau mắt đỏ… thì nên đến khám tại bệnh viện có đủ điều kiện về chẩn đoán, xét nghiệm nhằm tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, tránh tự ý mua thuốc nhỏ mắt về tra.

Theo BS. Xuân Hương/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast