Cấp bách phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc

Theo Công điện số 29/CĐ-UBND vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành, dịch (lở mồm long móng) LMLM gia súc trên địa bàn Hà Tĩnh phát sinh từ ngày 30/8/2013 ở Cẩm Xuyên và đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát ra diện rộng tại các huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà và một số địa phương khác...

Các địa phương đang có dịch cần tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng vùng dịch và vùng có nguy cơ cao
Các địa phương đang có dịch cần tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng vùng dịch và vùng có nguy cơ cao

Để kịp thời bao vây, khống chế dập tắt dịch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương đang có dịch xây dựng phương án phòng, chống dịch cụ thể để triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp; phân công các thành viên BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và lực lượng cán bộ chuyên môn cấp huyện trực tiếp chỉ đạo tại các địa phương; tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh để tổ chức bao vây, khống chế, dập tắt dịch; lập cam kết, đánh dấu gia súc mắc bệnh để cách ly và quản lý trâu, bò mắc bệnh theo quy định, tổ chức tiêu hủy ngay số lợn mắc bệnh (nếu có).

Chính quyền các địa phương đang có dịch cần chủ động trích ngân sách địa phương và chỉ đạo người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM các tuýp: O, A, Asial để bao vây ổ dịch, xong trước 5/11/2013; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng vùng dịch và vùng có nguy cơ cao một cách nghiêm túc, hiệu quả; lập các chốt kiểm dịch, biển báo vùng dịch và tạm đình chỉ việc mua, bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, lợn tại các xã đang có dịch, đồng thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với các địa phương khác cần tăng tường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM trên các phương tiện thông tin đại chúng; thành lập tổ giám sát dịch bệnh tại các thôn/xóm; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và nơi công cộng; lập các chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát động vật, sản phẩm động vật từ vùng dịch vào địa bàn; thường xuyên rà soát tổng đàn để tiêm phòng bổ sung cho số gia súc thuộc diện phải tiêm mới phát sinh hoặc hết thời gian miễn dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh và các đơn vị liên quan phân công tất cả cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn và kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, đồng thời cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, hóa chất, vật tư, dụng cụ phục vụ phòng, chống dịch; tổng hợp diễn biến, kết quả phòng chống, tồn tại, vướng mắc, tham mưu, đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn được phân công; đồng thời đề nghị MTTQ tỉnh, các cơ quan đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động các hội viên, người chăn nuôi chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast