Chờ vắc-xin, lo dịch bệnh!

(Baohatinh.vn) - Đang vào thời điểm “nhạy cảm” về dịch bệnh nhưng hiện nay, Bộ NN-PTNT vẫn chưa cấp vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) để tỉnh tiêm phòng cho gia súc theo kế hoạch. Chưa có vắc-xin LMLM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nỗi lo dịch bệnh có thể xẩy ra, khó khăn trong công tác phòng chống...

Chờ... vắc-xin

Theo kế hoạch của tỉnh, các địa phương sẽ tập trung triển khai tiêm vắc-xin vụ xuân cho đàn gia súc từ giữa tháng 3 cho đến ngày 15/4, với các loại dịch bệnh: LMLM, tụ huyết trùng và dịch tả lợn... Nằm trong chương trình quốc gia khống chế bệnh LMLM gia súc giai đoạn 2011–2015 nên người chăn nuôi được cấp hoàn toàn vắc-xin. Trong đó, ngân sách T.Ư cấp 100% đối với vùng khống chế; 50% ngân sách T.Ư và 50% ngân sách tỉnh đối với vùng đệm.

Tiêm vắc-xin định kỳ là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh cho gia súc.
Tiêm vắc-xin định kỳ là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh cho gia súc.

Hiện nay, công tác tiêm phòng cho gia súc đã và đang được các địa phương triển khai quyết liệt nhưng vắc-xin LMLM chưa có đủ để tiêm theo nhu cầu. Hiện toàn tỉnh mới tiêm được gần 30.000/192.000 liều vắc-xin LMLM cho đàn trâu bò. Đây là số vắc-xin đa type A còn lại được T.Ư cấp cho tỉnh để tiêm phòng bao vây, khống chế dịch bệnh LMLM xẩy ra vào tháng 10/2013.

Theo ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, do năm 2013, dịch LMLM xẩy ra trên địa bàn tỉnh với dương tính vi-rút type A, trong khi đó, đàn gia súc đều được tiêm vắc-xin LMLM phòng chống vi-rút type O. Vắc-xin LMLM đa type (O, A, Asia1) phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao gấp nhiều lần so với vắc-xin type O. Để giảm chi phí, năm 2014, Bộ NN-PTNT có kế hoạch sản xuất loại vắc-xin nhị giá (type O&A) cung ứng cho một số tỉnh khu vực miền Bắc. Ngay từ đầu năm, tỉnh cũng đã trình Bộ NN-PTNT số lượng vắc-xin LMLM nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có.

Lo dịch bệnh

Sau khi tiêm xong vắc-xin H5N1 cho đàn gia cầm, các địa phương vùng khống chế và vùng đệm triển khai tiêm tụ huyết trùng cho trâu, bò, lợn và dịch tả lợn. Riêng 30.000 liều vắc-xin LMLM đa type chia cho các địa phương đến nay đã tiêm hết. Ông Phạm Đào Tịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho hay: Là địa phương có tổng đàn trâu, bò khá lớn (trên 17.000 con) nên được tỉnh ưu tiên cấp 5.600 liều vắc-xin LMLM đa type. Số vắc-xin trên huyện phân bổ về các xã trọng điểm và đã tổ chức tiêm xong.

Theo Chi cục Thú y tỉnh thì có khả năng đầu tháng 4, vắc-xin LMLM mới được T.Ư cấp về. Trong khi đó, kế hoạch của huyện sẽ hoàn thành tiêm phòng cho đàn gia súc vào cuối tháng 3 này. Vắc-xin LMLM chưa có sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ tiêm phòng cho gia súc, bởi huyện tổ chức tiêm theo hình thức “cuốn chiếu”. Một lần tổ chức, xã phải vào cuộc với mọi nguồn nhân lực và liên quan đến kinh phí hoạt động. Nếu tổ chức tiêm phòng nhiều lần sẽ gây khó khăn cho xã và cả người chăn nuôi. Mặt khác, LMLM là một trong những bệnh nguy hiểm thường gặp nên nếu chưa có vắc-xin thì nguy cơ xẩy ra dịch bệnh là rất cao.

Để chủ động đối phó, Cẩm Xuyên chỉ đạo quyết liệt các địa phương khẩn trương tiêm phòng các loại dịch bệnh cho gia súc; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, nhất là đối với trâu bò; cán bộ thú y cơ sở bám sát địa bàn để phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý kịp thời...

Cùng nỗi lo trên, Can Lộc có hơn 22.000 con trâu bò nhưng hiện mới tiêm được 4.000 liều vắc-xin LMLM tại các xã Thanh Lộc, Thường Nga, Gia Hanh, Yên Lộc. Trước tình trạng trên, huyện tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời cấp 662 lít hóa chất cho các xã tiến hành phun tiêu độc khử trùng; tổ chức vệ sinh môi trường tại các khu vực có mật độ chăn nuôi cao, chợ, lò giết mổ...

“Việc các địa phương chủ động phòng ngừa dịch bệnh khi chưa có đủ vắc-xin tiêm phòng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì gia súc vẫn phải được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ” - ông Phạm Thanh Bình khẳng định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast