“MỒ CÔI TỘI LẮM AI ƠI!”

Từ khi sinh ra, Nguyễn Trọng Lực, xóm 5, xã Hương Vĩnh, Hương Khê đã không biết mặt cha. Đến 15 tuổi, mẹ qua đời bởi căn bệnh ung thư phổi, Lực phải sống những ngày cơ cực với người dì gầy yếu không chồng con. Nhưng bằng nghị lực phi thường, Lực đã vượt qua tất cả để đến với giảng đường đại học, thực hiện ước nguyện của người mẹ trước giờ phút lâm chung.

Con đường đất dẫn vào nhà em nhầy nhụa những bùn đất sau những cơn mưa xối xả. Bước ra đón

Nguyễn Trọng Lực vẫn luôn miệt mài học tập
Nguyễn Trọng Lực vẫn luôn miệt mài học tập

khách, Lực buồn rầu nói “Nhà em nằm ở cuối xóm, hễ một trận mưa xuống là đi lại khó khăn như vậy”. Căn nhà gỗ nhỏ bé, bốn bức tường dựng bằng phên nứa đã mục nát, rêu phong phủ đầy và chiếc bàn để tiếp khách của hai dì cháu đã xộc xệch, cũ rích đã nói lên gia cảnh của một gia đình không thể nghèo hơn được nữa. “Từ khi em sinh ra đã không biết bố. Lớn lên thi thoảng em hỏi mẹ: Bố con là ai và làm gì? Những lần như vậy, mẹ chỉ biết buồn và trả lời cho qua chuyện: Bố con chết rồi!?” Lực kể

Nói về người mẹ rất đỗi yêu thương nhưng bất hạnh của mình, Lực tâm sự: “Mẹ em thấp nhỏ, gầy guộc và nước da đen sạm nhưng hiền hậu và thương người.”.

Nhà chỉ có hai mẹ con và người dì ốm yếu thui thủi bên nhau. Hiểu được nổi niềm thầm kín của mẹ, Lực thương mẹ rất nhiều. Ngoài giờ học, em còn phụ giúp mẹ những việc nhỏ như nấu cơm, giặt áo quần…Cuộc sống của hai người đàn bà cùng đứa trẻ dần trôi theo ngày tháng cho đến một ngày chị Nguyễn Thị Huệ mẹ em bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối đã qua đời. Năm đó Lực tròn 15 tuổi, đang học lớp 9 tại trường THCS Hương Vĩnh. Lực nhớ rất rõ trong giờ phút hấp hối mẹ gọi em vào và động viên: “Cố gắng chăm ngoan và học giỏi để đổi đời và trở thành người có ích trong xã hội. Đừng buồn khi không có mẹ. Nói rồi cặp mặt mẹ khép dần”. Lực kể. Nước mắt cậu bé ứa ra.

Sau khi mẹ mất chỉ còn lại dì Nguyễn Thị Lan là chỗ dựa duy nhất của Lực. Dì Lan cũng đã già yếu lại không chồng, không con nên cuộc sống của hai dì cháu trở nên nghèo khó hơn nhiều. Lực lam lũ cùng gì Lan mưu sinh kiếm sống qua ngày. “ Tội thân nó, sau giờ tan trường đã vội về ngay mà tranh thủ đạp xe một vòng quanh Thị trấn nhặt giấy loại, ve chai đưa về tích góp bán mua gạo. Sức nó yếu nhưng cũng thường xuyên đi phụ hồ cho người ta để lấy tiền mua quần áo, sách vở. Ngày lao động vất vả đêm về còn học đến khuya và sáng đã dậy sớm xem lại bài vở”. Chị Nguyễn Thị Nga, người hàng xóm tốt bụng ái ngại nói với tôi.

Nghe lời mẹ dặn Lực luôn chăm ngoan và học giỏi. Suốt 12 năm liền em đều là học sinh giỏi của trường. Kỳ thi Đại học vừa rồi em đậu vào ngành Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. “Biết mình đậu Đại học em Lực đã gọi điện báo tin mừng cho tôi. Nhưng một lát sau em lại khóc trong điện thoại, em nói là vui thì vui thật thầy ạ, nhưng giờ dì em giờ cũng già yếu rồi, nhà lại không có tiền nên sợ là không đủ sức nuôi em học 5 năm Đại học” – thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 - Trường THPT Hương Khê của Lực cho hay

Dì của Lực trồng rau, nuôi con gà đã đem bán sạch cho cháu có tiền nhập học nhưng chưa đủ. “Mấy hôm nay dì đang tính vay mượn ngân hàng cho em đi học nhưng không biết ngân hàng họ có cho vay không. Dì nói học được đến đâu thì tính đến đó, khi dì không lo nổi thì em đành bỏ học vậy” – Lực tâm sự.

Gánh nặng mưu sinh luôn chất chứa trĩu nặng trên đôi vai gầy của Dì Lan
Gánh nặng mưu sinh luôn chất chứa trĩu nặng trên đôi vai gầy của Dì Lan

Sau ngày được thông báo đậu đại học, chiều nào người ta cũng thấy Lực thơ thẫn ngồi bên mộ mẹ. “Người ta đậu ĐH có mẹ, có cha hân hoan, lo lắng cho những tháng ngày ăn học. Riêng nó cứ thui thủi trong những giấc mơ” – Dì Lan xót xa nói.

Bà con hàng xóm, thầy cô giáo cảm động trước nổ lực phi thường của Lực đã quyên góp ít tiền phụ giúp dì Lan cho Lực nuôi ước mơ giảng đường. Nhiều người không có tiền cũng mang sang ít cân gạo cho Lực mang vào để nấu ăn. Hai bộ áo quần dài duy nhất mà Lực cẩn thận gìn giữ suốt ba năm cấp ba đã ngã màu, đôi dép 4 quai cũng đã chắp vá nhiều nơi. “Mấy thầy cô cho thêm tiền bảo nó ra chợ mua thêm bộ đồ mới vừa tiền mà mặc nhưng nó kiên quyết không mua. Nó bảo hai bộ áo quần này còn dùng được mua thêm làm gì tốn tiền” – dì Lan cảm động cho biết

Dì Lan nói tiếp: “Tui cũng già yếu rồi, lại bị bệnh thấp khớp, hen suyễn chẳng sống được mấy năm nữa mô. không biết tui có đủ sức ráng nuôi nổi cháu suốt 5 năm Đại học không nữa. Nếu tui có mệnh hệ gì thì cháu không còn chổ nào mà nương tựa”. Lời tâm sự của người phụ nữ gầy yếu mang trong mình một ước vọng nhỏ nhoi ám ảnh tôi trong suốt chặng đường về. Hy vọng, thông qua bài viết này sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm chìa bàn tay nhân ái, giúp đỡ em Lực thực hiện trọn vẹn ước mơ của mình. Mọi thông tin chia sẻ xin được gửi về theo địa chỉ: Báo Hà Tĩnh - 34 Nguyễn Công Trứ - TP Hà Tĩnh. ĐT: 0393.856715 - 0393.693427

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast