Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chúc Alâm cảnh bế tắc

Chưa bao giờ hoạt động của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chúc A (Hương Khê) lại lâm vào bế tắc như hiện nay. “Kể từ tháng 8/2013 đến nay, Công ty vẫn còn nợ lương CBCNV” - Giám đốc Dương Văn Thắng ngậm ngùi. Nan giải hơn, đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán trên.

“Phát triển kinh tế và bảo vệ rừng bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt đối với hoạt động của đơn vị, nhưng từ đầu năm đến nay, Công ty mới chỉ có 108 triệu đồng từ công tác bảo vệ 15.200 ha rừng. Muốn đầu tư mở rộng SXKD phải có vốn. Nhưng làm thế nào để vay vốn ngân hàng trong khi đất không có bìa đỏ và nếu là bìa đỏ của một đơn vị bảo vệ rừng cũng chẳng có ngân hàng nào cho vay” - Giám đốc Dương Văn Thắng rầu rĩ.

Quản lý lỏng lẻo nên nhiều diện tích rừng ở Hương Khê bị lấn chiếm trái phép
Quản lý lỏng lẻo nên nhiều diện tích rừng ở Hương Khê bị lấn chiếm trái phép

Cũng chính vì vậy, đội ngũ CBCNV của Công ty từ chỗ 150 người (năm 2011) nay chỉ còn 36 người (trong đó có 24 bảo vệ rừng và 12 người làm việc hành chính). Năm 2011, mức thu nhập bình quân của người lao động từ 3-3,5 triệu đồng/tháng, nay đã giảm khá nhiều. Đặc biệt, từ tháng 8 đến nay, Công ty vẫn chưa tìm được nguồn nào để trả lương cho người lao động. Trước đây, mọi hoạt động đều trông chờ vào khoản tiền phần trăm thu được từ việc khai thác gỗ 2-3 tỷ đồng. Nay nguồn thu này không còn do việc khai thác gỗ đã bàn giao cho người trúng thầu nên Công ty rất khó cầm cự…

Công ty cũng đã tìm mọi cách để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp (DN) khác nhằm khơi thông bế tắc theo phương thức “hai bên cùng có lợi”. Một trong những DN được lựa chọn là Công ty CP Dược Hà Tĩnh nhưng mối “tơ duyên” này không thành. Bởi “địa hình Công ty quản lý có độ dốc quá lớn nên việc triển khai trồng dược liệu phục vụ nhà máy sản xuất thuốc khó thực hiện” - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dược - Võ Đức Nhân khẳng định.

Hạn chế về địa hình là một yếu tố bất lợi với DN này nhưng lại là một cơ hội với DN khác khi phần lớn diện tích nằm khá xa khu dân cư nên việc triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn hoàn toàn không làm ô nhiễm môi trường. Một phương án khác cũng được DN tính đến là “bắt tay” với Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, triển khai xây dựng ít nhất 2 mô hình chăn nuôi lợn có quy mô lớn tập trung tại khu vực rừng thuộc DN quản lý. Tuy nhiên, theo lời ông Thắng thì “tới đây, hai bên sẽ cùng nhau thảo luận, còn hiện tại chưa thể nói được điều gì”.

Mong muốn của DN trong giai đoạn hiện nay là cần sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía. Trong đó cần có chính sách ưu tiên mở rộng diện tích trồng rừng nguyên liệu tập trung; tạo điều kiện thuận lợi về hỗ trợ vốn để triển khai dự án cải tạo rừng nghèo kiệt; đầu tư thâm canh cây dược liệu dưới tán lá rừng; dự án gây giống rừng; nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp, lâm sản gỗ, dịch vụ chất lượng rừng… Từ đó, xác định Công ty sẽ là “đầu kéo” tích tụ đất nông nghiệp để thực hiện các dự án trồng rừng có quy mô lớn, đồng thời thiết lập các mối liên doanh, liên kết với các DN khác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast