Chèo thuyền thúng, ngậm hồ sơ bơi vào bờ làm thủ tục

(Baohatinh.vn) - Dù đã kiến nghị nhiều lần tại kỳ họp HĐND các cấp nhưng đến nay, vùng biển Cửa Nhượng vẫn chưa có cầu cảng cập tàu. Ngư dân muốn vào ra làm thủ tục xuất, nhập bến tại Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Nhượng, thường phải chèo thuyền thúng, thậm chí, ngậm hồ sơ vào miệng rồi bơi vào bờ. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay.

Chèo thuyền thúng, ngậm hồ sơ bơi vào bờ làm thủ tục ảnh 1

Ngư dân chèo thuyền thúng, ngậm hồ sơ vào bờ làm thủ tục. Ảnh minh họa từ internet

Có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Nhượng, thuộc Đồn Biên phòng 168 (Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh), chúng tôi mới thấy hết sự gian nan của ngư dân khi vào trạm làm thủ tục xuất, nhập bến cho tàu cá. Hầu như tàu nào cũng phải dừng cách trạm chừng 50-70m, thả thúng xuống để ngư dân chèo vào. Gió thổi mạnh, việc lắc thúng vô cùng khó khăn. Hàng chục phút, họ mới bước được lên bờ để vào trạm.

Ngư dân Nguyễn Tiến Huy (thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng) cho biết: “Hôm nay, gió còn đỡ. Có hôm gió mạnh, sóng to, lắc chừng nào thúng trôi ra xa chừng đó. Bí quá, chúng tôi phải nhảy xuống bơi vào làm thủ tục để tàu nhanh xuất bến. Không rõ, đến bao giờ tại trạm có cầu cảng để ngư dân bớt khổ. Mỗi khi ra vào trạm đăng ký, ban ngày còn an toàn, chứ ban đêm nguy hiểm lắm. Không ít bữa, thả thúng xuống, bị gió đẩy trôi dạt ra xa, tàu phải ra ứng cứu”.

Đang run bần bật vì vừa bơi dưới dòng nước lạnh, anh Nguyễn Văn Hòa, ngư dân xã Cẩm Lộc chia sẻ: “Năm ngoái, thuyền của em bị đá đâm thủng và gãy chân vịt vì cố vào sát bờ. Giờ em thường neo thuyền ở xa rồi bơi vào bờ cho nhanh”.

Cũng theo anh Hòa, việc bơi trong làn nước lạnh vào bờ để làm thủ tục ra khơi hết sức bất tiện và vất vả nhưng không còn cách nào khác, mưa nắng hay gió bão cũng phải bơi.

Chèo thuyền thúng, ngậm hồ sơ bơi vào bờ làm thủ tục ảnh 2

Ngư dân làm thủ tục xuất bến tại Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Nhượng.

Đại úy Nguyễn Mai Anh, cán bộ kiểm soát trạm – người có thâm niên ở đây, cho hay: “Chứng kiến cảnh ngư dân vất vả, khổ sở mỗi khi vào làm thủ tục đăng ký, CBCS rất cảm thông và tạo điều kiện tốt nhất. Không ít bữa, tàu về ban đêm đúng lúc gió to, sóng lớn không thể vào làm thủ tục theo quy định, trạm dùng ca-nô hướng dẫn tàu vào neo đậu tại âu thuyền, đến làm thủ tục sau”.

Cũng theo Đại úy Nguyễn Mai Anh, năm 2005, Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Nhượng làm chiếc cầu tạm bằng gỗ, giúp ngư dân thuận tiện hơn trong việc đăng ký với trạm biên phòng cũng như bảo đảm an toàn cho tàu thuyền neo đậu khi sóng to, gió lớn. Sau trận lũ lịch sử năm 2010, chiếc cầu bị cuốn trôi nên ngư dân vào ra làm thủ tục lại gian nan, vất vả.

Không có cầu tàu, công tác tuần tra, kiểm soát của Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Nhượng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các CBCS muốn kiểm tra cũng phải lội nước, bơi ra từng chiếc thuyền. Đặc biệt, một số trường hợp lợi dụng hạn chế trong công tác tuần tra của lực lượng chức năng vận chuyển các vật liệu nổ, chất cấm để đánh bắt cá. Ngoài ra, việc nhiều ngư dân trốn tránh đăng ký ra vào cửa khẩu cũng thường xuyên xảy ra, bởi họ rất ngại khi ngày nào cũng phải dầm mình trong nước sâu để trình báo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý tàu thuyền ra khơi, nhất là trong mùa mưa bão.

Việc xây dựng hệ thống cầu tàu phục vụ tuần tra, kiểm soát ra vào cửa khẩu lúc này là rất cấp bách, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề bởi đây được xem là cây cầu dân sinh, có ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến QPAN; phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân đi biển. Năm nào tại kỳ họp HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên cũng kiến nghị xây dựng cầu tàu cho ngư dân; đề án xây dựng cầu tàu cũng đã được huyện trình các cấp thẩm quyền xem xét, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Và hàng trăm ngư dân vùng biển huyện Cẩm Xuyên vẫn phải gian nan, vượt ải bất trắc để ra vào làm thủ tục xuất bến.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast