Nếu biết đồng đội gian lận, Usain Bolt có dám lên tiếng?

Do đồng đội là Nesta Carter bị phát hiện dương tính với doping, Huy chương vàng 4x100m tiếp sức tại Olympic 2008 của Usain Bolt sẽ bị tước bỏ. Điều đó cũng có nghĩa, cú “triple-triple” vô tiền khoáng hậu mà VĐV người Jamaica đã làm nên sẽ trở nên vô nghĩa?

neu biet dong doi gian lan usain bolt co dam len tieng

Tất nhiên, sau khi bê bối bị phanh phui, trọng tâm của dư luận sẽ đổ dồn về phía Usain Bolt. Không ai khác, tất nhiên. Anh ấy là ngôi sao, là vận động viên điền kinh đầu tiên trong lịch sử giành cú ăn ba tại 3 kỳ Thế vận hội cơ mà. Thế nhưng, sau bê bối này, hóa ra, Bolt chỉ làm được điều đó có hai lần.

Bởi đồng đội Nesta Carter của anh đã bị phát hiện khi dương tính với chất cấm tại Olympic 2008, sau khi Ủy ban Olympic quốc tế đã phân tích hàng trăm mẫu nước tiểu của các VĐV từng tham dự kỳ Thế vận hội tại Bắc Kinh năm đó. Tất cả các VĐV Jamaica thi đấu trong phần thi đó - cả Bolt - đã bị tước đi Huy chương vàng.

Bolt đã quá nổi tiếng, bởi anh đã làm nên được điều mà chưa ai từng làm được như thế và hơn thế, nên có lẽ mọi người sẽ cảm thấy vô cùng tiếc nuối cho anh ấy. Anh không hề gian lận, mà đó là do đồng đội của anh. Nhưng dù sao, anh cũng đã mất một chiếc Huy chương. Đó là nguyên tắc, và đó là trò chơi của đồng đội, khi một người gian lận, tất cả đều sẽ phải hứng chịu hậu quả.

Có thể nhiều người sẽ tiếc. Nhưng có ai thử nghĩ rằng, liệu Bolt biết chuyện Carter đã gian lận hay không?

neu biet dong doi gian lan usain bolt co dam len tieng

Nesta Carter, người bị phát hiện dương tính với doping hồi Olympic 2008

Doping là một thứ gây phá hủy lòng tin tưởng nơi đấu trường Olympic trong hơn 40 năm trở lại đây. Doping gây ra những điều phiền toái đối với các VĐV, tới ban giám khảo, tới ban tổ chức, và tới các khán giả, tới người hâm mộ. Nó gây khó dễ cho những VĐV “sạch”, khi phải thi đấu cùng với những người “không sạch”.

Chắc chắn, các VĐV “sạch” sẽ biết. Họ biết ai là người đang có ý đồ lừa dối. Đôi khi, những nghi ngờ trở nên rõ ràng, nhưng họ không biết cách, và cũng không có cơ hội để nói lên sự thật với công chúng. Hiếm có những người như Shirley Babashoff, Janet Evans hay Lilly King, là những anh hùng thực sự, dám đối mặt, dám đưa sự thật ra ngoài ánh sáng.

Và vì thế, nếu như Bolt biết về việc Carter dùng doping, tại sao anh ấy không lên tiếng? Tất nhiên, đứng trước cơ hội giành Huy chương vàng, ai lại đi bán đứng đồng đội? Có lẽ không ai, hoặc hiếm ai có thể làm điều đó.

Nếu bạn muốn tỏ lòng tiếc nuối đối với ai, hãy đặt sự cảm thông với các đội khác. Đội về nhì Trinidad và Tobago, đội về ba Nhật Bản, hay đội về tư Brazil. Một buổi lễ trao huy chương là một cái gì đó hết sức vinh dự đối với các VĐV trẻ tuổi, sau bao nhiêu năm đổ mồ hôi, máu và nước mắt để luyện tập, chỉ để có cơ hội được đứng trên bục vinh quang. Vậy mà Carter đã chọn cách ăn gian để có được điều đó, để đứng ở vị trí nơi mà nhẽ ra các VĐV của Trinidad và Tobago sẽ đứng.

Và những người Brazil? Họ đã phải chịu ngồi trên khán đài để hướng mắt về phía bục vinh quang, nơi nhẽ ra họ sẽ được đứng, không được ngắm nhìn lá cờ tổ quốc được kéo lên trang trọng nơi sân vận động Tổ Chim, nơi những giọt nước mắt của sự hạnh phúc sẽ chảy dài trên gò má thấm đẫm mồ hôi của sự quyết tâm?

Thay vào đó, trong tuần tới, những chiếc hộp sẽ được gửi qua đường bưu điện. Mở ra, họ sẽ chỉ thấy những chiếc Huy chương, lạnh lẽo và vô hồn. Có lẽ, khi đó họ sẽ ở một mình, chẳng muốn chia sẻ với ai. Không một nhiếp ảnh gia, không một phóng viên báo chí tới đó để ghi lại khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc huy hoàng nhẽ ra họ phải nhận được từ 8 năm về trước, âu chỉ đơn giản là niềm vui nho nhỏ, rất riêng.

Có thể, họ sẽ chỉ có một bức ảnh tự chụp.

Theo USA Today/TTVH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast