Những ngày tháng Bảy, khi Ngã ba Đồng Lộc đón hàng vạn người dân về thăm viếng, dâng hương, chúng tôi tìm về thôn Mai Long để cảm nhận khí chất kiên trung, tấm lòng son sắt, vững vàng của những người dân nơi đây - những người từng cưu mang, đùm bọc các nữ chiến sĩ TNXP năm xưa như người thân, như ruột thịt.
Đưa chúng tôi qua từng con ngõ, từng ngôi nhà in dấu bước chân của những người TNXP năm xưa, ông Nguyễn Thành Công - Trưởng thôn Mai Long chia sẻ: “Thôn chúng tôi có 145 hộ với hơn 600 nhân khẩu, nhưng từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng thuộc nằm lòng chuyện về các o TNXP, nhất là 10 o ở Tiểu đội 4. Mỗi dịp tháng Bảy, khi ngày giỗ các o đến gần (24/7), niềm thương nhớ lại dâng đầy trong từng ngôi nhà, con ngõ”.
Mai Long nằm nép mình bên chân núi Trọ Voi, cách Ngã ba Đồng Lộc chừng 800m. Những năm 1965-1973, thôn trở thành địa điểm trú quân của nhiều đơn vị TNXP, trong đó có các tiểu đội của Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh.
Trong căn nhà của bà Lê Thị Dung (vợ của Đại đội trưởng Đại đội 552 Nguyễn Thế Linh, SN 1940), nay đã vắng bóng chồng nhưng những kỷ vật vẫn nhắc nhớ sâu đậm về người thủ lĩnh mẫn cán của lực lượng TNXP một thời hoa lửa. Bà Lê Thị Dung (SN 1948), nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5, xúc động kể lại: “Lúc đó, chúng tôi ở trọ phân tán trong thôn. Mỗi nhà dân đón từ 2-5 người, trong đó có nhà của bố mẹ anh Linh. Ngày chia ca đi làm, tối về lại học bổ túc văn hóa. Đối mặt với bom đạn hằng ngày, nhưng chẳng ai tỏ ra sợ hãi. Tuổi trẻ khi ấy chỉ biết sống hết mình và thương nhau như ruột thịt”.
Trong ký ức của bà Dung, Tiểu đội 4 do chị Võ Thị Tần làm A trưởng là những cô gái giàu nghị lực và vui tươi. Chị Hà Thị Xanh, người bạn thân cùng quê Đức Hòa (nay là xã Đức Thọ) là người bà Dung nhắc đến nhiều nhất. Bà kể: “Xanh ít nói, ngoan hiền, hay chia sẻ tâm sự với tôi về chuyện gia đình, làng xóm. Còn em Võ Thị Hà nhỏ nhất tiểu đội, mới 17 tuổi, xinh xắn, lễ phép nên ai cũng thương yêu, cưng chiều…”.
Trong vai trò Đại đội trưởng, ông Nguyễn Thế Linh lúc ấy 28 tuổi, như người anh cả của hàng chục cô gái trẻ. “Anh Linh rất tâm lý. Việc phân công, bố trí, anh đều cố gắng để mọi người đỡ vất vả. Ai ốm đau, anh tìm y tá, bác sĩ đến khám, còn động viên chị em bằng những câu chuyện vui... Dù là thủ trưởng, nhưng chị em vẫn thường trêu đùa như anh trai của mình” - bà Dung nhớ lại.
Trưa 24/7/1968, mặt đường 15A vẫn còn nham nhở những hố bom. Tiểu đội 4 nhận nhiệm vụ khẩn cấp san lấp mặt đường để kịp giờ cho đoàn xe quân sự đi qua. Các chị ăn vội nắm mì, rồi hối hả cầm cuốc xẻng ra mặt đường. 16h cùng ngày, tốp máy bay Mỹ trút loạt bom thứ 15 xuống tuyến đường. Không kịp chạy, 10 cô gái cùng nhau chui vào căn hầm bên đường để tránh. Một loạt bom trút xuống, hầm bị đánh sập… Tất cả các chị đều hy sinh.
“Nghe tin, chúng tôi chạy ào đến. Cả một vùng đất lặng im, phủ khói bụi, không ai bảo ai, tất cả cùng lăn vào bới đất tìm người. Tôi nhớ anh Linh vừa đào vừa gào tên từng người. Đến khi thấy Xanh, tôi gục xuống không khóc nổi... Buổi chiều tối hôm đó, sau khi tìm thấy thi thể 9 chị (chị Cúc 3 ngày sau mới tìm thấy - PV), tôi, anh Linh và các anh chị em trong Tiểu đội 5, cùng một số dân quân xã Xuân Lộc lặng lẽ đưa các chị về thôn Mai Long. Chúng tôi, cứ 2 người gánh 1 chị, bước đi mò mẫm trong bóng tối, lòng đau xót thấu tận tâm can” - bà Dung nghẹn lời.
Theo người dân địa phương, sau buổi chiều định mệnh, các nữ TNXP Tiểu đội 4 được đưa về tại bãi Mộc Đồng, dưới chân núi Trọ Voi. Ông Nguyễn Thế Linh mặc dù cả buổi chiều mệt nhoài đào bới tìm kiếm nhưng kiên quyết ở lại canh giữ thi thể những người “em gái”. Sáng ra, có người đến thăm thì thấy ông nằm thiếp đi giữa thi hài các cô.
Ông Nguyễn Hữu Lộc - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Mai Long, lúc đó là cậu bé 10 tuổi, vẫn nhớ như in cảnh tượng tang tóc năm ấy: “Hồi đó, nhà bố mẹ tôi cũng nuôi 5 chị ở Tiểu đội 3, các chị như chị gái trong nhà vậy, thường xuyên chỉ bảo tôi như em út. Các chị có quà gì cũng cho tôi, còn nhà tôi cũng như bao gia đình khác trong thôn, có gì cũng mang ra cho các chị ăn, xem TNXP như con cái trong nhà. Ngoài giờ đi làm, các tiểu đội cũng hay tổ chức văn nghệ, tôi hát hay nên các chị quý lắm. Tôi còn nhớ, chị Nguyễn Thị Nhỏ ở Tiểu đội 4 thường dạy tôi hát, kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện cổ tích, chuyện ở quê chị… Chiều ấy, khi các chị hy sinh, tôi cùng mấy đứa bạn chạy ra, nhìn 9 chị nằm thẳng hàng dưới lớp vải bạt, tôi òa khóc, lòng đau đớn như mất đi người thân của mình vậy…”.
Thôn Mai Long trở thành nơi đầu tiên chôn cất thi thể 10 cô gái TNXP. Lễ tang khi ấy giản dị, giữa bom đạn vẫn nổ ngày đêm. Không cờ hoa, kèn trống, chỉ có tiếng khóc nghẹn của đồng đội, Nhân dân. 8 năm sau (năm 1976), theo chủ trương chung về quy tập mộ liệt sỹ, mộ 10 cô được di dời về Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Can Lộc (tại xã Thiên Lộc cũ). Năm 1990, các cô được di chuyển về tại vị trí cạnh hố bom mà 10 nữ TNXP đã hy sinh. Khu mộ 10 cô sau đó được mở rộng, tôn tạo trang nghiêm và thoáng đãng.
Cùng trải qua những tháng năm cống hiến nơi tuyến lửa, chứng kiến mất mát hy sinh của đồng đội, cuối năm 1971, ông Nguyễn Thế Linh và bà Lê Thị Dung nên nghĩa vợ chồng. Họ sinh được 6 người con (2 trai, 4 gái) và luôn kể về đồng đội, dạy con cháu mình không được quên những người đã hy sinh để họ được sống trong hòa bình, no ấm.
Năm 1994, khi đạo diễn Lưu Trọng Ninh quay bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc”, ông Linh là cố vấn, bà Dung phụ giúp đoàn làm phim phục dựng bối cảnh năm xưa. Ngôi nhà ông bà trở thành trường quay - nơi tái hiện tuổi xuân hào hùng, những giây phút sống, chiến đấu, yêu thương của Tiểu đội 4 và Đại đội 552 TNXP.
“Tháng 1/2020, ông Nguyễn Thế Linh qua đời. Khi linh cữu ông được đưa đi, một đàn chim trắng bất ngờ bay theo suốt chặng đường tiễn biệt. Dù có thể ngẫu nhiên nhưng mọi người trong làng đều nghĩ rằng, có lẽ đó là 10 cô gái về tiễn người anh cả, người thủ trưởng đã từng chở che cho họ…”, ông Nguyễn Thành Công - Trưởng thôn Mai Long kể lại.
Thôn Mai Long giờ đây đã khoác lên mình quang cảnh làng quê khang trang, trù phú. Năm 2018, thôn trở thành khu dân cư NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã Xuân Lộc cũ. Những con đường bê tông trải dài thay cho đường đất năm xưa, những căn nhà ngói đỏ khang trang, đường làng xanh tươi hoa lá… Nhưng, trong lòng người dân nơi đây, một góc ký ức về những “người con” của thôn mình đã ngã xuống mãi day dứt không quên.
Cùng tôi đi trên cây cầu vượt cao tốc Bắc - Nam đầu làng, nhìn về tháp chuông Đồng Lộc sừng sững phía xa, ông Nguyễn Thành Công xúc động: “Chúng tôi mong ước có thể dựng một miếu nhỏ, hay tấm bia tưởng niệm ngay tại thôn để con cháu Mai Long hiểu rằng, quê hương mình là nơi ghi lại nhiều dấu ấn sâu đậm và bi thương về các o, từng là nơi tiễn đưa các o về với đất mẹ”.
Tạm biệt Mai Long, tôi ngoái nhìn về phía làng. Ở đó, tôi cảm nhận, dường như mỗi con ngõ, mỗi bờ tre của làng quê nhỏ bé ấy vẫn văng vẳng đâu đây tiếng cười trong trẻo, tiếng bước chân hối hả của 10 nữ TNXP năm nào. Và, người Mai Long, bằng cả tấm lòng son sắt vẫn lặng lẽ gìn giữ ngọn lửa ký ức về những nữ TNXP anh hùng, để quá khứ ấy không lùi xa, để một thời hoa lửa mãi mãi là niềm tự hào trong họ.