Biển Hà Tĩnh đang hồi sinh...

(Baohatinh.vn) - Biển là nguồn sống, là “linh hồn” của những người con vùng biển bao đời. Sau gần 4 tháng xảy ra sự cố môi trường ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), hiện tượng hải sản sinh sôi mạnh ở một số ngư trường vùng lộng đang là tín hiệu mừng về sự hồi sinh của biển.

bien ha tinh dang hoi sinh

Biển Kỳ Xuân đã có những dấu hiệu hồi sinh.

Chúng tôi xuống bãi biển Kỳ Xuân (Kỳ Anh) vào một trưa tháng 7 nắng như đổ lửa. Cát dưới chân bỏng rát, gió rin rít mang vị mặn mòi của biển bám vào thịt da. Bất chợt ngư dân Hồ Xuân Định (xóm Xuân Thắng) chỉ tay về hướng biển: “Cô chú có thấy luồng nước màu trắng kia không? Là cá ve đấy!”. Phía xa, mặt biển ánh lên như dát bạc. Càng lúc, luồng nước bạc khổng lồ càng tiến gần về phía bờ. Một cảnh tượng chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến. Cá nhiều vô kể. Những con cá ve ánh bạc kéo vào gần bờ, cứ dập dềnh theo con sóng.

Với kinh nghiệm của một người hơn 40 năm làm bạn cùng biển, ông Định cho biết: “Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm là mùa của cá trích, cá ve, cá cơm và ruốc (tép biển). Cứ vào mùa là các loại hải sản lại sinh sôi, chúng thường đi từng đàn, có khi ước đến hàng tấn. Từ đợt xảy ra sự cố môi trường biển đến nay, tình hình đánh bắt và tiêu thụ của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng cũng vì mấy tháng con người không đánh bắt mà các loài càng sinh sôi, nảy nở. Đợt này, cá và tép biển vào tận bờ, đứng ở mép biển cũng có thể thả câu được”.

Những gì chúng tôi tận mắt chứng kiến đã phần nào chứng minh lời của ông Định. Đứng trên bờ nhìn ra phía xa xa, theo hướng ông chỉ, từng đàn hải âu đang chao lượn.

bien ha tinh dang hoi sinh

Ngư dân Hồ Xuân Định phấn khởi trước sự sinh sôi của các loại hải sản, tạo động lực để tiếp tục vươn khơi bám biển.

Ông Nguyễn Đức Khánh - bạn thuyền của ông Định giải thích: “Hoa tiêu” đấy! Khi đi biển, chúng tôi thường quan sát xem nơi nào có nhiều séo (tên người dân địa phương dùng để gọi chim hải âu - PV) bay sát mặt nước là biết nơi đó có nhiều tôm, cá để quăng lưới”.

Theo ngư dân Kỳ Xuân, thời gian gần đây, không chỉ có các loài cá nhỏ như trích, ve, mu, tép biển xuất hiện nhiều, mà những loại cá lớn, có giá trị kinh tế như cá kình, hay các loài hải sản sống ở tầng đáy vốn là đặc sản của vùng biển này như tôm hùm, cụp (cua đá) cũng rất nhiều. “Đặc biệt là còn xuất hiện loài sứa đỏ - một loài hải sản rất hiếm. Sứa là loài rất nhạy cảm, chúng thường di chuyển theo con nước và chỉ sống được trong môi trường nước biển sạch. Kết luận về độ an toàn của nước biển là việc của cơ quan chức năng, nhưng theo kinh nghiệm của ngư dân chúng tôi thì nếu nước biển nhiễm độc nặng, các loài hải sản không thể sinh sôi nhiều như vậy được, nhất là những loài nhạy cảm với môi trường sống” - ông Khánh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số vùng biển khác ở Kỳ Anh, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân… cũng có hiện tượng hải sản sinh sôi hàng loạt và kéo vào sát bờ. Anh Nguyễn Văn Quang (TP Hà Tĩnh) cuối tuần qua xuống tắm biển Xuân Hải (Thạch Bằng, Lộc Hà) cho biết: “Tôi vẫn thấy yên tâm khi đưa gia đình đến tắm ở đây. Nước biển trong xanh, thỉnh thoảng lại gặp cả đàn cá nhỏ, tép dô (nhảy lên khỏi mặt nước)”.

Hiện tượng hải sản sinh sôi mạnh đang mang đến tín hiệu đáng mừng cho sự hồi sinh của biển. Biển là nguồn sống, là “linh hồn” của những người con vùng biển bao đời. Từ khi xảy ra sự cố môi trường đến nay, cuộc sống của ngư dân bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. “Trong 6 ngày, thuyền của tôi ra khơi 3 chuyến, đánh được 4 tấn cá cam. Như ngày trước, đó là một thắng lợi lớn bởi cá cam có giá 100.000 đồng/kg, nhưng nay thương lái chỉ mua với giá 30.000 đồng/kg. Trừ chi phí dầu máy, nhân công thì còn lại chẳng đáng là bao. Làm chủ một con thuyền trên 300 CV, với 15 lao động trực tiếp trên thuyền, tôi chỉ mong sao biển bình yên trở lại để chúng tôi ổn định cuộc sống và sản xuất” - ông Trần Quang Lan (xóm Lê Lợi - Kỳ Xuân) trải lòng.

Lòng biển đang hồi sinh. Tuy vẫn còn nhiều gian khó nhưng với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành và sự chịu thương chịu khó, luôn vững vàng trước sóng gió, người dân miền biển nói chung, ngư dân Hà Tĩnh nói riêng sẽ vững tay chèo, tiếp tục ra khơi bám biển để “thuyền ta lại về cho cá bạc đầy khoang”…

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast