Chuyên nghiệp hóa dịch vụ cơ giới trong sản xuất nông nghiệp

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, cơ giới hóa được coi là thế mạnh, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp ở Can Lộc. Hiện nay, huyện đang phấn đấu để từng bước chuyên nghiệp hóa dịch vụ cơ giới.

Chuyên nghiệp hóa dịch vụ cơ giới trong sản xuất nông nghiệp ảnh 1

Can Lộc phấn đấu đạt trên 95% cơ giới hóa khâu làm đất.

Theo ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc, cơ giới hóa đã trở thành nhu cầu tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của người dân, góp phần giải quyết khó khăn về lao động, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường… Đến thời điểm này, toàn huyện có gần 3.000 máy làm đất, gần 60 máy gặt đập liên hợp và hàng ngàn máy gặt nhỏ. Tỷ lệ cơ giới hóa đạt 95% trong khâu làm đất; 90% khâu thu hoạch và trên 95% khâu vận chuyển; cao hơn nhiều so với bình quân chung cả tỉnh.

Ông Mai Khắc Tám, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc so sánh: Trước đây, tỷ lệ cơ giới hóa của xã dưới 50%, mỗi vụ làm đất hoặc gặt phải mất trên 20 ngày, nhưng nay, khi cơ giới hóa đạt 100%, thời gian làm đất hoặc thu hoạch chỉ còn dưới 10 ngày; chưa kể đến những tác dụng ưu việt khác trong sử dụng máy móc.

Có được kết quả trên, Can Lộc đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo và hiệu quả. Trong đó, chuyển đổi ruộng đất được thực hiện khá thành công, tạo điều kiện thuận lợi để cơ giới hóa. Sau 2 lần chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, toàn huyện từ trên 200.000 thửa giảm còn trên 60.000 thửa, diện tích mỗi thửa tăng lên nhiều lần. Cùng với đó, huyện ưu tiên lồng ghép các chính sách hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh, huyện và các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục vay vốn tín dụng và hỗ trợ lãi suất để khuyến khích người dân mua sắm máy.

Đến thời điểm này, ngoài chính sách của T.Ư và tỉnh, huyện Can Lộc đã hỗ trợ gần 4 tỷ đồng cho người dân mua máy; doanh số cho vay đạt 21 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất cho 232 hộ mua máy với hàng trăm triệu đồng…

“Hiện nay, nhu cầu mua sắm máy móc vẫn tăng cao, đặc biệt là các xã “đi sau”. Vì vậy, huyện tiếp tục tranh thủ các chính sách, đồng thời, nghiên cứu, bổ sung chính sách khuyến khích người dân mua sắm máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất; từng bước hoàn thiện quy trình cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, vận chuyển và chế biến sản phẩm trồng trọt trên quy mô toàn huyện; tạo đà cho việc cơ giới hóa, tự động hóa trong lĩnh vực chăn nuôi”, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc - Võ Hữu Hào cho biết.

Cũng theo lãnh đạo huyện, khi số lượng máy trên địa bàn ngày một nhiều, Can Lộc đang triển khai hỗ trợ các địa phương thành lập HTX, tổ hợp tác quản lý máy nông nghiệp để đảm nhận dịch vụ làm đất và thu hoạch cho nhân dân; hỗ trợ đào tạo kỹ năng sử dụng và bảo dưỡng máy; hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác làm chủ địa bàn, khuyến khích mở rộng thị trường ra ngoài huyện, ngoài tỉnh để khai thác hết công năng, hiệu quả của máy móc, tăng thu nhập và từng bước chuyên nghiệp hóa dịch vụ cơ giới trong sản xuất nông nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast