Nữ Việt Nam - Nhật Bản: Thử thách cực đại

Gặp đương kim vô địch Nhật Bản hôm nay, thầy trò HLV Mai Đức Chung phải hạn chế bàn thua và thẻ phạt để hướng đến trận quyết đấu Mynamar ở Asian Cup 2022.

Nữ Việt Nam - Nhật Bản: Thử thách cực đại

Việt Nam thi đấu trong bối cảnh nhiều người vừa khỏi Covid-19. Ảnh: VFF

Thua 0-3 ở trận ra quân gặp Hàn Quốc, nhưng Việt Nam vẫn được ngợi ca về tinh thần quả cảm. Đây là dấu hiệu tích cực, nhất là trong bối cảnh đội tuyển có hàng loạt ca Covid-19 và chỉ tập luyện với nhau một ngày trước giải. Hôm nay, các học trò của Mai Đức Chung phải phát huy hơn nữa tinh thần đó, bởi trước mắt là “ngọn núi” cao vời vợi - Nhật Bản.

Từng vô địch World Cup 2011, Nhật Bản đang đứng thứ 13 FIFA - hơn 19 bậc so với Việt Nam. Trong sáu cuộc đối đầu trước, họ toàn thắng và chỉ thủng lưới một lần, gần nhất là chiến thắng 7-0 ở ASIAD 2018. Vắng tiền đạo Mana Iwabuchi - đang khoác áo Arsenal - do mắc Covid-19, nhưng Nhật Bản vẫn thể hiện đẳng cấp vượt trội bằng chiến thắng dễ dàng 5-0 trước Myanmar ngày ra quân.

Tin vui với Việt Nam là 17 cầu thủ đều âm tính với Covid-19, đủ điều kiện thi đấu. Ngoài ra, đội tuyển cũng đón thêm hai người nữa sau khi khỏi bệnh và bay sang từ Tây Ban Nha.

Để nâng cao thể chất, những ngày qua HLV thể lực Cedric thường xuyên cho cầu thủ tập tăng cường trong phòng gym. Đội tuyển cũng làm việc với khách sạn để bổ sung thêm dinh dưỡng, thức ăn phù hợp. Ban huấn luyện đã dành nhiều thời gian mổ băng, phân tích lối chơi và nhân sự của Nhật Bản để tìm cách đối phó.

Nữ Việt Nam - Nhật Bản: Thử thách cực đại

Việt Nam đón thêm hai cầu thủ và các trợ lý từ Tây Ban Nha sang Ấn Độ sau khi khỏi Covid-19. Ảnh: VFF

Hôm qua 23/1, chủ nhà Ấn Độ không đủ 13 cầu thủ để thi đấu với Đài Loan bởi hàng loạt cầu thủ mắc Covid-19. Theo quy định, Ấn Độ bị loại khỏi giải, khiến bảng A chỉ còn Trung Quốc, Đài Loan và Iran. Các trận đấu còn lại vẫn diễn ra bình thường nhưng không tính kết quả thi đấu với Ấn Độ.

Điều này giúp Việt Nam rộng cửa đi tiếp. Bởi, ngoài hai đội dẫn đầu mỗi bảng, giải còn lấy thêm hai đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất. Để xác định hai suất vé vớt này, các đội đứng thứ ba bảng B và C sẽ phải bỏ kết quả với đội cuối cùng (cho công bằng với bảng A chỉ còn ba đội). Do đó, Việt Nam phải hạn chế bàn thua trước Nhật Bản để duy trì vị trí thứ ba hiện tại, trước khi hướng đến việc thắng hoặc hòa Myanmar ở lượt cuối ngày 27/1. Hiện, thầy trò HLV Mai Đức Chung đạt hiệu số -3, còn Myanmar là -5.

Ở bảng B, Australia chắc chắn đứng đầu, còn Phippines có nhiều lợi thế xếp thứ hai sau khi bất ngờ hạ Thái Lan. Ở bảng A, vị trí thứ ba nhiều khả năng thuộc về Iran, sau Trung Quốc và Đài Loan.

Giải vô địch nữ châu Á có 12 đội tuyển tham dự, chia làm ba bảng thi đấu vòng tròn một lượt. Bên cạnh các đội nhất - nhì mỗi bảng, hai đội đứng thứ ba có thành tích tốt cũng giành quyền vào tứ kết.

Năm đội tuyển đứng cao nhất ở Asian Cup 2022 sẽ giành quyền dự World Cup 2023. Australia là chủ nhà của giải đấu đó, nên nếu họ nằm trong top 5, đội thứ sáu sẽ được trao vé. Ngoài ra, châu Á còn hai suất dự play-off liên khu vực.

Theo Đức Đồng/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast