Cấp bách phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi

(Baohatinh.vn) - Dịch bệnh trên tôm nuôi (chủ yếu bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính) đang diễn ra hết sức phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh.

Tại Hà Tĩnh, vụ xuân hè 2014 đã thả nuôi 1.193 ha với khoảng 200 triệu con giống (đạt 58% kế hoạch), nhưng từ ngày 29/4 đến nay, phát hiện dịch bệnh đốm trắng tại 12 vùng nuôi của 10 xã thuộc 4 huyện (Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà) với tổng diện tích 37,15 ha, trong đó chủ yếu ở huyện Kỳ Anh với 33,06 ha.

Gia đình anh Trần Văn Tình (xóm 10, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) tiến hành tiêu huỷ tôm chết do bệnh đốm trắng
Gia đình anh Trần Văn Tình (xóm 10, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) tiến hành tiêu huỷ tôm chết do bệnh đốm trắng

Ngay khi dịch xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan chuyên môn, dịch bệnh đốm trắng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên địa bàn huyện Kỳ Anh, dịch bùng phát tại 5 xã: Kỳ Thư, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm, ngay lúc này, UBND các huyện ven biển và TP Hà Tĩnh cùng ngành chuyên môn cần triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp cấp bách theo tinh thần Công điện số 11 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành.

Theo đó, các địa phương cần thành lập các đoàn công tác, phân công cán bộ và thành viên BCĐ phòng, chống dịch của địa phương về các vùng nuôi kiểm tra, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn, các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng dịch, nghiêm cấm xả nước ao nuôi và tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra môi trường;

Kiểm soát thu hoạch nhanh tại các ao bị dịch có tôm đã lớn; tuyệt đối không tháo xả bớt nước để thu hoạch, không để nước và tôm nuôi bị bệnh rơi vãi ra môi trường xung quanh; chủ động trích ngân sách huyện phục vụ công tác phòng, chống dịch; tổ chức xử lý dập dịch kịp thời bằng hóa chất chlorine, tập trung các giải pháp đồng bộ, không để dịch lây lan ra diện rộng; tạm ngừng thả giống tại các vùng đang xảy ra dịch nhưng chưa được xử lý khử trùng triệt để.

Các địa phương cũng cần chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, nắm chắc tình hình, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thu mẫu tôm xét nghiệm xác định bệnh, nhất là đối với những ao có tôm chết nhưng triệu chứng chưa rõ ràng; hướng dẫn xử lý dịch bệnh và cải tạo lại ao nuôi theo đúng quy trình, đảm bảo thời gian ngắt vụ...

Về phía ngành chuyên môn là Sở NN&PTNT, khẩn trương chỉ đạo cơ quan chuyên ngành thú y tăng cường lực lượng xuống các địa phương cơ sở chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm dịch, điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở SXKD con giống, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, cơ sở nuôi tôm thâm canh tập trung; cung ứng kịp thời hóa chất chlorine phục vụ công tác xử lý môi trường.

Đồng thời với đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ quan nuôi trồng thủy sản tăng cường hướng dẫn thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chất lượng môi trường trong nuôi tôm theo quy định; thông tin kịp thời, phối hợp với ngành thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast