Chủ động kiểm soát và khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm

(Baohatinh.vn) - Sáng 25/2, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tổ chức hội nghị triển khai Đề án Phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm; kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2014; bổ cứu công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn dự và chỉ đạo hội nghị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung cao dập dịch; đối với 2 huyện Cẩm Xuyên và Can Lộc, phải hoàn thành tiêm phòng vắc-xin chậm nhất là 28/2/2014
Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung cao dập dịch; đối với 2 huyện Cẩm Xuyên và Can Lộc, phải hoàn thành tiêm phòng vắc-xin chậm nhất là 28/2/2014

Tại hội nghị, ngành nông nghiệp trình bày báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Phần lớn các ý kiến đều đồng tình với đánh giá: năm 2013, tình hình chăn nuôi và NTTS có bước phát triển lớn, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi liên kết, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, tình hình diễn bên các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản phức tạp, tồn tại nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Theo kế hoạch, tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm năm 2014 được tổ chức thực hiện trên 100 % số gia súc, gia cầm trong diện tiêm trên địa bàn toàn tỉnh; thời gian tiêm phòng tập trung trong 2 đợt chính (đợt 1 từ 25/2 - 15/4/2014, đợt 2 từ 1/8 - 20/9/2014:, ngoài ra còn tổ chức tiêm bổ sung.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Đề án “Phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm đến năm 2020” được triển khai nhằm chủ động kiểm soát và khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm thường gặp, phấn đấu đạt mục tiêu Chương trình quốc gia về phòng, chống các loại dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nuôi tôm góp phần hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Ở giai đoạn 1 (2014-2015), đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi 12 huyện, thành phố, thị xã; trong đó ưu tiên nguồn lực thí điểm tại 22 xã.

Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại tỉnh ta, dịch cúm đang xuất hiện tại 10 hộ/4 thôn/3 xã thuộc các huyện Cẩm Xuyên và Can Lộc làm 2.143 con gia cầm chết và buộc phải tiêu hủy.

Cán bộ thú y tiêm vắc - xin cho gia cầm tại xã Thuần Thiện (Can Lộc)
Cán bộ thú y tiêm vắc - xin cho gia cầm tại xã Thuần Thiện (Can Lộc)

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng công tác phòng chống dịch trên đàn vật nuôi và thủy sản trong thời gian qua nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Thời gian tới, đề nghị toàn hệ thống chính trị thống nhất triển khai quyết liệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với giá trị gia tăng cao, gắn với nông thôn mới, trong đó trọng tâm là phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng liên kết chăn nuôi vừa và nhỏ gắn với an toàn dịch bệnh.

Ngành chuyên môn, các địa phương triển khai có hiệu quả đề án “Phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm đến năm 2020”, đảm bảo tiêu chí trên diện rộng và đúng thực tiễn.

Đối với công tác dập dịch cúm gia cầm, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung cao dập dịch; đối với 2 huyện Cẩm Xuyên và Can Lộc, phải hoàn thành tiêm phòng vắc-xin chậm nhất là 28/2/2014; các vùng khống chế còn lại đến 5/3 sẽ kết thúc. Cùng đó, cần phát động tiêu độc khử trùng trên toàn tỉnh kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền một cách công khai, giúp người dân hiểu rõ tình hình và có cách phòng chống dịch an toàn...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast