Cần chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Hiện nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương trên cả nước đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Trước nguy cơ dịch bệnh đe doạ đàn gia súc, gia cầm, các ngành chuyên môn cùng với người chăn nuôi cần phải chủ động phòng chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.

Nguy cơ cao!

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch lợn tai xanh tại một số tỉnh phía Nam như: Quảng Nam, Long An và Quảng Trị… diễn biến phức tạp, đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính số lợn chết và tiêu hủy do mắc bệnh là gần 2.000 con.

Đến nay, khoảng 250.000 liều vắc xin tai xanh đã được cấp cho các địa phương để tổ chức tiêm phòng, bao vây ổ dịch. Điều đáng nói, dịch cúm gia cầm bắt đầu quay trở lại một số địa phương với hơn 14.000 con gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Theo đó, 6 tỉnh, thành phố tái phát dịch cúm gia cầm gồm: Điện Biên, Kiên Giang, Khánh Hòa, Hậu Giang, Tây Ninh và Quảng Nam. Hiện, các địa phương đã và đang khoanh vùng dập dịch, tuy nhiên nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát trên diện rộng rất cao.

Ở tỉnh ta, đến nay chưa phát hiện dịch tai xanh ở lợn nhưng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Thạch Môn (TP. Hà Tĩnh) làm chết và buộc phải tiêu huỷ gần 500 con. Hiện dịch cúm gia cầm được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tập trung cơ bản được không chế.

Môi trường ô nhiễm cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm
Môi trường ô nhiễm cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Ông Trần Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng: Cùng với diễn biến dịch cả nước, tình hình thời tiết có nhiều biến đổi, việc vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm gia tăng trước và sau Tết Nguyên đán, nhất là việc vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan. Trong khi đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang ở thời điểm hết miễn dịch bắt đầu cho đợt tiêm vắc-xin phòng dịch đợt 1 năm 2013. Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát cũng là nguy cơ xẩy ra dịch bệnh.

Đáng lo ngại hơn cho công tác tiêm phòng dịch cho gia cầm năm nay không được nhà nước hỗ trợ như trước, người dân phải tự bỏ tiền ra mua vắc-xin về tiêm. Do đó, công tác tiêm phòng dịch cho gia cầm chắc chắn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ sẽ đạt thấp, chất lượng hạn chế nếu không được triển khai đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ.

Chủ động phòng ngừa

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang xuất hiện mạnh ở các địa phương khác trong cả nước thì công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm nay cần được nâng cao hơn, các xã phải có người đứng đầu, đầu mối chịu trách nhiệm giám sát, kịp thời phát hiện dịch bệnh. Các địa phương đẩy mạnh công tuyên truyền vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm tích cực hưởng ứng các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, mua bán tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng. Mặt khác, người chăn nuôi cần phải thường xuyên vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại trại chăn nuôi; các cơ sở giết mổ, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vùng có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao phát dịch.

Tiêm vắc xin phòng dịch định kỳ luôn là biện pháp chủ động hiệu quả nhất
Tiêm vắc xin phòng dịch định kỳ luôn là biện pháp chủ động hiệu quả nhất

Việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển giống vật nuôi và các sản phẩm gia súc, gia cầm vào ra địa bàn phải được tăng cường và giám sát chặt chẽ. Ông Trần Trung Thuỷ - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật cho biết: Từ thực trạng trên, nguy cơ xẩy ra dịch bệnh rất cao nên trạm đã chủ động tăng cường công tác trực gác. Trước 2 người 1 ca nay tăng lên 3 người 1 ca để kiểm tra chặt chẽ, phát hiện kịp thời và ngăn chặn các trường hợp vận chuyển động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y ra vào tỉnh. Nếu phát hiện các đối tượng vận chuyển gia cầm sống và các sản phẩm từ gia cầm từ các địa phương khác ra vào tỉnh mà không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y, sẽ lập biên bản kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời điểm này, các địa phương cần tập trung chú trọng đến công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho các loại gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đây là một trong những biện pháp chủ động hữu hiệu nhất nhằm hạn chế dịch bệnh xẩy ra. Ông Nguyễn Thiện Toàn – Phó Chủ tịch UNBD xã Cầm Bình cho biết: Tiêm phòng cho gia súc, gia cầm là nhiệm vụ trọng tâm nên xã tập trung chỉ đạo quyết liệt cho công tác này. Hiện, địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể và thành lập Ban chỉ đạo cho công tác tiêm phòng được triển khai xuống tận các chi bộ và thôn xóm. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng hệ thống truyền thanh của xã để nhân dân chấp hành. Đồng thời tiến hành khảo sát toàn bộ tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn để đăng ký mua vác-xin và đến ngày 13 – 14/3 tổ chức tiêm đồng loạt.

Để công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt đồng bộ từ trên xuống. Đối với ngành chuyên môn, cần chuẩn bị đầy đủ vật tư hóa chất, các loại vắc-xin đáp ứng nhu cầu cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Bên cạnh đó, sự tăng cường kiểm tra giám sát và hướng dẫn các biện pháp pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời của ngành chuyên môn. Đặc biệt, khi phát hiện gia súc, gia cầm bị ốm chết người dân phải báo ngay với cơ quan thú y và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý tránh nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast