Một học sinh tàn tật cần được giúp đỡ

Em Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1992, học sinh lớp 12B, Trung tâm GDTX Vũ Quang – Hà Tĩnh) bị tàn tật từ khi lọt lòng mẹ (do di chứng chất độc da cam để lại) hằng ngày vẫn đến trường đều đặn, chăm ngoan, học tốt, được các thầy cô giáo và học sinh coi là “một điều kì lạ, một cổ tích giữa thời hiện đại”.

Số phận kém may mắn

Chúng tôi đến thăm nhà em Nga, một căn nhà cấp 4 nghèo nàn nằm bên cạnh đường Hồ Chí Minh (thuộc xóm 6, xã Hương Minh, Vũ Quang, Hà Tĩnh). Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là trong căn nhà đơn sơ ấy hình ảnh một cô bé lọt thỏm giữa một góc học tập chứa đầy sách vở.

Nga năm nay đã 18 tuổi nhưng mới chỉ cao 1,2m; nặng 22kg, hai hàm răng không có. Hàm răng hiện tại là răng giả. Nga là con gái út trong gia đình có 3 anh em. Theo chị Trần Thị Hải (sinh 1964, mẹ Nga) thì Nga được sinh ra trong một đêm giá lạnh. Ngày sinh đứa con thứ 3 này chị đã khóc cạn nước mắt vì thương con mà cũng xót xa cho phận mình. Anh nguyễn Văn Thu, bố Nga cho biết, ông nội của Nga từng là bộ đội tham gia chiến đấu ở Khe Sanh, Quảng Trị (nơi giặc Mĩ rải chất độc điôxin nhiều nhất ở nước ta). Có lẽ Nga bị di chứng chất độc điôxin lây nhiễm từ ông nội sang.

Ước mơ cần được chắp cánh

Nga lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, mặc dù thể trạng rất nhỏ bé. Điều kì diệu hơn cả là Nga lại không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ở nhà, em biết tự lo cho bản thân, biết quét dọn nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ quần áo. Đến trường, Nga chăm ngoan, học tốt. Hằng ngày, phải đạp xe đạp từ nhà đến trường hơn 10 km, có khi ngày hai buổi mà 3 năm liền Nga chỉ có vắng 2-3 buổi.

Cô Lê Thị Thu Hiền (Giáo viên chủ nhiệm em Nga), cho biết: “Ba năm liền ở bậc THPT cấp GDTX em đều được lên lớp, không thiếu điểm môn nào, thực sự đủ tiêu chuẩn lên lớp chứ không phải ngồi nhầm lớp. Cô Trần Thanh Tâm (GV dạy Lịch sử) cho biết thêm: “Khi chấm bài kiểm tra 15 phút rồi bài 1 tiết của em trong học kì I năm lớp 10, tôi thực sự ngỡ ngàng. Em đều làm bài khá tốt, trình bày rất cẩn thận, sạch sẽ. Từ đó về sau khi chấm bài kiểm tra, tôi đều chấm công bằng như tất cả các em khác”.

Trao đổi với chúng tôi, bố mẹ em Nga đều tha thiết mong muốn Nhà trường cùng chính quyền các cấp tạo điều kiện giúp đỡ em Nga được học một nghề cầm tay (ví dụ như tin học hoặc may thêu chẳng hạn) để sau này em tự lo được cho bản thân mà không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội. Ước nguyện này quả không có gì là to tát, rất chính đáng nhưng lại rất đáng trân trọng! Chúng tôi xin gửi ước nguyện này tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, Chính quyền xã Hương Minh, Chính quyền huyện Vũ Quang và Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật Hà Tĩnh góp thêm một bàn tay-triệu tấm lòng nhân ái!

Mọi sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân xin được gửi về gia đình ông Nguyễn Văn Thu, xóm 6, xã Hương Minh, Vũ Quang, Hà Tĩnh. Hoặc địa chỉ: Tòa soạn Báo Hà Tĩnh, số 34 đường Nguyễn Công Trứ - TP Hà Tĩnh. ĐT: 0393856715; 0393693427.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast