Dịch LMLM gia súc ở Cẩm Xuyên: Nguy cơ mới từ biến chủng type A

Bắt đầu từ giữa tháng 7, bệnh LMLM trên đàn gia súc ở Cẩm Xuyên kéo dài gần 4 tháng, làm nhiễm bệnh trên 417 con trâu, bò và lợn của 251 hộ, 48 thôn thuộc 17 xã, thị trấn. Điều đáng nói, một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng phát là do một loại virut biến chủng mà ngay cả trên những con gia súc đã qua thời gian miễn dịch đợt tiêm vắc xin LMLM định kỳ cũng không thể thoát khỏi…

Không nên thả rông gia súc khi chúng đang mang mầm bệnh
Không nên thả rông gia súc khi chúng đang mang mầm bệnh

So với các địa phương trong tỉnh, Cẩm Xuyên đạt tỷ lệ tiêm phòng chủng LMLM đợt 2 đạt khá cao với 99,7% kế hoạch. Thế nhưng, ngay sau khi con gia súc cuối cùng vượt qua “ngưỡng thử thách” 21 ngày miễn dịch, bệnh LMLM chính thức “gõ cửa” các chuồng trại chăn nuôi ở Cẩm Xuyên.

Dịch xuất hiện đầu tiên trên đàn trâu bò chăn thả tự do ở xã Cẩm Minh rồi nhanh chóng lây lan các xã lân cận. Trong vòng gần 4 tháng (7 - 11/2013), toàn huyện có đến 417 gia súc của 251 hộ của 17 xã, thị trấn bị nhiễm virut LMLM. Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan khó kiểm soát là do loại virut biến chủng type A. Điều này đã khiến 33% số trâu, bò (126/394 con) được tiêm phòng vắc xin LMLM type O (theo định kỳ của tỉnh – PV) vẫn bị nhiễm bệnh. Ngay sau đó, huyện đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ tiêm phòng đa type chủng LMLM, đồng thời tổ chức tiêm phòng cuốn chiếu tại các địa phương. Đến nay, dịch đã cơ bản được bao vây, khống chế, các con bệnh đã trở lại ăn uống bình thường. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là biến chủng này có thể lưu lại mầm bệnh mới”.

Bởi thế, công tác phòng chống và dập dịch vẫn được các địa phương cảnh giác cao độ. Trong số hơn 10.000 liều vắc xin đa type bổ sung, chỉ trong vài ngày huyện đã phân bổ và hoàn tất chỉ tiêu trên 8.000 liều. Thậm chí, người dân ở nhiều xã chủ động tiêm phòng trước khi có cơ chế hỗ trợ từ huyện. Một số xã đạt tỷ lệ tiêm cao như: Cẩm Duệ, Cẩm Thịnh, Cẩm Quan, Cẩm Lạc…

Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Đài Truyền thanh xã Cẩm Lộc cho biết: “Bình thường, loa phát thanh xã phát theo định kỳ 3 lần/tuần, còn từ hôm dịch lan rộng, chúng tôi phát thanh liên tục trong ngày, bất kể lúc nào khi có công điện khẩn hoặc công văn chỉ đạo của cấp trên. Bên cạnh đó, khuyến cáo cho người dân các triệu chứng mắc bệnh cũng như phương pháp phun hóa chất, rắc phủ vôi bột tiêu độc khử trùng chuồng trại”.

Ngay trên tuyến đường dẫn vào xã, một bên là chốt kiểm dịch thường xuyên có cán bộ chốt giữ, bên kia hệ thống loa máy phát thanh của xã được kéo ra tận nơi để tiện phục vụ công tác tuyên truyền. Cẩm Lộc là một trong 3 xã còn lại dịch chưa qua 21 ngày, được biết đa số gia súc này phát bệnh sau tiêm vắc xin type A.

Cán bộ thú y xã Cẩm Lộc phun hóa chất tiêu độc khử trùng các phương tiện qua chốt kiểm dịch
Cán bộ thú y xã Cẩm Lộc phun hóa chất tiêu độc khử trùng các phương tiện qua chốt kiểm dịch

Cũng phải nói thêm rằng, sự tăng trưởng hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán là “thủ phạm” làm cho việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh trở nên khó lường. Thêm vào đó, sự ưu đãi của vị trí địa lý gần với đô thị và khu kinh tế lớn ở Kỳ Anh khiến cho hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc (nhất là lợn) trên địa bàn luôn nhộn nhịp, sôi động. Ông Trương Ngọc Thuyết, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Tổng đàn chăn nuôi của xã khá lớn với 351 trâu, bò và 1170 lợn nên thu hút hoạt động buôn bán, giết mổ gia súc phát triển mạnh. Cả xã có khoảng 60 - 80 hộ kinh doanh mặt hàng này, trong đó chỉ khoảng 2- 3 hộ kinh doanh trâu, bò, còn lại là lợn. Chúng tôi đã tuyên truyền đến tận hộ, cấm vận chuyển, buôn bán và giết mổ trong thời gian xảy ra dịch. Đồng thời, cấp 72 lít hóa chất và 1500 kg vôi bột về các hộ gia đình tiêu độc khử trùng”.

Cũng theo nguồn thông tin từ cán bộ thú y xã, các tư thương này chủ yếu là tể lô, thường hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc về đêm, việc tách đàn, nhập đàn xảy ra thường xuyên nên rất khó để kiểm soát dịch bệnh. Tất nhiên, dịch lần này xảy ra trên đàn trâu, bò là chủ yếu, song cũng không thể phát sinh thêm trên đàn lợn khi đến thời điểm này, địa phương vẫn còn 31 con trâu, bò chưa hết ngày miễn dịch (con mắc bệnh cuối cùng vào ngày 25/10). Thêm vào đó là ý thức tự bảo vệ của bà con nông dân đối với “cơ nghiệp” gia đình.

Đến thăm một vài hộ gia đình ở xã Cẩm Trung, nhiều gia đình ở đây khá “vô tư” thả rông bò đang mắc bệnh ra khu chăn thả chung. Bà Nguyễn Thị Tường, thôn 9 cho biết: “Ban đầu trâu chảy nước miếng rồi bỏ ăn và long móng. Sau 15 ngày điều trị thì con vật đã bắt đầu ăn trở lại nên tôi thả ra vườn nhà để chúng tự tìm thức ăn”. Thực tế, vườn nhà như bà nói thực tế là khoảng đất rộng giữa các gia đình mà không hề có hàng rào ngăn cách. Mầm bệnh cứ thế lây lan theo chiều rộng liên hộ, liên xã cũng là chuyện bình thường.

Bệnh LMLM thực ra là một loại virút, lây lan nhanh nhưng cũng rất dễ điều trị nếu hộ nuôi thực hiện đúng quy trình điều trị cũng như thực hiện cách ly tốt. Bên cạnh việc khống chế, cắt đứt sự phát sinh của mầm bệnh thì các địa phương nên đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác phòng chống dịch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast