Tai ương đổ xuống phận nghèo

Hai bà cháu dắt díu nhau xuống thành phố Hà Tĩnh, gõ cửa nhà chùa, nhà thờ mong kiếm được ít tiền để khăn gói ra bệnh viện Hà Nội. Mẹ của đứa bé đã bị bệnh viện trả về vì không đủ tiền làm phẫu thuật...

2 năm trời, kể từ khi vụ tai nạn kinh hoàng giáng xuống đôi vợ chồng trẻ (anh Nguyễn Văn Hà và chị Phạm Thị Tâm ở xóm 9 - Hương Giang (Hương Khê), người chồng thiệt mạng, còn người vợ đã trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật vẫn chưa phục hồi. Vừa phải lo chăm đứa cháu nhỏ, vừa chạy tiền theo con đi bệnh viện, ông bà Phạm Văn Khấu - Nguyễn Thị Tự (cha mẹ đẻ của chị Tâm) đã sức cùng lực kiệt.

Không có tiền để tiếp tục điều trị tại bệnh viện, chị Tâm phải về nhà chịu đựng những cơn đau hành hạ

Không có tiền để tiếp tục điều trị tại bệnh viện, chị Tâm phải về nhà chịu đựng những cơn đau hành hạ

Cuộc sống của người dân chỉ nhìn vào mấy sào ruộng ở vùng lũ Hương Giang vốn đã nghèo khó. Nhưng cảnh nhà bà Tự còn vất vả hơn vì chồng bà bị mù hơn 20 năm nay. Nhà lại không có con trai nên mọi việc nặng đều dồn lên vai người mẹ tảo tần. Chị Phạm Thị Tâm là con gái lớn, do không có điều kiện học hành nên hết cấp 3 là vào làm công nhân cho một nhà máy dày da ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2007, chị Tâm lấy chồng cũng là công nhân, năm 2008 sinh được cháu Nguyễn Phương Thảo. Khi cháu tròn 1 tuổi, chị Tâm đưa con về gửi cho bà ngoại. Có đứa cháu nhỏ, bà thêm niềm hạnh phúc để xua đi bao nỗi vất vả lo toan.

Vậy nhưng, không hiểu vì sao tai ương lại tiếp tục giáng xuống những mảnh đời vốn đã cùng cực. Năm 2009, vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với vợ chồng chị Tâm đã cướp đi tính mạng của người chồng, người vợ bị gãy nát nửa người thập tử nhất sinh. Suốt 1 năm con điều trị khắp các bệnh viện ở Sài Gòn, bà Tự chạy vạy ngược xuôi, vay khắp người thân, bạn bè, ngân hàng. Dù khổ cực đến mấy bà cũng tự nhủ phải cứu lấy con, nó có tàn phế bà cũng không mất con và cháu bà không phải chịu cảnh mồ côi.

Nỗi bất lực của người mẹ già trước nghịch cảnh của gia đình
Nỗi bất lực của người mẹ già trước nghịch cảnh của gia đình

Trải qua hàng chục lần phẫu thuật sọ não, xương đòn, xương đùi cho con, cả 3 con trâu bà đã bán, còn đồ đạc gì có chút giá trị trong nhà cũng đội nón ra đi và những món nợ đã lên đến gần 100 triệu đồng. Năm 2010 chị Tâm tạm bình phục trở về nhà.

Tuy nhiên, do bị tổn thương quá nặng, chỉ ít tháng sau vết thương tái phát khiến chị Tâm hết sức đau đớn. Bà Tự lại tiếp tục cuộc hành trình cùng con ra Bệnh viện 108 Hà Nội. Sau 2 tháng điều trị, Bệnh viện chỉ định phẩu thuật thay khớp háng và nối dây chằng đầu gối, tổng số tiền sau khi trừ bảo hiểm là 70 triệu đồng. “Nghe nói lần phẫu thuật này nữa là về nhà nó sẽ hết đớn đau, có thể nhúc nhắc vào ra nhưng lần này thì tôi chẳng còn biết xoay xở như thế nào nữa. Mấy tháng nay, tôi đã đi khắp nơi cũng chỉ xin được chút tiền đủ điều trị, tiêu dùng trong bệnh viện”- bà Tự chia sẻ trong bất lực.

Chuyến ra Hà Nội để đưa con về, bà Tự đau đớn nát lòng khi nghĩ đến những cơn đau lại hành hạ nó ngày đêm. Chống chọi, cầm cự bằng thuốc giảm đau, bà biết sẽ chỉ tính ngày, tính tháng. “Hôm trước nó gọi điện về bảo tôi đừng cố chạy vạy nữa. Nợ cũ còn nguyên đó chưa biết lấy đâu mà trả, có vay cũng chẳng ai cho nữa đâu. Lần này đưa đứa bé ra cho nó gặp để bớt đau đớn mà về nhà”.

Bao năm khổ đau, vất vả đến tận cùng, giờ còn chút lực tàn, bà Tự cũng ước gì có thể trút hết cho con. Nhưng một tay người mẹ già yếu, liệu có thể theo con đến bao giờ?

Mọi sự giúp đỡ cho gia đình chị Phạm Thị Tâm xin gửi về địa chỉ: Bà Nguyễn Thị Tự - xóm 9, xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hoặc Báo Hà Tĩnh - số 34 Nguyễn Công Trứ, thành phố Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast