Cấp bách phòng chống dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công điện gửi giám đốc các sở: NN&PTNT, Tài chính; chủ tịch UBND các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TX. Kỳ Anh và TP. Hà Tĩnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm.

Từ ngày 11/4/2016 đến nay xảy ra hiện tượng tôm, cua nuôi chết với phạm vi ảnh hưởng khoảng 328,16 ha, trong đó có 304,16 ha tôm nuôi, tôm nuôi xen cua có tôm chết do dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính (chủ yếu ở huyện Kỳ Anh chiếm 39,7% và TX Kỳ Anh chiếm 58% tổng diện tích bị bệnh toàn tỉnh); có 24 ha cua nuôi bị chết đang chờ kết quả xét nghiệm.

cap bach phong chong dich dom trang hoai tu gan tuy cap tinh tren tom

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản kiểm tra ao nuôi tôm

Ngay từ trước vụ nuôi và khi dịch bệnh tôm xảy ra, UBND tỉnh, ngành chuyên môn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, cảnh báo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, kịp thời trích ngân sách tỉnh mua hóa chất xử lý, khử trùng các vùng bị dịch bệnh.

Tuy vậy, thời tiết tiếp tục diễn biến không thuận lợi, khó khăn trong việc cấp nước vào ao nuôi do ảnh hưởng của sự cố môi trường làm cá chết bất thường ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế; trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, việc kiểm soát môi trường, mầm bệnh và ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh của một bộ phận người nuôi còn hạn chế; do vậy, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan, bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Để tăng cường phòng, chống và dập tắt dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã nêu trên tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh của Bộ NN&PTNT, Quyết định số 4466/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 và Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 4/3/2016 của UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn của ngành chuyên môn; trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung cấp bách sau:

1. UBND các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh:

- Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm, trong đó, tập trung chỉ đạo khoanh vùng dịch, chủ động trích ngân sách để tổ chức xử lý dịch bệnh, không để lây ra diện rộng.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phân công cán bộ về địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh; hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, thu gom tôm, cua chết và xử lý đúng quy định; giám sát việc thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm tại các ao bị dịch bệnh trong vòng 1 - 2 ngày, nghiêm cấm xả nước ao và thủy sản nuôi bị bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường; đồng thời hướng dẫn, giám sát xử lý khử trùng khu vực nuôi bị dịch, tạm ngừng thả giống cho đến khi xử lý xong dịch bệnh, làm sạch môi trường nuôi.

- UBND cấp huyện và cấp xã chịu trách nhiệm thống kê chính xác số liệu dịch bệnh đã xảy ra trên địa bàn; báo cáo tình hình dịch bệnh kèm theo thống kê số liệu nêu trên gửi về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước ngày 30/5/2016.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh, kinh doanh thuốc thú y thủy sản trên địa bàn theo quy định.

2. Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo:

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh thủy sản, quản lý kinh doanh thuốc thú y thủy sản; báo cáo tình hình dịch bệnh, kết quả phòng chống, đồng thời tham mưu kịp thời các giải pháp bổ cứu và trình Bộ NN&PTNT hỗ trợ hóa chất xử lý dịch bệnh; cung ứng hóa chất kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Chi cục Thủy sản hướng dẫn người nuôi bị dịch bệnh sau khi đã xử lý khử trùng ao nuôi, lựa chọn đối tượng, phương thức nuôi đảm bảo an toàn; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình nuôi, chất lượng con giống; hướng dẫn sử dụng thức ăn, hóa chất, thuốc, chế phẩm sinh học; quan trắc cảnh báo môi trường; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh.

3. Sở Tài chính kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ khôi phục sản xuất kịp thời, hiệu quả.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết và tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

5. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động các hội viên, người nuôi tôm chủ động, tích cực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo các nội dung trên.

Yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã nêu trên chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc nội dung công điện này.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast