Lời cầu cứu của một gia đình có 7 người chờ chết

Bố mất sớm, năm 2009, người anh cả cũng ra đi vì chứng bệnh nan y di truyền “thận đa nang”. Nay, 7 anh em còn lại cũng đang tuyệt vọng sống mòn vì căn bệnh di truyền quái ác. Trong đó, 3 người anh đầu kế tiếp nhau đã chuyển sang giai đoạn chờ chết, như lời bác sỹ nói “chỉ cầm cự được năm nữa thôi…”.

9 đứa con chỉ còn lại 1

Đó là lời nói như muốn khóc của bà Nguyễn Thị Ký, ở xóm Liên Tiến, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) khi chúng tôi hỏi đường tìm nhà anh Lê Doãn Thuyết (SN1975) - người đang nằm chờ chết vì căn bệnh “thận đa nang”. Trước đó, qua một số thông tin, chúng tôi đã biết về hoàn cảnh gia đình anh Thuyết. Đó là một gia đình chuyên nghề làm muối, với 9 người con trai đẹp như tranh vẽ.

Thiếu tiền chữa trị, 3 anh em anh Thuyết chỉ còn nước nằm chờ chết
Thiếu tiền chữa trị, 3 anh em anh Thuyết chỉ còn nước nằm chờ chết

Anh Thuyết là con trai thứ 3. Xấp xỉ tuổi trung niên thì bố anh qua đời vì bệnh thận. Lúc ấy chỉ biết thế thôi, vì nhà nghèo nên bố anh cũng không được đi viện chạy chữa nhiều. Chỉ nghe bác sỹ nói vậy thì nghe vậy. Đến khoảng năm 2004, người anh trai đầu là Lê Doãn Thắng, thấy mệt mỏi, người phù nề, mới đưa đi bệnh viện tỉnh thăm khám, bác sỹ kết luận bị “thận đa nang” đã phát triển qua giai đoạn biến chứng, nhà còn anh em thì cần đưa đến khám luôn, vì đây là căn bệnh di truyền. Vậy là đại gia đình 9 anh em tha nhau lên bệnh viện tỉnh khám. Kết luận bác sỹ đưa ra như tuyên án tử hình với 8 anh em, chỉ còn người anh thứ 2 may mắn thoát lưỡi hái tử thần.

“Khám để khám vậy thôi, chứ nhà nghèo làm chi có tiền chạy chữa” - anh Thuyết nằm trên giường nói tiếng thở dài. Cũng may, khi chúng tôi tìm vào nhà anh Thuyết, cả 2 người em bị bệnh nặng của anh Thuyết là Lê Doãn Lưu (SN1978) và Lê Doãn Ý (SN1980) cũng đang ở đây. Họ đang ngồi bên nhau tâm sự, như cố gắng kéo dài thêm từng thời khắc sống.

Trong căn nhà ẩm thấp, tồi tàn không có một vật dụng gì đáng giá, anh Lê Doãn Thuyết nằm trên một chiếc giường gỗ xiêu vẹo, ánh sáng mờ tối hắt từ ngoài khuôn cửa sổ đầy ắp nước mưa làm nổi rõ cánh tay gầy khẳng khiu, xanh xám với những đường gân máu như sợi dây thừng, chằng chịt vết kim đâm của những lần truyền máu, chạy thận.

Theo lời kể chắp nối của 3 anh em, thì người anh trai đầu từ khi phát bệnh, cũng được gia đình đưa đi chạy chữa, nhưng cũng chỉ cầm cự được đến năm 2009 thì mất. Riêng 7 anh em có bệnh còn lại, cũng được gia đình quan tâm chạy chữa, đến nay anh Thuyết, anh Lưu và anh Ý phải thường xuyên chạy thận, tuần 2 lần ở bệnh viện tỉnh, nhưng cũng chỉ có tác dụng cầm cự. Như anh Thuyết nói “Mặc dầu đã có bảo hiểm người nghèo, nhưng mỗi lần chạy thận cũng mất rất nhiều tiền, chịu sao nổi! Mà bác sỹ nói chỉ cầm cự được khoảng một năm nữa… Giờ tôi sống được ngày nào hay ngày đó, chỉ thương vợ con và mấy đứa em còn lại…”.

Trả lời cho câu hỏi của chúng tôi về khả năng lao động của 3 anh em, Lê Doãn Lưu buồn rầu: “Trước đây, chúng tôi có nghề làm muối, nhưng từ khi phát bệnh, thì không làm được việc gì nặng nhọc nữa, chỉ loanh quanh trong nhà, nằm một chỗ. Bệnh này càng lao động nặng nhọc, thì càng nhanh chết anh ạ, mà không làm thì…”.

Chúng tôi chợt liên tưởng tới nghề làm muối, với những tháng ngày sấp bóng trên ô nại, dưới cái nắng như thiêu như đốt để làm ra từng tạ muối, đổi lấy vài ba chục nghìn bạc, sống đã khó nói chi đến chuyện điều trị bệnh mãn tính. Và cũng chợt hiểu vì sao có nhiều người bị bệnh “thận đa nang” nhưng vẫn sống tốt với bệnh đến 60-70 tuổi, nhưng với gia đình này thì đều ra đi và sắp sửa ra đi khi vừa bước qua tuổi thanh niên, bởi họ không chỉ sớm lao động nặng nhọc, mà còn bởi cái nghèo không cho phép họ tiếp xúc với tiến bộ y học, mà có được điều trị cũng chỉ đứt quãng, vì không có tiền!

Các gia đình đều được bầu hộ nghèo

Đó là câu bình đầy hình ảnh và xót xa của bất cứ người dân nào trong xóm Liên Tiến khi chúng tôi đi tìm hiểu về hoàn cảnh đáng thương của đại gia đình giáo dân mắc bệnh nan y này. Trong đợt bình xét hộ nghèo đầu năm 2011, gia đình của anh Lê Doãn Thuyết, Lê Doãn Lưu và Lê Doãn Ý đều được 100% bà con trong xóm Liên Tiến bình xét là hộ nghèo, được phát mỗi gia đình một thẻ bảo hiểm hộ nghèo, “còn tiền hỗ trợ đến nay chưa thấy!” - anh Thuyết cho biết.

Hơn lúc nào hết, đại gia đình này đang cần sự chia sẻ từ cộng đồng
Hơn lúc nào hết, đại gia đình này đang cần sự chia sẻ từ cộng đồng

Anh Lê Hùng, một người bạn của anh Lưu cho biết: “Không bình xét cho họ thì bình xét cho ai nữa! Vợ anh Thuyết là Phan Thị Đào bị bệnh bướu cổ, nhưng hàng ngày vẫn phải lên TP Hà Tĩnh làm phụ hồ, kiếm tiền nuôi chồng và 3 đứa con nhỏ. Vợ anh Lưu, anh Ý cũng đều phải chạy chợ từng ngày kiếm tiền nuôi chồng bệnh và mấy đứa con nhỏ dại… Mấy năm nay, gia đình họ phải chạy ăn từng bữa, chạy thuốc từng ngày để duy trì sự sống cho những người đàn ông trụ cột rồi, nhưng….”

Anh Hùng không nói hết câu, nhưng chúng tôi hiểu đằng sau đó là nỗi xót thương của không chỉ riêng anh, mà của tất cả những người dân ở đây, những giáo dân đang vật lộn với cái nghèo, nhưng sẵn sàng nhường cơm, sẽ áo với đồng bào mình. Những cân gạo, những đồng tiền hỗ trợ ít ỏi của xã, của giáo xứ nơi đây chỉ như muối bỏ biển, bởi họ không chỉ chạy cơm ăn từng bữa, mà còn phải chạy thuốc, chạy thận từng ngày. Ngoài anh Thuyết, anh Lưu, anh Ý đã có gia đình riêng, đã phát bệnh và đang cầm cự chờ chết, thì họ còn có 4 người em nữa cũng đang chờ chực một ngày phát bệnh biến chứng theo các anh…

Rời nhà anh Lê Doãn Thuyết chúng tôi mang theo hình ảnh những đôi mắt thâm quầng, ánh lên tia nhìn cầu cứu và hi vọng của 3 anh em thân mang trọng bệnh, nhưng vẫn một lòng đau đáu lo cho vợ con và 4 đứa em còn lại. Chợt hi vọng một phép màu sớm làm rung động tấm lòng của các nhà hảo tâm, cùng chung tay giúp đỡ để gia đình giáo dân này có điều kiện cứu chữa kịp thời. Bởi theo bác sỹ Toản - Phòng khám bệnh đa khoa tại TP Hà Tĩnh thì: “Bệnh thận đa nang hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, nhưng nếu phát hiện sớm, hiểu biết về bệnh, được điều trị kịp thời và biết cách đề phòng biến chứng, thì bệnh nhân vẫn có thể sống an toàn đến 65-70 tuổi”.

Mọi giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Lê Doãn Thuyết, xóm Liên Tiến, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; hoặc qua Báo Bảo vệ pháp luật: tầng 7, toà nhà Capial Tower, 109 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội (Văn phòng phóng viên thường trú Báo Bảo vệ pháp luật tại Hà Tĩnh: 413 - Hà Huy Tập - TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).
Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast