Bài cuối: Để cánh đồng mẫu thực sự… mẫu

Hình thức sản xuất theo cánh đồng mẫu (CĐM) chính là xác lập mối quan hệ liên kết “4 nhà” (nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). Sau 2 năm thực hiện CĐM, sự góp sức của mối liên kết này đã khẳng định hiệu quả kinh tế của người trồng lúa. Tuy nhiên, trên thực tế gần 3.700 ha diện tích sản xuất theo CĐM không phải cánh đồng nào cũng thể hiện rõ được mối quan hệ này.

Cánh đồng mẫu - thành công và đôi điều cần bàn

>> Bài 1: Nâng tầm nghề nông

“Cánh đồng nhỏ, nông dân lớn”…

Mấy ngày nay, thứ thì gieo cấy hè thu, thứ thì chuẩn bị lúa để bán cho công ty theo hợp đồng đầu vụ, khiến công việc mùa màng của gia đình bà Nguyễn Thị Danh (Cẩm Bình - Cẩm Xuyên) thêm tất bật. Phải nói rằng, đây là điều mong đợi của tất cả người nông dân sau sản xuất nhưng trong lòng bà vẫn thấp thỏm không yên: “Nhà làm gần mẫu ruộng được hơn 2,5 tấn lúa, không bán hết thì sợ vi phạm hợp đồng mà bán hết thì của nhà còn lại chẳng là bao, lại còn muốn biếu anh em họ hàng một ít gạo mới nhưng mà…”.

Sản xuất nông nghiệp không giống như các lĩnh vực sản xuất khác, không thể ngày một ngày hai là thấy rõ thành - bại. Do vậy, đã 2 năm triển khai sản xuất CĐM nhưng đây cũng chỉ mới là giai đoạn khởi động. Thế nên cũng dễ hiểu vì sao một CĐM vài chục ha lại có đến hàng trăm hộ dân tham gia như: Cẩm Bình 460 ha có hơn 1.000 hộ tham gia; 100 ha ở Thạch Văn (Thạch Hà) có đến 470 hộ tham gia hay tại An Lộc (Lộc Hà) chỉ vẻn vẹn 16 ha giống BTE1 mà có đến 178 hộ, diện tích sản xuất hộ lớn nhất là 2.500 m2, hộ nhỏ nhất là 500 m2…

Giống lúa RVT được đánh giá cao trong vụ xuân 2013.
Giống lúa RVT được đánh giá cao trong vụ xuân 2013.

Góp các ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, làm chung nhưng ruộng nhà nào nhà nấy làm, lúa nhà nào nhà nấy giữ! Và tất nhiên, dù có cố gắng đến mấy cũng khó có thể tránh khỏi sự thiếu đồng đều về khả năng đầu tư, về nhận thức của người tham gia nói gì đến chuyện đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị từ sản xuất đến phơi sấy như tiêu chí cứng.

Một phần nguyên nhân chính của sự manh mún, nhỏ lẻ là thực trạng của chuyển đổi ruộng đất còn nhiều bất cập. Đôi khi dẫn đến những biến cố dở khóc dở cười, khiến nhà quản lý ở cơ sở bở hơi tai. Mới đây, nhân chuyến công tác về Lộc Hà, tôi được anh Đặng Văn Hiển - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện bộc bạch chuyện vận động góp đất làm mô hình sản xuất lúa trong vụ hè thu 2013 tại xã Tân Lộc. Vì một số hộ dân bỏ ruộng, huyện đưa ra chủ trương vận động các hộ khác đứng ra mượn ruộng làm mô hình điểm theo quy trình kỹ thuật tiên tiến. Tưởng dễ, hóa ra không đơn giản: “Chỉ riêng chuyện góp đất 3 ha cho 12 hộ dân làm thử quy trình mới, chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức” - ông Hiển chia sẻ. Thế mới thấy, để tổ chức lại sản xuất theo quy trình, phương pháp mới vẫn còn không ít cam go!

Liên kết nông dân - doanh nghiệp còn mong manh!

Trong giai đoạn xây dựng mô hình, hầu hết doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này đều hỗ trợ người dân giống, phân bón, hỗ trợ trả chậm tiền chi phí, thậm chí cùng với “bàn tay” nhà nước, nhiều nơi nông dân sản xuất mà không phải bỏ ra một đồng vốn nào. Phần đông nông dân hồ hởi cho bước chạy đà nền sản xuất hàng hóa, tuy vậy vẫn còn chút ngần ngại trước sự đổi mới.

Ông Nguyễn Văn Đức (Thạch Tân - Thạch Hà) cho biết: “Sản xuất ra ai cũng muốn bán được hàng, điều trăn trở lớn nhất của chúng tôi là liệu khi chính sách hỗ trợ kết thúc, mức đầu tư đầu vào có tương xứng với giá trị và thị trường đầu ra? Mặt khác, khi máy móc có thể thay sức người trên đồng ruộng, nông dân chúng tôi vẫn muốn có nghề phụ để có thể nuôi nông nghiệp một cách bền vững”. Bên cạnh đó, chuyện nhà đầu tư cung ứng không đúng loại giống, phẩm cấp giống không phải chưa từng xảy ra khiến nông dân thiếu lòng tin ở DN.

Mô hình CĐM giống lúa DT 68 ở Cẩm Xuyên
Mô hình CĐM giống lúa DT 68 ở Cẩm Xuyên

Đổi lại, cũng phải chia sẻ với DN khi vai trò của các HTX chưa đồng đều, CĐM nhà đầu tư phải “làm ăn” với từng cá thể hộ dân, cánh đồng càng lớn thì càng manh mún, nhát đoạn. Khi thì ký hợp đồng xong không chịu tham gia, người lại không chịu bán sản phẩm sau thu hoạch...

Ông Võ Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP VTNN Hà Tĩnh tâm sự: “Chúng tôi liên kết với một số địa phương sản xuất giống Gia lộc 102, vì là giống lúa mới nên ban đầu vất vả lắm mới đưa vào được. Hợp đồng ký xong, đến cuối vụ, nhiều hộ dân không chịu bán sản phẩm nữa vì gạo ngon, họ để dành…”.

Trong khi đó, không phải DN nào cũng đủ mạnh để gánh vác hậu quả và chia sẻ với nông dân. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng nguồn tiêu thụ ở những thị trường lớn, đến tiền bạc và uy tín của đôi bên.

Cần lắm sự “bắt tay” của “4 nhà”

Hai năm thực hiện mô hình CĐM, gần 3.700 ha diện tích là kết quả của một chủ trương đúng đắn. Chưa bao giờ người nông dân được sẻ chia gánh nặng sản xuất, chi phí đầu tư và đầu ra cho sản phẩm như bây giờ. Và cái được lớn nhất là tiếp cận sâu với ứng dụng KHKT trong kỹ thuật thâm canh lúa.

Cùng với sự định hướng của Nhà nước, sự hỗ trợ của DN, giá trị và chất lượng hạt gạo địa phương được nâng cao, góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp. Song, ở một khía cạnh nào đó, vai trò của liên kết vẫn còn những “nút thắt”. Nhà khoa học dường như vẫn còn ở đâu đó khá xa, người dân trong tỉnh vẫn khó mua gạo nhà ở các đầu mối lớn và sản phẩm lúa gạo Hà Tĩnh đang tự bươn chải tìm kiếm thương hiệu.

Để CĐM thực sự lớn rất cần tăng cường liên kết “4 nhà”, trong đó DN phải đóng vai trò chủ công, thiết kế đầu ra, đầu vào trước khi xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản phẩm. Quan trọng nhất là phải làm sao để chuỗi liên kết có được chất kết dính như keo gắn chặt các thành phần lại với nhau từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Muốn làm được việc đó, bắt buộc phải dồn điền, đổi thửa hướng đến tích tụ ruộng đất, vận động người dân cùng tham gia dưới sự hướng dẫn của nhà quản lý, nhà khoa học và DN. Đồng thời với đó là cơ chế tiêu thụ, bớt tiểu ngạch mà chú trọng vào các thị trường lớn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast