Người đầu tiên sống 1.000 ngày trên vũ trụ

Phi hành gia Nga Oleg Kononenko, 59 tuổi, lập kỷ lục về tổng thời gian sống trên không gian khi đang làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Phi hành gia Nga Oleg Kononenko trở thành người đầu tiên sống 1.000 ngày trên vũ trụ. Ảnh: Maxim Shemetov/EPA-EFE

Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos hôm 5/6 thông báo, phi hành gia Oleg Kononenko trở thành người đầu tiên trong lịch sử chạm mốc sống 1.000 ngày trên không gian. Nhiệm vụ hiện tại của ông ở trạm ISS bắt đầu vào ngày 15/9/2023 và dự kiến kết thúc ngày 23/9/2024. Như vậy, khi nhiệm vụ kết thúc, tổng số ngày ông sống trên quỹ đạo sẽ lên tới 1.110 ngày, tiếp tục lập nên kỷ lục mới.

Kononenko đã tích lũy số ngày sống trong không gian qua nhiều nhiệm vụ. Nhiệm vụ đầu tiên của ông mang tên Expedition 17, triển khai vào tháng 4/2008. Tổng cộng, Kononenko đã thực hiện 5 nhiệm vụ tới trạm ISS.

Đây không phải lần đầu tiên Kononenko lập kỷ lục. Vào tháng 2/2024, ông đã vượt qua kỷ lục sống 878 ngày ngoài không gian do đồng nghiệp Gennady Padalka thiết lập. "Tôi bay vào vũ trụ để làm điều mình yêu thích chứ không phải để lập kỷ lục. Tôi đã mơ ước và khao khát trở thành phi hành gia từ khi còn nhỏ. Niềm đam mê đó - bay vào vũ trụ, sống và làm việc trên quỹ đạo - thúc đẩy tôi tiếp tục bay", ông chia sẻ hồi tháng 2.

Khác với các phi hành gia Roscosmos, phi hành gia NASA thường làm việc không quá 6 tháng trên trạm ISS, sau đó luân chuyển với phi hành đoàn mới. Một ngoại lệ đáng chú ý là Frank Rubio, người đã sống 371 ngày trên vũ trụ trước khi trở về Trái Đất vào tháng 9 năm ngoái. Nhiệm vụ ban đầu kéo dài 6 tháng của ông trên trạm ISS được kéo dài thêm 6 tháng nữa do phương tiện di chuyển của ông - tàu vũ trụ Soyuz của Nga - gặp sự cố.

Giới chuyên gia cho biết, việc sống dài hạn trong không gian sẽ dẫn đến nhiều thay đổi về tâm sinh lý và các phi hành gia thường được theo dõi chặt chẽ khi trở về sau nhiệm vụ dài ngày. Một trong những thay đổi lớn nhất bắt nguồn từ môi trường vi trọng lực, khiến phi hành gia trôi lơ lửng bên trong tàu hoặc bên ngoài tàu, khi thực hiện chuyến đi bộ không gian. Trong suốt thời gian này, khối lượng cơ bắp của phi hành gia giảm, kèm theo loãng xương do ít sử dụng.

vnexpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói