Đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp

(Baohatinh.vn) - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, sáng 11/9, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

>> Hà Tĩnh tạo được bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp

Đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Thời gian tới, tỉnh mong muốn tiếp tục được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT để tập trung phát triển thêm các loại hình sản xuất

Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn đã báo cáo tóm tắt với Đoàn về quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh quy hoạch và phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực như: chăn nuôi lợn tập trung, phát triển thủy sản mặn lợ, cá bơn, cá mú, rau củ quả, nuôi tôm công nghệ cao vùng đất cát ven biển... Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo sự đột phá mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực.

Thực hiện “Doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết quả sản xuất và xã hội hóa đầu tư”, đến nay, toàn tỉnh có gần 8.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ, chất lượng nông - lâm - thủy sản, bình quân giai đoạn 2011 – 2014 đạt 6,19%, riêng 6 tháng đầu năm 2015 đạt 7,47%. Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới đều tăng lên, bình quân đạt gần 12,08 tiêu chí/xã. Hiện toàn tỉnh đã có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay không còn xã dưới 7 tiêu chí...

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng được tỉnh hết sức chú trọng, nhất là về sản xuất giống, ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm. Nổi bật là chăn nuôi lợn siêu nạc Thái Lan; áp dụng công nghệ tiến tiến nuôi tôm trên cát, cá bơn cá mú... Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và đa dạng hơn. 8 tháng, toàn tỉnh đã thành lập mới 151 doanh nghiệp, 141 HTX, 838 tổ hợp tác, nâng tổng số 1.398 doanh nghiệp (tăng gấp 2,17 lần so với năm 2010).

Bên cạnh những kết quả đạt được, tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh chỉ mới là bước khởi đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, đa số hộ nông dân chưa tái cơ cấu lại sản xuất, vẫn kinh tế hộ nhỏ, sản xuất truyền thống; một số chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với HTX, THT và doanh nghiệp còn thiếu bền vững; tái cơ cấu ở các vùng trọng điểm lúa thâm canh còn chậm, việc gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn ít....

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cảm ơn sự quan tâm của Bộ NN&PTNT đã đồng hành với Hà Tĩnh, đặc biệt là về triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thời gian tới, tỉnh mong muốn tiếp tục được sự quan tâm của Bộ để tập trung phát triển thêm các loại hình sản xuất; có nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển các chuỗi sản xuất, tái cơ cấu lại lao động và phát triển công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Hà Tĩnh cần ứng dụng KHKT, tính toán giảm giá thành các loại sản phẩm để tạo sức cạnh tranh cao, đảm bảo VSATTP
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Hà Tĩnh cần ứng dụng KHKT, tính toán giảm giá thành các loại sản phẩm để tạo sức cạnh tranh cao, đảm bảo VSATTP

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, Hà Tĩnh là tỉnh đầu trong việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình MTQG xây dựng NTM đạt kết quả ấn tượng.

Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó, chú trọng liên kết đến vùng nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có giải pháp hướng dẫn người dân sản xuất nhỏ lẻ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời rà soát phát triển thêm các sản phẩm mới, mang lại giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, Hà Tĩnh cần ứng dụng KHKT, tính toán giảm giá thành các loại sản phẩm để tạo được sự cạnh tranh cao, đảm bảo VSATTP cho phát triển bền vững.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast