Chậm từ khâu lựa chọn đơn vị cung ứng xi măng!

(Baohatinh.vn) - Theo kế hoạch, năm 2014, tỉnh ta sẽ triển khai xây dựng 1.034 km giao thông nông thôn (GTNT) và kiên cố hóa 255 km kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khối lượng thực hiện vẫn hết sức khiêm tốn.

Làm giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng:

Thôn Tân An (Cẩm Bình) xây dựng đường GTNT theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh.
Thôn Tân An (Cẩm Bình) xây dựng đường GTNT theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh.

Tháng 2/2014, sau khi UBND xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) thông báo chủ trương hỗ trợ xi măng xây dựng GTNT và kênh mương nội đồng của tỉnh, bà con xóm Đồng Tiến đã tiến hành bàn bạc, thống nhất chủ trương đăng ký làm đường GTNT. Theo đó, năm 2014, xóm Đồng Tiến đăng ký làm mới 317m đường ngõ xóm và một số đoạn kênh mương, đường giao thông nội đồng do xã giao chỉ tiêu. Thế nhưng, sau gần 3 tháng triển khai chủ trương, đến thời điểm này, bà con vẫn chưa nhận được kg xi măng nào.

Ông Hồ Sỹ Đôn - Xóm trưởng xóm Đồng Tiến cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã hoàn thành việc khảo sát, phê duyệt hồ sơ thi công nhưng không biết lý do gì suốt một thời gian dài, chúng tôi vẫn chưa nhận được số lượng xi măng như đăng ký”.

Theo cán bộ phụ trách xây dựng xã Thạch Đồng Trương Quang Tuấn Anh, cả một quá trình chờ đợi thì không có xi măng, khi bà con bước vào thu hoạch lúa xuân, chuẩn bị sản xuất hè thu thì nhà phân phối mới chở xi măng về. Do thời điểm cung ứng xi măng trùng với thời vụ sản xuất nên địa phương tạm hoãn việc tiếp nhận để dồn sức cho sản xuất nông nghiệp.

Tương tự Thạch Đồng, năm 2014, xã Trường Lộc (Can Lộc) đăng ký làm 2,5 km đường GTNT, song thời điểm nhà phân phối đưa xi măng về địa phương lại trùng vào thời gian cao điểm của sản xuất nông nghiệp nên xã đành tạm hoãn kế hoạch làm GTNT. “Đợt vừa rồi, chúng tôi mới nhận thêm 40 tấn xi măng nhưng không dám phân bổ về các xóm, vì đây là thời điểm bà con làm mùa, nếu phân phát về bà con không bảo quản cẩn thận sẽ hỏng xi măng” - cán bộ địa chính xã Trường Lộc - Nguyễn Huy Hùng cho biết thêm.

Với mục tiêu từng bước xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống GTNT đảm bảo thông suốt, đồng bộ, cứng hóa, bền vững, đạt chuẩn về cấp hạng và kết nối liên hoàn với hệ thống đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo của địa phương; phấn đấu đến năm 2020, các xã trên địa bàn sẽ hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, ngày 27/1/2014, tỉnh ta tiếp tục ban hành quyết định về việc quy định cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường GTNT và kênh mương nội đồng, đồng thời ban hành kế hoạch làm đường GTNT và kênh mương nội đồng.

Theo đó, năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng 1.034 km đường GTNT và kiên cố hóa 255 km kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5/2014, các địa phương trên địa bàn mới xây dựng được 142 km đường GTNT và 5,8 km kênh mương nội đồng, con số khá khiêm tốn so với kế hoạch đề ra, nhất là khi chúng ta vừa trải qua thời điểm nông nhàn, khi các địa phương đã phát động phong trào toàn dân ra quân làm GTNT.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm tháng 2/2014, tỉnh ta đã ban hành kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các địa phương, nhưng mãi đến giữa tháng 4, chúng ta mới có quyết định lựa chọn đơn vị cung ứng xi măng làm đường GTNT và kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Quá trình đàm phán, lựa chọn đơn vị cung ứng kéo dài chính là nguyên nhân khiến việc tiếp cận xi măng của các địa phương bị chậm lại. Ngoài ra, sau khi các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tải trọng đối với các phương tiện lưu thông trên đường, quá trình vận chuyển cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Đơn vị cung ứng vừa phải chia nhỏ khối lượng để vận chuyển, vừa phải huy động thêm phương tiện mới đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Có thể khẳng định, cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng GTNT và kênh mương nội đồng là chủ trương đúng, hợp lòng dân, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai lại bộc lộ không ít vướng mắc, từ khâu lựa chọn nhà cung ứng đến quá trình vận chuyển và quy trình triển khai ở các địa phương. Để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch, trước hết, các địa phương, đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm trong quá trình tham mưu, triển khai thực hiện. Đồng thời, xây dựng, ban hành kế hoạch một cách căn cơ, phù hợp với đặc thù mỗi địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, vận động bà con tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung thi công phần nền, móng đường để khi có xi măng là có thể triển khai thi công mặt đường ngay.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast