Nhờ ChatGPT săn sale Black Friday hộ

Thay vì phải xếp hàng xuyên đêm, nhiều người tiêu dùng Mỹ đã tận dụng ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để dễ dàng tìm kiếm ưu đãi giảm giá dịp "Thứ 6 đen tối".

Một số người Mỹ không còn mặn mà với việc xếp hàng

Jim Malervy, một chuyên viên marketing 46 tuổi đang sống tại Philadelphia (Mỹ), đã sử dụng ChatGPT và nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo khác suốt 2 năm liên tiếp để mua sắm dịp Giáng sinh. Năm ngoái, nhờ sử dụng ứng dụng định giá tích hợp AI, anh tiết kiệm được 50 USD khi mua iPad cho cô con gái lớn.

Năm nay, Malervy, người đang vận hành trang AI GPT Journal, đang tìm mua búp bê Barbie trượt patin Margot Robbie từ bộ phim nổi tiếng cùng tên cho cô con gái út. Anh dự định sử dụng nhiều ứng dụng, như Honey của Paypal, để hỗ trợ tìm kiếm các trang web có giá ưu đãi tốt nhất. Mục tiêu của anh là tìm kiếm mức giảm giá 30%.

Chuyên viên marketing chia sẻ rằng AI giúp bớt cảm giác bỏ lỡ cơ hội (FOMO) trong dịp mua sắm Black Friday, cũng như giảm căng thẳng từ cách săn sale truyền thống tại cửa hàng.

Người tiêu dùng Mỹ đang bước vào giai đoạn mua sắm cuối năm trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cuộc bầu cử tổng thống vừa kết thúc. Vì thế, họ trở nên cẩn trọng hơn khi chi tiêu, ưu tiên tìm kiếm các ưu đãi giá hợp lý. Theo khảo sát của Attest trên 2.000 người tiêu dùng, 44% cho biết họ sẽ sử dụng AI trong mùa Black Friday năm nay để hỗ trợ việc mua sắm.

Người mua hàng xếp hàng chờ bên ngoài cửa hàng Best Buy ở California vào dịp Black Friday năm 2023. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg.

Nhờ AI tìm ưu đãi

Trước đây, người tiêu dùng Mỹ phải dành nhiều giờ chờ đợi bên ngoài các chuỗi bán lẻ như Best Buy hay Walmart vào Black Friday, rồi đổ xô vào cửa hàng khi trời rạng sáng để săn hàng giảm giá.

Giờ đây, với sự phát triển của các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT và Perplexity AI, việc tìm kiếm ưu đãi trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhiều công ty AI đã bổ sung tính năng tìm kiếm và mua sắm để thu hút người dùng vào dịp lễ hội cuối năm.

John David Rainey, Giám đốc tài chính của Walmart, nhận định rằng việc sử dụng công cụ kỹ thuật số và AI trong mua sắm có thể trở thành xu hướng trong tương lai. Phần lớn nhà bán lẻ hiện đang nghiên cứu và áp dụng AI nhằm cải thiện trải nghiệm tìm kiếm sản phẩm và tăng hiệu quả mua sắm cho người tiêu dùng.

Frédéric Bourgeois-LeBlanc (32 tuổi), làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng ở Montreal (bang Wisconsin, Mỹ), từng đến Best Buy để mua những thiết bị mới nhất. Nhưng giờ đây, việc mua sắm trở nên quá căng thẳng và đòi hỏi nhiều nghiên cứu.

Hiện, thay vì ghé thăm hàng loạt trang web đánh giá và hướng dẫn trực tuyến, Bourgeois-LeBlanc cho biết anh sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo Weever.AI để nhận đề xuất mua sắm. Mục tiêu của anh vào dịp Black Friday này là một chiếc tai nghe chơi game cho Xbox.

“AI giúp việc săn sale dễ dàng hơn rất nhiều cho người không quen tìm kiếm thông tin trước khi mua sắm như tôi”, anh nói.

Frédéric Marcoux, đồng sáng lập và CEO của Weever.AI, chia sẻ họ đang chuẩn bị cho sự tăng trưởng đột biến về lượng người dùng vào dịp mua sắm cuối năm. Trong khi đó, Perplexity AI vừa phát hành công cụ hỗ trợ mua sắm, và nhận thấy lượng tìm kiếm sản phẩm tăng lên vào dịp Black Friday và Cyber Monday.

AI gợi ý lịch trình 'săn sale'

Các công cụ trí tuệ nhân tạo cũng có thể tạo ra bước ngoặt mới đối với hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Thay vì mất nhiều thời gian để tìm kiếm cửa hàng và ưu đãi giảm giá, ChatGPT có thể gợi ý lịch trình mua sắm cho những người mua hàng.

Những công cụ AI như ChatGPT có thể đưa đề xuất cá nhân hóa về lịch trình mua sắm dịp Black Friday. Ảnh minh họa: Matheus Bertelli/Pexels.

Cụ thể, khi được hỏi về lịch trình trình mua sắm dịp Black Friday này, ChatGPT đề xuất hành trình mua sắm kéo dài 12 tiếng tại thành phố New York, bắt đầu từ 6h30 ở cửa hàng Macy's trứ danh.

Lịch trình này bao gồm mua sắm xa xỉ trên Đại lộ 5, Soho, ghé thăm Best Buy, cửa hàng điện tử B&H, hiệu sách Strand, ăn trưa ở cửa hàng tại Chelsea Market, và kết thúc với lời nhắc “uống nước đầy đủ và mang giày thoải mái”.

Những công cụ AI tạo sinh như ChatGPT có khả năng đưa ra phản hồi mang tính cá nhân hóa dựa trên câu hỏi của người dùng. Dẫu vậy, trong một số trường hợp, công cụ này có thể mang lại câu trả lời lỗi thời và thiếu chính xác. Chẳng hạn, đối với yêu cầu trên, ChatGPT đề xuất dùng bữa trưa tại phòng ăn ở khách sạn Plaza, nơi đã đóng cửa nhiều năm.

Khi được yêu cầu đưa ra đề xuất khác, ChatGPT gợi ý cửa hàng thức ăn nhanh Shake Shack cho bữa trưa và quán ăn Carbone cho buổi tối. Tuy nhiên, người dùng không thể đặt chỗ trước tại hai địa điểm này vào tối ngày hôm đó, thậm chí là vào tháng tiếp theo.

Đại diện phát ngôn của OpenAI từng lên tiếng cảnh báo người dùng rằng ChatGPT có thể gặp lỗi. Do đó, người dùng nên kiểm tra thông tin kỹ hơn khi tra cứu về những vấn đề quan trọng. Ngoài ra, phiên bản trả phí của ChatGPT có khả năng tìm kiếm theo thời gian thực và có thể đưa ra các kết quả chính xác hơn.

"Nâng cấp" chiến lược mua sắm với AI

Ngày nay, một số người mua hàng cho rằng những ưu đãi tốt nhất không còn xuất hiện ở các cửa hàng truyền thống hoặc nhà bán lẻ như trước. Trong thời đại giá cả biến động liên tục, người mua hàng cần “nâng cấp” chiến lược mua sắm.

“Đôi khi, thông tin ưu đãi tôi tìm được lại có từ năm 2020, trong khi tôi muốn tìm ưu đãi của năm nay”, Lisi (17 tuổi), một học sinh kiêm người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, chia sẻ với Bloomberg. Lisi cho biết cô đang học về AI ở trường và bắt đầu sử dụng ChatGPT để tìm khuyến mãi, sau khi mất hàng giờ tự tìm kiếm ưu đãi trên mạng.

Sana Akibu, một quản lý thương mại điện tử ở Gaithersburg (bang Maryland, Mỹ) cho biết cô hiện bắt đầu mọi tìm kiếm mua sắm bằng ChatGPT. Đầu năm nay, cô nhìn thấy một chiếc vòng tay giảm giá trên Instagram, nhưng sau đó không thể tìm lại được.

“Tôi chắc chắn là đã thấy chương trình khuyến mãi đó trước đây. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sao không thử hỏi ChatGPT xem thế nào”, Akibu chia sẻ.

Sana quyết định thử sử dụng ChatGPT để tìm lại ưu đãi đó. Cô nhập các thông tin cụ thể, như mã giảm giá và ngày tháng, để đảm bảo kết quả chính xác, không bị nhầm với các khuyến mãi cũ, thay vì mất thời gian lục lại các bài đăng trên Instagram hoặc tìm kiếm trên Google.

Cô cho biết điều này đã mở ra một trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới. Điều này không chỉ giúp cô tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo săn được những ưu đãi tốt nhất. Akibu dự định sẽ sử dụng công cụ này để mua sắm Black Friday cho gia đình mình, và có thể còn nhiều lần nữa trong tương lai.

lifestyle.znews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói