"Cú hích” để người nuôi tôm huyện Kỳ Anh tiến tới thâm canh công nghệ cao

(Baohatinh.vn) - Hấp thụ chính sách của HĐND huyện, nhiều hộ nuôi tôm ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tiếp tục triển khai vỗ bờ xi măng, kiên cố hóa ao nuôi. Đó là “cú hích” để bà con mạnh dạn đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao năng suất và sản lượng trong nuôi tôm.

Sau hơn 17 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, đến năm 2021, ông Nguyễn Xuân Linh ở thôn Mỹ Liên, xã Kỳ Văn vẫn trung thành với hình thức nuôi quảng canh khi đầu tư hạn chế, được chăng hay chớ, thu nhập bấp bênh. Bước ngoặt trong nghề nuôi tôm của ông Linh được bắt đầu từ vụ nuôi xuân hè năm nay khi đăng ký nhận hỗ trợ vốn theo Nghị quyết 105/NQ-HĐND ngày 5/1/2021 của HĐND huyện Kỳ Anh về khuyến khích phát triển sản xuất (50 triệu đồng/ha) để đầu tư vỗ bờ toàn bộ diện tích 1,26 ha hồ nuôi của gia đình.

Cú hích” để người nuôi tôm huyện Kỳ Anh tiến tới thâm canh công nghệ cao

Ông Nguyễn Xuân Linh kiểm tra vận hành hệ thống quạt nước vừa được đầu tư

Với mức hỗ trợ 50 triệu đồng để vỗ bờ xi măng cho 1 ha hồ nuôi, sau khi nghiệm thu công trình, ông Linh được hỗ trợ 63 triệu đồng trên tổng số kinh phí 130 triệu đã bỏ ra để đầu tư vỗ bờ cho toàn bộ diện tích hồ nuôi của mình.

Từ chỗ vá víu tạm bợ, cứ sau mỗi trận mưa là bị sụt lún, sạt lở, xuống cấp, hiện toàn bộ bờ bao hồ nuôi của ông Linh đã được bê tông hóa rộng rãi, vững chắc.

Cú hích” để người nuôi tôm huyện Kỳ Anh tiến tới thâm canh công nghệ cao

Khu vực ao nuôi tôm của gia đình ông Linh khang trang hơn sau khi được đầu tư vỗ bờ xi măng và các hạng mục phụ trợ.

Đặc biệt, khi bờ bao được kiên cố, ông Linh đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp hình thức nuôi từ quảng canh sang bán thâm canh với nhiều hạng mục đồng bộ như: hệ thống quạt nước, giếng khoan, máy bơm, sửa chữa ao lắng… với tổng trị giá trên 270 triệu đồng.

Với việc đầu tư đồng bộ, đảm bảo các yếu tố nuôi tôm theo hướng bán thâm canh, vụ nuôi xuân hè này, lần đầu tiên ông Linh thả nuôi hơn 1 triệu con tôm giống trên 1,26 ha. Trước đó, cũng với diện tích này, nuôi quảng canh chỉ từ 30 - 50 vạn con giống.

Cú hích” để người nuôi tôm huyện Kỳ Anh tiến tới thâm canh công nghệ cao

Vụ xuân hè này, lần đầu tiên ông Linh thả nuôi trên 1 triệu con tôm giống trên 1,26 ha ao nuôi của mình, cao gấp hơn 2 lần so với trước khi đầu tư nuôi bán thâm canh.

Ông Nguyễn Xuân Linh cho biết: “Năm nay, chính sách hỗ trợ đã tạo động lực quan trọng để gia đình mạnh dạn đầu tư vỗ bờ xi măng, sửa sang ao hồ và đặc biệt là mạnh dạn đầu tư các hạng mục, thiết bị để chuyển hình thức nuôi từ quảng canh sang bán thâm canh, nâng cao thu nhập và phát triển nghề nuôi một cách bền vững”.

Tiếp cận chính sách sớm hơn ông Nguyễn Xuân Linh, từ vụ xuân hè năm 2021, ông Phạm Quốc Chinh ở thôn Bắc Hải, xã Kỳ Hải đã nhận được số tiền hỗ trợ 32 triệu đồng cho việc vỗ bờ 7.000 m2 hồ nuôi. Ông Chinh đã mua sắm, củng cố lại toàn bộ hệ thống điện lưới, quạt nước, nhà kho, hộp tôn bảo quản động cơ điện… để hướng tới nuôi thâm canh công nghệ cao.

Cú hích” để người nuôi tôm huyện Kỳ Anh tiến tới thâm canh công nghệ cao

Ao nuôi của ông Phạm Quốc Chinh (người đứng giữa) sau khi chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh trong vụ nuôi 2021.

Ông Chinh cho biết: “Việc đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa bờ bao và các hạng mục trong hệ thống hạ tầng ao nuôi sẽ nâng cao chất lượng sản xuất thâm canh lên một bước mới. Không chỉ tránh được tình trạng sụt lún, xói lở bờ bao, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ mà các điều kiện về an toàn dịch bệnh cũng tốt hơn; mật độ tôm nuôi cũng được nâng lên nhiều lần, giúp gia đình nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, chúng tôi cũng dần hình thành tác phong công nghiệp khi triển khai công việc”.

Xã Kỳ Hải có trên 100 ha ao nuôi tôm, trong đó, vùng nuôi thâm canh có diện tích 33 ha với 106 hộ nuôi. Cùng với tranh thủ sự hỗ trợ chính sách từ Nghị quyết 105/NQ-HĐND để đầu tư củng cố, nâng cấp, đồng bộ hóa hạ tầng vùng nuôi, vụ nuôi xuân hè năm nay, xã đầu tư thêm 1,1 tỷ đồng để đắp đê bao, cải tạo ao chứa, đồng thời vận động người nuôi đầu tư nâng cấp các hạng mục phục vụ phát triển nuôi bán thâm canh và thâm canh.

Cú hích” để người nuôi tôm huyện Kỳ Anh tiến tới thâm canh công nghệ cao

Gia đình ông Chinh tiếp tục đầu tư nâng cấp một số hạng mục trong hệ thống ao nuôi trước khi thả nuôi vụ xuân hè 2022.

Chính sách từ Nghị quyết 105/NQ-HĐND tiếp tục được bà con tiếp cận, hấp thụ nhiều hơn. Từ kết quả của 4 hộ đã sử dụng tiền từ chính sách này đầu tư vỗ bờ và nâng cấp tổng thể hạ tầng ao nuôi, mang lại hiệu quả cao trong năm 2021, xụ xuân hè năm nay, toàn xã Kỳ Hải có thêm 18 hộ đã triển khai đầu đăng ký thực hiện chính sách đầu tư vỗ bờ.

Ông Nguyễn Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hải cho biết: “Người nuôi tôm cũng như lãnh đạo địa phương hết sức phấn khởi khi đang tập trung thực hiện chủ trương phát triển nuôi tôm thành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế thì cùng lúc Nghị quyết 105/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển sản xuất được ban hành và đã hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả”.

Cú hích” để người nuôi tôm huyện Kỳ Anh tiến tới thâm canh công nghệ cao

Nhiều hộ nuôi tôm của xã Kỳ Thọ cũng đã tiến hành vỗ bờ xi măng ao nuôi theo chính sách 105 của huyện.

Vụ xuân hè năm nay, tổng diện tích nuôi tôm toàn huyện Kỳ Anh đạt 489 ha. Hiện có 34 hộ đã và đang triển khai vỗ bờ ao nuôi theo Nghị quyết 105/NQ-HĐND của HĐND huyện. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Trần Bá Toàn, với mức hỗ trợ khá cao, thủ tục giải ngân đơn giản và hiệu quả rõ rệt, chính sách của Nghị quyết 105/NQ-HĐND đã được sự tiếp nhận rộng rãi của người sản xuất.

Theo đó, nếu như năm 2021 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 105/NQ-HĐND, toàn huyện mới giải ngân kinh phí hỗ trợ đầu tư vỗ bờ 180 triệu thì năm 2022, dự kiến sẽ hỗ trợ người nuôi tôm 1,3 tỷ đồng...

Cú hích” để người nuôi tôm huyện Kỳ Anh tiến tới thâm canh công nghệ cao

Nghị quyết 105/NQ-HĐND ra đời đã tạo động lực lớn để nghề nuôi tôm huyện Kỳ Anh từng bước chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh và thâm canh nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 105/NQ-HĐND, hiệu quả bước đầu đã thể hiện rất rõ. Dễ nhận thấy nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại với hàng chục mô hình nuôi tôm được chuyển từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao; dịch bệnh trên tôm giảm rõ rệt; sản lượng tôm tăng cao hơn 3,5 lần so với trước đây.

Điều quan trọng nhất là nhận thức của người nuôi tôm được nâng cao một bước; tác phong công nghiệp cũng hình thành trong các hộ nuôi… Đây là tiền đề hết sức quan trọng để hiện thực hóa được chủ trương đưa nghề nuôi tôm thành mũi nhọn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện.

Ông Trần Bá Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast