Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Các chỉ số môi trường đều trong ngưỡng cho phép!

(Baohatinh.vn) - Trước tình trạng cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung, chiều nay (23/4), tại Hà Tĩnh, Đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo 4 tỉnh (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế), Bộ TN&MT và các đơn vị thuộc ngành để nghe báo cáo ban đầu về hiện tượng bất thường này.

>> Vùng biển Hà Tĩnh không còn hiện tượng cá chết hàng loạt!

Cùng dự về phía Hà Tĩnh có Ủy viên dự khuyết BCH T. Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Bộ NN&PTNT sẽ cùng Bộ TN&MT, các cơ quan liên quan tiếp tục xem xét, sớm tìm ra nguyên nhân.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Bộ NN&PTNT sẽ cùng Bộ TN&MT, các cơ quan liên quan tiếp tục xem xét, sớm tìm ra nguyên nhân.

Sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, các ngành chức năng đã cử đoàn thu 42 mẫu cá, 34 mẫu nước, 7 mẫu trầm tích phân tích, tìm nguyên nhân. Theo kết quả quan trắc và phân tích của các cơ quan hữu quan, bước đầu xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt không phải do dịch bệnh nguy hiểm và vi rút gây nên.

Ông Trần Đình Du - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình: “Sở khuyến cáo ngư dân giảm dần khai thác ven bờ, tìm ngư trường mới đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, điều ngư dân lo lắng nhất bây giờ là thị trường tiêu thụ bị ứ đọng”

Ông Trần Đình Du - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình: “Sở khuyến cáo ngư dân giảm dần khai thác ven bờ, tìm ngư trường mới đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, điều ngư dân lo lắng nhất bây giờ là thị trường tiêu thụ bị ứ đọng”

Ngành chuyên môn đã phân tích các chỉ số môi trường thông thường và cho thấy các tiêu chí không vượt ngưỡng (ngoại trừ vài mẫu cục bộ ở Thừa Thiên Huế).

Nhận định ban đầu được các nhà chuyên môn đưa ra có thể cá chết do một số loại độc tố gây ra. Tuy nhiên, để tìm ra độc tố gì thì chưa kết luận được. Các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, tìm nguyên nhân trong thời gian sớm nhất có thể.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: Đường ống xả thải của Formosa có thiết kế, hợp pháp và được Bộ TN&MT cho phép. Tuy nhiên, việc được phép chạy đường ống ngầm, xả thải với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không là hai chuyện khác nhau. Vấn đề này đang được kiểm tra, làm rõ.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: Đường ống xả thải của Formosa có thiết kế, hợp pháp và được Bộ TN&MT cho phép. Tuy nhiên, việc được phép chạy đường ống ngầm, xả thải với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không là hai chuyện khác nhau. Vấn đề này đang được kiểm tra, làm rõ.

Tại buổi làm việc, các nhà chuyên môn khuyến cáo các địa phương cần chủ động các giải pháp xử lý môi trường vùng có cá chết; đối với các vùng nuôi, tạm thời ngừng lấy nước biển vào hồ nuôi; không sử dụng cá chất làm thực phẩm dưới mọi hình thức; tùy theo các điều kiện của từng địa phương, các tỉnh cần chủ động các phương án chỉ đạo sản xuất phù hợp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp theo Công văn 3179 ngày 21/4/2016 của ngành.

Bộ NN&PTNT sẽ cùng Bộ TN&MT, các cơ quan liên quan sớm tìm ra nguyên nhân. Bộ NN&PTNT sẽ xét nghiệm các yếu tố sinh học kiểm tra tảo độc và các yếu tố sinh học khác liên quan (các độc tố khác Bộ đã lấy mẫu, sẽ độc lập, kiểm nghiệm, cung cấp cho Bộ TN&MT).

Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế, khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi trồng sản xuất, khai thác; tăng cường kiểm tra, giám sát để người dân được sử dụng sản phẩm thủy hải sản an toàn. Trung ương sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương quan trắc môi trường thường xuyên. Không vì sự việc này làm gián đoạn sản xuất, khai thác.

Về NTTS, căn cứ quan trắc môi trường trên biển ổn định thì hướng dẫn người dân lấy nước thả nuôi để đảm bảo thời vụ...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast