Các mẫu bệnh phẩm lợn chết ở Kỳ Anh âm tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi

(Baohatinh.vn) - Mặc dù theo kết quả của Cơ quan Thú y vùng III vừa gửi về, mẫu bệnh phẩm lợn chết ở thôn Nam Phong, xã Kỳ Phong âm tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, tại cuộc họp bổ cứu các giải pháp chống dịch, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xác định nguy cơ dịch bệnh rất cao, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt, hiệu quả.

Các mẫu bệnh phẩm lợn chết ở Kỳ Anh âm tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi

Chiều 28/5, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các địa phương, chủ cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại và lợn thịt tập trung trên địa bàn nhằm bổ cứu công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện Kỳ Anh có 24.214 con, trong đó chăn nuôi nông hộ, gia trại 8.508 con, chăn nuôi trang trại có 15.706 con; có 3 cơ sở giết mổ tập trung, 44 hộ giết mổ thường xuyên.

Ngày 27/5, tại hộ chị Nguyễn Thị Hằng (thôn Nam Phong, xã Kỳ Phong) nuôi 19 con lợn thịt, phát hiện 1 con bị chết, 2 con bị ốm. Cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng III xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy 3 con lợn bị ốm, bị chết. Kết quả do Cơ quan Thú y vùng III gửi về cho thấy, các mẫu bệnh phẩm âm tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi.

Các mẫu bệnh phẩm lợn chết ở Kỳ Anh âm tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh - Lê Văn Trọng báo cáo tình hình chăn nuôi, dịch bệnh liên quan đến đàn lợn.

Các đại biểu đã phân tích tình hình dịch tả lợn châu Phi ở các địa bàn trong tỉnh, trong nước thời gian qua, đồng thời giả thiết các kịch bản xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn và các giải pháp phòng chống, đối phó cụ thể.

Đánh giá tình hình hiện tại, huyện Kỳ Anh xác định nguy cơ dịch xảy ra trên địa bàn là rất cao và cần vào cuộc "chống dịch như chống giặc", đồng thời gắn trách nhiệm công tác phòng chống dịch với người đứng đầu.

Các mẫu bệnh phẩm lợn chết ở Kỳ Anh âm tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi

Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong Võ Tiến Thạch: Khi có lợn ốm, lợn chết, chính quyền địa phương đã báo cáo ngành chuyên môn và tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định

Cả hệ thống chính trị vào cuộc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; nắm diễn biến tổng đàn và chủ động phát hiện, xử lý dịch bệnh sớm khi mới xảy ra; quản lý chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn. Thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc trong môi trường chăn nuôi và tại chợ buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc, lò giết mổ tập trung theo đúng quy định.

Kiện toàn, thành lập tổ giám sát cộng đồng, tổ phản ứng nhanh; khảo sát và chọn địa điểm tiêu hủy gia súc, gia cầm bị bệnh nhằm đáp ứng yêu cầu khi có dịch xảy ra và khẩn trương tiêm phòng vắc-xin cho đàn lợn trước ngày 30/5/2019. Chủ động chuẩn bị các loại vật tư, dụng cụ, lực lượng, phương tiện tiêu hủy gia súc khi có gia súc ốm, chết và khi có dịch xảy ra theo quy định.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để hộ chăn nuôi nâng cao ý thức phòng chống dịch; người tiêu dùng hiểu rõ bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, không quay lưng với sản phẩm từ lợn. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chưa tăng và tái đàn trong thời điểm hiện tại.

Chủ đề PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast