Chế biến thành phẩm đầu ra cho lúa Đức Thọ

Trong khi ở nhiều địa phương, sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư khâu chế biến, bảo quản, hàng năm gây tổn thất một khối lượng sản phẩm không nhỏ, thì ở huyện lúa Đức Thọ, việc đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến gạo đã được triển khai từ nhiều năm nay.

Những cánh đồng lúa xuân ở Đức Thọ đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Những cánh đồng lúa xuân ở Đức Thọ đang chuẩn bị cho thu hoạch.

Từ khi được đầu tư và đi vào hoạt động đến nay, 2 dây chuyền xay xát, chế biến gạo của HTX SXKD giống và chế biến nông sản Đức Lâm, không kể ngày đêm, không phụ thuộc vào ngày mùa hay lúc nông nhàn, đều hoạt động hết công suất thiết kế. Với lượng lúa nguyên liệu chế biến bình quân mỗi ngày đạt trên 20 tấn, cùng với nguồn nguyên liệu trên địa bàn huyện Đức Thọ, HTX phải thường xuyên ký hợp đồng thu mua ở các địa phương khác trong tỉnh như: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc, Nghi Xuân và cả ở huyện lúa Yên Thành (Nghệ An).

Sản phẩm gạo của HTX Đức Lâm cũng luôn được khách hàng gần xa ưa chuộng. Mặc dù hàng ngày, dây chuyền chế biến cho ra một lượng gạo rất lớn, nhưng nhiều khi vẫn không đủ cho nhu cầu của các bạn hàng trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Tiến Tài (xã Xuân Lam - Nghi Xuân) - khách hàng thường xuyên thu mua sản phẩm gạo của HTX, cho biết: “Mặc dù vào tận Đức Thọ để nhập gạo, chi phí khá lớn, nhưng tôi vẫn chọn địa chỉ này để làm ăn lâu dài, bởi bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm ổn định, HTX luôn phục vụ chu đáo, quan tâm đến chữ tín đối với khách hàng”.

Sau nhiều năm hoạt động SXKD trong điều kiện tạm bợ, đầu năm 2013, HTX Đức Lâm được xã cho thuê gần 5.000 m2 đất tại khu quy hoạch tập trung để triển khai dự án đầu tư SXKD tổng hợp với tổng kinh phí 13 tỷ đồng, trong đó có dây chuyền chế biến gạo với công suất 15.000 tấn lúa/năm.

Để đảm bảo về số lượng và chất lượng gạo thương phẩm, giữ vững uy tín trên thương trường, HTX sẽ tiến hành liên kết và đảm nhận cung ứng giống, vật tư phân bón và bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất. Dự kiến, trong tháng 5/2013, dây chuyền sẽ hoàn thành khâu lắp đặt và đi vào hoạt động, tạo được bước chuyển mới trong lĩnh vực chế biến nông sản của địa phương.

Ông Nguyễn Bá Thanh - Phó Chủ nhiệm HTX SXKD giống và chế biến nông sản Đức Lâm phấn khởi nói: “Có được cơ ngơi phục vụ SXKD bề thế như hiện nay là nhờ chủ trương xây dựng NTM cũng như sự giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền địa phương. Niềm mơ ước từ lâu của HTX chúng tôi nay trở thành hiện thực”.

Là một địa phương thuần nông, Đức Thọ luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó chú trọng thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhằm tiếp tục nâng cao cả về năng suất, sản lượng lúa hàng năm.

“Việc đầu tư xây dựng mô hình chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch là nhu cầu thiết thực nhằm góp phần giảm thiểu tổn thất; đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và tăng giá trị sản phẩm. Vì vậy, huyện luôn thể hiện được vai trò đồng hành hỗ trợ để các mô hình phát triển đúng định hướng, góp phần cùng địa phương phát triển nền nông nghiệp bền vững” - ông Trần Hữu Bé - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết.

Hiện nay, UBND tỉnh đang triển khai thực hiện đề án đổi mới và chuyển giao công nghệ trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2025. Việc xây dựng dây chuyền chế biến gạo quy mô lớn ở Đức Thọ chính là bước khởi động có tính đột phá để tạo tiền đề và sức lan tỏa cho các mô hình tương tự phát triển trong thời gian tới trên phạm vi toàn tỉnh; góp phần thực hiện đề án, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast