Năm 2020, thiên tai tại Hà Tĩnh diễn biến phức tạp, trận lũ lịch sử hồi tháng 10 gây thiệt hại hết sức nặng nề. Mưa lũ gây ngập lụt 118 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố; có 7 người chết, 1 người mất tích, 47 người bị thương; 4.300 nhà bị tốc mái, hư hỏng, gần 8.000 ha diện tích cây trồng đổ gãy; hơn 3.900 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng và 952.000 con gia súc, gia cầm bị chết... Mưa lũ còn gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng thiết yếu với tổng thiệt hại ước tính hơn 5.389 tỷ đồng.
Để chủ động khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội sau thiên tai năm 2020; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra (gọi tắt là Nghị quyết 01). Qua 4 năm thực hiện nghị quyết, các địa phương, đơn vị đã nỗ lực, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ông Trần Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi Nghị quyết 01 được thông qua, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Quyết định số 22-QĐ/TU ngày 20/11/2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà văn hoá cộng đồng kết hợp phòng, tránh bão, lũ và nhà kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết tại Văn bản số 511/KH-UBND ngày 31/12/2020, giao các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện đảm bảo phát huy hiệu quả nghị quyết. Nhìn chung, công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 01 được triển khai nghiêm túc, nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, góp phần khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai gây ra. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh bạn, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã giúp người dân Hà Tĩnh sớm ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Thực hiện Nghị quyết 01, Hà Tĩnh ưu tiên nguồn lực khôi phục ngay các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; đảm bảo các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt trở lại hoạt động bình thường trong tháng 11/2020. Cùng đó, tỉnh huy động các nguồn lực, tập trung khôi phục, sửa chữa nhanh và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu bị hư hại như: giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, điện lực, văn hóa, giáo dục, y tế... để phục vụ sản xuất và ổn định cuộc sống của người dân với tổng kinh phí đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin: Trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020 gây hậu quả nặng nề cho các xã, khiến 1 người chết, 50 người bị thương; hàng trăm nhà ở hư hỏng; hạ tầng giao thông, thủy lợi sạt lở, hư hỏng; hơn 800 ha rau màu bị thiệt hại; hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…; tổng thiệt hại ước tính hơn 1.700 tỷ đồng. Triển khai Nghị quyết 01, trên cơ sở hỗ trợ của tỉnh, huyện ưu tiên huy động các nguồn lực, tập trung khôi phục, sửa chữa nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu bị hư hại như: giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, điện lực, văn hóa, giáo dục, y tế... để phục vụ sản xuất và ổn định cuộc sống của người dân với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Huyện cũng đã chủ động lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ tỉnh, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đồng thời huy động đóng góp từ Nhân dân để xây dựng 15 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ; xây mới, nâng cấp 143 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng thiên tai. Cùng đó, địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra...
Sau trận lũ lịch sử 2020, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai tại Hà Tĩnh được tập trung khôi phục. Các đơn vị cấp tỉnh đã tham mưu đề xuất vận động, xúc tiến vốn đầu tư cho 42 công trình, dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau; các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp 106 công trình. Trong các công trình đang thi công, chuẩn bị thi công có nhiều công trình đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác phòng chống thiên tai, như: cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà); 3 công trình tiêu cho 3 vùng tiêu chính của tỉnh: phía Nam (hệ thống tiêu trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh và vùng phụ cận), vùng giữa (hệ thống tiêu thoát hạ du hồ Kẻ Gỗ) và phía Bắc (hệ thống tiêu thoát vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp huyện Đức Thọ - Can Lộc - TX Hồng Lĩnh).
Theo lãnh đạo BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh: Đơn vị đang tập trung đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, công trình góp phần hoàn thiện hệ thống cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh phù hợp với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; đáp ứng nhu cầu hậu cần nghề cá, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường; khôi phục, phát triển sản xuất thủy sản và xây dựng nông thôn mới.
Sau trận lũ lịch sử năm 2020, đến thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh đã huy động xã hội xây dựng được 105 nhà văn hóa cộng đồng, góp phần đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong dân cư.
Ông Trần Văn Điền – Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc (Đức Thọ) phấn khởi: “Địa phương thuộc vùng thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và may mắn đã được cấp trên ưu tiên xây dựng 4 nhà văn hóa cộng đồng tại 4 thôn. Công trình không chỉ có ý nghĩa trong việc phòng, tránh bão, lũ mà đã phát huy, nhân rộng thành công mô hình "Nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ" nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập, lao động và sản xuất, phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp Nhân dân; rèn luyện kỹ năng sống, hướng tới xây dựng và phát triển những cộng đồng học tập suốt đời”.
Ông Trần Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh cho biết: Nhận định thời tiết, thiên tai trên địa bàn thời gian tới hết sức phực tạp, có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Vì vậy, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phải được cả hệ thống chính trị tiếp tục quan tâm và đặt lên hàng đầu, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Theo đó, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai kịp thời các quy định của Chiến lược Quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong công tác phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng tỉnh Hà Tĩnh có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng…
Hà Tĩnh phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”; năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai từng bước được nâng cao giúp công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai được thuận lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…