MỘT MẢNH ĐỜI CẦN GIÚP ĐỠ

Trong căn nhà xiêu vẹo, rách nát nằm bên ngọn đồi cuối thôn, có một cụ già một mình đơn chiếc tự lo lấy cuộc sống cho mình. Đôi mắt đã mù nhưng hàng ngày cụ bà đã 90 tuổi này vẫn phải dò dẫm nấu từng bữa ăn từ nắm gạo, bó rau mà hàng xóm chia sẻ. Đó là cụ Dương Thị Lịnh, ở thôn 5, Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Tham gia dân công hoả tuyến với chiến dịch Trường Sơn thời kháng chiến chống Mỹ, sau ngày đất nước toàn thắng, cụ Lịnh trở về quê rồi lập gia đình. Những tưởng hạnh phúc trọn vẹn, nào ngờ do ảnh hưởng chất độc từ những ngày còn tham gia kháng chiến, niềm vui được làm mẹ của cụ đã không còn. Chấp nhận sự trớ trêu của tạo hoá, những khó khăn thiếu thốn về kinh tế, hai vợ chồng cụ vẫn thương yêu và chia sẻ ngọt bùi. Nhưng rồi hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, người chồng cụ mất đột ngột khi tuổi đời còn rất trẻ, một mình cụ lại lầm lũi sống cảnh đời goá bụa. Để tự lo cuộc sống cho mình, cụ phải đi làm thuê cuốc mướn khắp nơi để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Ngần ấy đau khổ rồi nhưng số phận hình như chẳng muốn buông tha, cụ lại bị mất cả hai con mắt sau một lần tai nạn khi đi làm thuê.

Kể từ đây, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lại rơi vào ngõ cụt. Thấy thương cho hoàn cảnh của cụ, làng xóm cùng chung tay người bát gạo, kẻ củ khoai chia sẻ cùng cụ khi gian khó, dựng cho cụ căn nhà nhỏ ven đồi để che nắng che mưa và trú ngụ qua ngày. Ai ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh của cụ và muốn chia sẻ thật nhiều nhưng ở một xã còn trên 40% là hộ nghèo thì việc lo đủ cho gia đình mình cái ăn đã là quá khó chứ nói gì đến giúp đỡ người khác. Chị Đinh Thị Hoà cho biết: “Nhìn hoàn cảnh của cụ ai mà chẳng chạnh lòng nhưng ở đây mọi người ai cũng nghèo nên việc giúp đỡ về vật chất hầu như không thể, có chăng cũng chỉ giúp được cụ khi xách xô nước, lúc nhóm cho cụ cái bếp. Nhiều hôm bận việc đồng áng không có thời gian qua lại nên cụ không có nước mà uống nữa chứ đừng nói đến ăn…”.

Hiện nay, cụ Lịnh sống chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của chính quyền xã với số tiền 120.000đ/ tháng. Số tiền ít ỏi ấy dù có chắt chiu cũng chỉ đủ mua gạo. Thức ăn thì ai cho gì ăn nấy, không thì cụ phải ăn cơm với… muối . Bữa nào không có ai giúp, cụ tự chống gậy dò dẫm tìm hướng xuống bếp nhen lửa nấu cơm, bởi không còn nhìn được nên cơm lúc khê lúc sống, nấu được bữa ăn thì đôi tay của cụ khi nào cũng vài ba vết bỏng . Nhìn những vết sẹo trên tay của cụ do bị bỏng mà mọi người không khỏi xót xa. Khi chúng tôi có ý định ngồi xuống giường để tiện nói chuyện, cụ vội vàng nhắc: “Các chú đừng ngồi xuống, không cái giường nó sập đấy, nó mà sập thì tôi lấy gì mà nằm...”

Trong nhà vật dụng chẳng có gì ngoài vài cái nồi và hai cái bát đã sứt miệng nằm chỏng chơ. Ngay đầu giường, nơi cụ Lịnh nằm ngủ còn được tận dụng để làm nơi cho gà đẻ và nói theo cách của cụ làm như vậy để dễ lấy trứng mà cũng khỏi lo bọn trẻ nó lấy mất. Nhìn kỹ hơn căn nhà làm chúng tôi không khỏi giật mình và lo sợ khi các cột trụ của ngôi nhà đã bị mối mọt ăn hết, các tấm ngói hầu như bị vỡ và vách đất thì thủng lỗ chỗ. Chỉ cần cơn gió nhẹ thổi cũng đủ sức làm lung lay căn nhà tạo nên những tiếng kêu răng rắc.

Tâm sự với chúng tôi cụ Lịnh ngẹn ngào: “Tôi giờ già rồi, vả lại cơm ăn bữa đói bữa no không còn là điều lo sợ nữa mà cái chính là không may nhà sập vào lúc đêm hôm, mưa to gió lớn thì không biết kêu nhờ ai cả. Khi sống mơ ước có cái nhà mà ở, còn khi chết mong có một chỗ làm nơi thờ là được…”

Trong nắng chiều chạng vạng, cụ tiễn chúng tôi bằng một câu chào rồi lại lặng lẽ thu hai chân lên giường, tay cầm chiếc vỉ đuôi ruồi huơ qua huơ lại trong không trung, cặp mắt cứ như đang nhìn về một nơi nào đó thật xa thẳm và đong đầy một ước mơ thầm lặng ỏ nơi cuối cuộc đời.

Mọi sự giúp đỡ cụ Lịnh xin liên lạc: Ban Biên tập Báo Hà Tĩnh – 34 Nguyễn Công Trứ - Thành phố Hà Tĩnh – Hà Tĩnh. ĐT: 0393856715; 0393693427.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast