Gia đình tận cùng nỗi đau da cam

Ba người con điên dại suốt ngày cười nói ngô nghê, xen lẫn với tiếng đập phá gào thét, mà chị Nguyễn Thị Khươm lòng đau như dao cắt từng khúc ruột. Đó là hoàn cảnh của anh Nguyễn Đình Thoại (61 tuổi) và chị Nguyễn Thị Khươm (54 tuổi) ở thôn 1, xóm Minh Đức, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Nỗi đau thời hậu chiến

Chúng tôi men theo con đường nhỏ nằm dọc dãy Hoành Sơn Quan đến xóm nhỏ nằm heo hút dưới chân đèo ngang, trong căn nhà chật hẹp của đôi vợ chồng và 3 đứa con điên dại.

Chiến tranh đã qua đi qua, nhưng nỗi đau để lại cùng di chứng chất độc da cam vẫn còn dai dẳng khi những đứa con tật nguyền của anh Thoại ra đời; đó cùng là khi anh biết mình đã mang trong người dòng máu nhiễm chất đôc da cam điôxin truyền sang cho những đứa con tội nghiệp.

Chị Khươm và 3 đứa con điên dại
Chị Khươm và 3 đứa con điên dại

Ngồi bên ấm chè nóng, anh Nguyễn Đình Thoại kể cho chúng tôi biết về gia cảnh của mình: Năm 1971, tôi vào thanh niên xung phong tổng đội trực thuộc 53 C9 ở miền Bắc. Năm 1972, tôi vào chiến trường Quảng Trị và đến 1975 xuất ngũ trở về quê hương. Cũng năm đó, tôi lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Khươm. Năm 1976, tôi sinh hạ người con trai đầu lòng Nguyễn Đình Tử (34 tuổi), khi mới cất tiếng khóc chào đời, căn bệnh quái ác đã biến Tứ trở thành một con người ngớ ngẩn điên dại không nói được, chân tay teo tóp. Suốt 34 năm sống chung với dây xích, ai cho gì ăn đấy, không biết đói, biết khát. Nghĩ thương con mà lòng thầm trách số phận mình sao hẩm hiu chua xót...

Rồi đứa con trai thứ 2 Nguyễn Đình Khắc (30 tuổi) không có bộ phận sinh dục, tiếp đứa con thứ 3 (20 tuổi) cũng giống như người anh trai cả. Gia đình đã túng thiếu về vật chất lại đau đớn cả tinh thần khi nhìn 3 đứa con dị dạng, điên dại suốt ngày đập phá la hét mà lòng quạn thắt như cắt từng khúc ruột người cha, người mẹ.

Gia đình anh không dừng lại ở nỗi đau về tinh thần mà mang thêm nỗi đau thể xác, anh Thoại đổ bệnh chân tay lở loét, sưng phù người sức khỏe yếu dần, khi đi khám, các bác sỹ Bệnh viện trung ương Huế chẩn đoán bị vôi hóa phổi. Gia đình lại phải vay mượn bà con hàng xóm tiền để chữa bệnh, đi khắp các bệnh viện ở Huế, Hà Nội nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Giờ đây, anh Thoại không làm gì được nữa,.còn chị Khươm bị bệnh thận phải vay mượn để mổ kịp thời.

Nuốt nước mắt chịu đựng

Chị Khươm tâm sự trong mưa nước mắt: "Khổ lắm chú ạ! Chồng thì bệnh tật, 3 đứa con thì điên dại, giờ một thân tôi làm thuê làm mướn nuôi 5 miệng ăn, lo thuốc thang cho chồng, cho con. Cả gia đình chỉ dựa vào hai sào ruộng nhiễm nước mặn, hàng ngày chị phải gồng mình đi phụ hồ để kiếm thêm đồng tiền chữa bệnh".

Người con cả của chị Khươm đã sống với dây xích từ hàng chục năm nay
Người con cả của chị Khươm đã sống với dây xích từ hàng chục năm nay

Nhiều hôm đi làm về tối, con phá xích đi cả đêm không biết đường mà về nhà, thương con chị lại thất thểu đi tìm suốt đêm. Nhiều đêm, con đập phá la hét ầm ĩ làm cho làng xóm ngủ không được, nhiều lúc cầm gậy rượt đuổi đánh người. Suốt 30 năm nay, chị chưa có một giấc ngủ yên. Con la hét, chồng thì bệnh tật dày vò.

Đã gần bước sang tuổi 60, cái tuổi mà người ta thường nói là tuổi ăn tuổi nghỉ, lẽ ra chị có con cháu sum vầy rồi nhưng với gia đình chị thì không.

Trưởng thôn Nguyễn Thị Viễn bộc bạch: Chị ấy nghèo khổ vất vả nhất xã miền núi này, chồng bệnh tật, con điên dại, một mình nuôi cả gia đình, thấy mà thương. Tôi vừa là trưởng thôn, vừa là bí thư chi bộ nên cũng thường xuyên đến thăm hỏi động viên chia sẻ tinh thần cho chị đở tủi thân.

Chúng tôi rời khỏi căn nhà chị Khươm lúc trời sẫm tối mà lòng không khỏi xót thương về gia cảnh của đôi vợ chồng bệnh tật nuôi 3 con điên dại. Nỗi đau này không gì có thể khỏa lấp được, nhưng gia đình anh Thoại chị Khươm hiện rất cần những tấm lòng sẻ chia.

Mọi sự quan tâm xin gửi về: Gia đình chị Nguyễn Thị Khươm, thôn 1, xóm Minh Đức, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast