Tôi dạy con không nhường đồ chơi khi bị bạn giật

“Khi hai trẻ giành đồ chơi, nếu bạn bảo con nhường, tưởng là cao thượng, nhưng bạn đang dạy con bất lực, dối trá”, anh Long (TP HCM) chia sẻ.

Bài viết là chia sẻ của ông bố Đinh Ngọc Vỹ Long - kỹ sư xây dựng ở Sài Gòn - rất tâm huyết với nuôi dạy con. Anh Long mong muốn được chia sẻ và góp ý từ các bậc cha mẹ vào việc nuôi dạy con mình.

"Khi bé biết đi, ngồi chơi và tương tác với các bé khác, thì xuất hiện một vấn đề khiến người lớn lúng túng, đó là các bé tranh giành đồ chơi với nhau.

Giả sử bé cưng 18 tháng của bạn đang chơi một món đồ yêu thích, thì có bạn bé hàng xóm (cũng khoảng 18 tháng) giật lấy và… chạy mất. Bạn sẽ xử lý như thế nào?

Tôi xin phép đưa ra các phương án khác nhau để chúng ta cùng bàn luận.

- Phương án 1: Bạn sẽ nói với con: "Thôi, con nhường cho bạn đi, con chơi cái này hay hơn nè".

Hãy thú thật đi, bạn có thật sự thoải mái khi nói ra điều ấy với con không? Riêng tôi thì không. Cách đây vài hôm, nhóc con nhà tôi đang chơi một chiếc ôtô, thì cậu hàng xóm đến gần, giật lấy và… chạy về nhà. Nhóc nhà tôi nói: "Bạn Su lấy đồ chơi của con" với ánh mắt rất tội nghiệp và đầy tiếc nuối. Thú thật với bạn, tôi bị ánh mắt đó ám ảnh đến mấy hôm liền. Ánh mắt của sự mất mát, bất lực và cầu cứu. Tôi không cam lòng để nói với con rằng: "Hãy nhường món đồ chơi ấy cho bạn".

Có thể bạn sẽ phản biện rằng, dân tộc ta có truyền thống nhường nhịn, chia sẻ. Người phương Tây cũng thường bảo nhau: "It’s better to give than to receive", ngụ ý "Cho đi thì tốt hơn là nhận lại". Tổ chức kết nối kinh doanh lớn nhất thế giới cũng lấy khẩu hiệu: "Givers gain" làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Thậm chí, người lớn còn sẽ cảm thấy mình thật là "cao thượng" khi dạy con biết nhường nhịn, chia sẻ.

toi day con khong nhuong do choi khi bi ban giat

Nhưng, một lần nữa, bạn hãy lắng nghe con tim mình. Bạn có thật sự cảm thấy vui vẻ khi nhìn thấy ánh mắt đầy tiếc nuối của con và bảo bé nhường món đồ chơi yêu thích cho người khác?

Nếu câu trả lời là "không" thì ắt hẳn bạn rất muốn đọc những dòng tiếp theo vì tôi sẽ giải thích cho bạn ngọn nguồn nguyên nhân.

Câu nói: "It’s better to give than to receive" thật sự bắt nguồn từ một câu nói trong tiếng Hy Lạp cổ, nghĩa gốc của nó là: "Khi bạn ở trong tình trạng có thể cho đi, thì sẽ tốt hơn là khi bạn ở trong tình trạng cần phải nhận lại". Hàm ý ở đây là: Hãy phấn đấu trở nên giàu có, hiểu biết và rộng lượng, để có thể trao đi nhiều giá trị mà không cần phải đắn đo suy nghĩ; đừng để mình trở thành người túng thiếu, thiếu hiểu biết, ki bo.

Vậy đó, chỉ một ít thay đổi về ngữ nghĩa mà đã ảnh hưởng đến tư duy của hàng triệu triệu con người, để cho hàng triệu trẻ em phải chịu nỗi ấm ức khi bị bạn khác giật mất món đồ chơi yêu thích.

Bạn hãy thật tỉnh táo, vì "nhường nhịn" hoàn toàn khác với "bất lực". "Nhường nhịn" là khi bé chủ động chia sẻ món đồ chơi yêu thích với bạn khác. "Bất lực" là khi bé bị cướp mất món đồ chơi yêu thích mà không thể làm gì được.

Nếu bảo con nhường đồ chơi là bạn đang cố xoa dịu nỗi đau "bất lực" của bé bằng những lời lẽ "dối trá" nhưng được che đậy dưới cái mác của lòng "cao thượng".

Những đứa sẽ chấp nhận việc bị người khác cướp mất món đồ yêu thích mà không hề biết phản kháng hay đấu tranh, sẽ trở thành những con người nhu nhược. Lớn lên sẽ mất đi cơ hội làm việc, cơ hội kinh doanh, và hàng trăm nghìn những mất mát vô hình khác.

- Phương án 2: Phương án phù hợp là bạn nói với con rằng: "Con đuổi theo bạn Su và nói "Trả lại đồ chơi cho tớ"". Sau khi bé đã nỗ lực làm theo mà vẫn không đòi lại được món đồ chơi, bạn sẽ bảo: "Con hãy tiến đến gần bạn Su và lấy lại món đồ chơi". Trong khi 2 bé giằng co, nhóc con mếu máo nhìn bạn cầu cứu, bạn sẽ bảo con: "Con dũng cảm, dùng 2 tay giật lại món đồ chơi". Phù, cuối cùng nhóc con nhà bạn cũng giật lại được món đồ chơi. Lẽ tất nhiên thì cậu bé kia sẽ khóc toáng lên. Bạn cứ bình tĩnh, vì đã có ba mẹ (hoặc bảo mẫu) của bạn ý đến dỗ dành.

Bằng cách này, bạn dạy cho con các bài học sau:

- Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, đồ vật của con có thể bị người khác cướp mất. Con hãy dũng cảm đấu tranh và giành lại.

- Kiên trì theo đuổi đến cùng và bằng mọi cách giành lại món đồ của mình. Không bỏ cuộc khi chưa đạt được mục đích.

- Chủ động giải quyết các vấn đề của mình. Ba mẹ không trực tiếp giúp con, nhưng luôn động viên con cho đến khi hoàn thành mục tiêu.

Phương pháp này có một điểm yếu, là nhóc con nhà bạn sẽ trở nên ích kỷ khi liên tục đấu tranh bảo vệ những thứ thuộc sở hữu của mình.

Nhưng bạn đừng lo, dưới đây là những bí quyết dạy con biết san sẻ:

Khi bạn thấy con đang say sưa với một món đồ yêu thích, hãy cố gắng mượn món đồ của bé trong giây lát. Tạo ra cái cớ bất kỳ và kiên trì cho đến khi bé tự tay trao món đồ cho bạn.

Soda nhà tôi rất thích chơi vòi sen, thế là khi tắm, tôi nài nỉ: "Soda cho ba mượn vòi sen một chút, ba đang cần tắm mà". Tôi liên tục đưa ra lý do cho đến khi Soda đưa cái vòi sen và dĩ nhiên là tôi xối qua loa lấy lệ rồi nhanh chóng trả lại cho con.

Cách thứ 2, khi có món đồ nào tặng cho các nhà hàng xóm, bạn hãy đưa cho bé, hoặc cùng bé đi tặng quà cho mọi người. Bé nhìn thấy hành động chia sẻ của bạn và sẽ bắt chước. Mấy hôm trước, vợ tôi có một quả na muốn tặng cho nhà em Quốc Khánh (hàng xóm), chúng tôi liền chớp lấy cơ hội, đưa quả na cho Soda và nói: "Soda, con mang quả na này tặng cho em Quốc Khánh nhé".

Khi em Quốc Khánh vừa đón lấy quả na xong, tôi liền thơm má con và khen. Bạn chú ý lời khen phải thật cụ thể và cảm xúc. Bé chắc chắn cảm nhận được tình cảm của bạn và hiểu rằng, chia sẻ cho người khác là việc làm vô cùng tốt đẹp.

Bí quyết của tôi chỉ đơn giản là như vậy thôi.

Theo VnExpress

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast