Chính sách dịch vụ môi trường rừng tạo nguồn tài chính quan trọng

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (20/9), Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành.

Chính sách dịch vụ môi trường rừng tạo nguồn tài chính quan trọng ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các đơn vị thụ hưởng chính sách; tổ chức thẩm định quy hoạch theo quy định

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chính sách DVMTR đã khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định. Cùng với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập một nguồn tài chính mới ngoài ngân sách mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác bảo vệ rừng, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của những người làm nghề rừng và đồng bào dân tộc; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tuy vậy, quá trình thực hiện chính sách thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Nhiều tỉnh chưa huy động hết các nguồn thu, tỷ lệ giải ngân thấp, mức chi trả có sự chênh lệch giữa các địa phương,…

Thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả nhất định như: Thành lập được Ban chỉ đạo triển khai thực hiện; ban hành quy chế hoạt động; thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chính sách DVMTR; tổ chức tuyên truyền, tập huấn chính sách cho các đối tượng có liên quan; xác định, thống kê, phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách; ký kết hợp đồng ủy thác chi trả, thu tiền chi trả; ký cam kết quản lý bảo vệ rừng cung ứng DVMTR,…

Đặc biệt, Hà Tĩnh là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên thực hiện được nguồn thu từ nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ rừng từ du lịch.

Tuy nhiên, đây là chính sách mới nên quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, nguồn thu tiền DVMTR trên địa bàn Hà Tĩnh rất thấp, bình quân chỉ đạt 2,8 tỉ đồng/năm chủ yếu từ 3 nhà máy thủy điện, 6 cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tính hợp lý, đúng đắn và tầm quan trọng của Chính sách DVMTR. Chính sách từng bước nâng cao nhận thức của các đối tượng sử dụng DVMTR, tạo ra nguồn tài chính quan trọng, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn…

Ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị trong việc thực hiện Nghị định của Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế trong triển khai thực hiện Chính sách như việc xác định đối tượng chi trả cụ thể chưa đầy đủ, tỷ lệ giải ngân thấp,…

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện các băn bản quy phạm pháp luật; Bộ NN&PTNT cần thành lập đoàn kiểm tra, giám sát và đánh giá theo định kỳ, hướng dẫn các địa phương thành lập các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; tiếp thu ý kiến của địa phương về mức chi trả, mức thực hiện chi trả…; tăng cường công tác kiểm tra giám sát.

Phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các đơn vị thụ hưởng chính sách; tổ chức thẩm định quy hoạch theo quy định; đánh giá chất lượng rừng để thực hiện mức giá hợp lý; hoàn thành các đề án giao đất gắn với giao rừng, cấp giấy chứng nhận QSDĐ để thực hiện chính sách có hiệu quả; thực hiện giải ngân tiền chi trả đúng quy định, kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast