"Chẳng lẽ em không bao giờ thực hiện được ước mơ của mình?"

Mới đây, Tòa soạn Báo Hà Tĩnh nhận được một bức thư đầy nước mắt của em Nguyễn Thị Hiền - SV năm thứ nhất, Khoa Sử - Đại học Vinh. Trong thư, em Hiền trình bày về hoàn cảnh đáng thương của mình, những khó khăn cùng cực mà em và gia dình đang phải trải qua...

Em Nguyễn Thị Hương (em ruột Hiền)chăm sóc mẹ ở Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Em Nguyễn Thị Hương (em ruột Hiền)chăm sóc mẹ ở Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

...Từ ngày còn nhỏ dại, hai chị em em đã mồ côi cha. Nhà cửa lụp xụp, không có bóng người đàn ông nên đã nghèo lại càng vắng lạnh. Mẹ một mình bươn trải nuôi con. Ba sào ruộng của mẹ chẳng đủ cho gia đình khỏi đứt bữa mỗi khi giáp hạt. Tuổi thơ chúng em chưa bao giờ hết đeo đẳng nỗi khát thèm bữa cơm không độn khoai độn sắn. Mãi tận đến tận năm 2003, khi em lên lớp 8, gia đình mới tạm hết nỗi lo thiếu đói, nhưng nghèo khổ thì vẫn đeo bám cho đến tận bây giờ.

Nhà cách trường 3-4 cây số, lại đi qua những đoạn đường hoang vắng nhưng suốt 9 năm học cấp 1, cấp 2, em vẫn cứ đi bộ đến trường; áo quần cũng không được lành lặn; nhiều hôm đi học bụng đói cồn cào, nhưng có lẽ nỗi lo sợ lớn nhất mỗi khi đến trường của chúng em vẫn là các khoản tiền đóng nộp cho cô giáo. Em chẳng bao giờ quên được cảnh luôn phải đứng trước lớp để hứa với cô rằng, ngày mai sẽ không nợ tiền nhà trường nữa.

Nhiều lần em định nghỉ học để bớt gánh nặng cho mẹ và trốn tránh nỗi xấu hổ, mặc cảm với bạn bè. Nhưng tận trong sâu thẳm lòng mình, nỗi khát khao vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo, cơ cực đã không cho phép em đầu hàng số phận. Em quyết định thi vào THPT và đi tiếp con đường đầy khó khăn trước mắt. Ba năm em theo học trường THPT Lê Quý Đôn là thời gian mẹ em bươn chải khắp nơi trong tỉnh, thậm chí vào tận Đắk Lắk để làm thuê kiếm tiền nuôi cả 2 chị em. Mồ hôi nước mắt của mẹ đã giúp em bước chân vào trường Cao đẳng Văn hóa - Du lịch TP Hồ Chí Minh. Nhưng rồi, chi phí ăn học ở một thành phố lớn đã thực sự vượt quá sức lực của mẹ con em, cầm cự đến tháng thứ 7 đành phải khăn gói trở về. Mượn lại sách cũ của bạn bè, vừa đi làm thuê vừa ôn thi, năm học 2009-2010 này, em thi đậu vào Khoa Sử - Đại học sư phạm Vinh. Gom tiền công đi làm thuê của 2 mẹ con, em có đủ tiền nộp các khoản thu đầu năm của trường. "Con sẽ vừa học vừa đi làm thuê để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày", động viên mẹ, em phấn khởi lên đường với hành trang mới.

Tưởng rằng mọi lo toan, vất vả sẽ từng ngày được gỡ dần, những ngày tươi sáng sẽ sớm đến với gia đình nhỏ của em. Nhưng nào ngờ mới vào học chưa đầy 3 tháng, mẹ em lâm bệnh bại liệt, nửa người phía dưới không thể cử động được. Nghe tin dữ, em vay mượn được 1 triệu đồng về chạy chữa cho mẹ. Đã 15 ngày nay, mẹ đã cử động được nhưng vẫn bị những cơn đau lưng dữ dội hành hạ. Bác sỹ nói mẹ bị thoát vị đĩa đệm, cần phải ra Hà Nội để mổ may ra mới có thể thoát khỏi cảnh bán thân bại liệt. Nhưng để thực hiện được ca mổ như thế đòi hỏi phải có hàng chục triệu đồng. Một số tiền chỉ có trong mơ của em.

Những ngày vừa qua, em được bà con xóm làng hướng dẫn làm thủ tục vay vốn dành cho HSSV nghèo nhưng không biết khi nào thì mới cầm được tiền trong tay để gom vào chữa bệnh cho mẹ. Nhờ các cậu chăm sóc mẹ trong bệnh viện, em vừa học vừa đi làm thuê kiếm tiền, dăm ba ngày mới gom được ít tiền về thăm mẹ. Em gái em (Nguyễn Thị Hương), mới chỉ học lớp 7, một buổi đi học còn một buổi một mình trông nhà và thay mẹ chăm lợn và bò. Chúng em không biết làm cách nào để lo đủ tiền đưa mẹ đi Hà Nội. Khao khát của chị em em là có đủ tiền để chạy chữa cho mẹ vượt qua bạo bệnh và chúng em được tiếp tục cắp sách đến trường. Em rất mong Tòa soạn Báo Hà Tĩnh và bạn đọc quan tâm giúp đỡ gia đình em. Em xin cảm ơn".

Mọi sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân xin được gửi về gia đình chị Nguyễn Thị Khương (mẹ của em Hiền) xóm Vĩnh Sơn - Thạch Vĩnh - Thạch Hà - Hà Tĩnh. Hoặc địa chỉ: Tòa soạn Báo Hà Tĩnh, số 34 đường Nguyễn Công Trứ - TP Hà Tĩnh. ĐT: 0393856715; 0393693427.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast