Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ

(Baohatinh.vn) - Nâng cao năng lực cho cán bộ ngành NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan trong việc lập, quản lý và triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp là nội dung trọng tâm của hợp phần 3 thuộc dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh. Đây cũng là yếu tố trọng tâm, xuyên suốt, đóng vai trò quyết định sự thành bại của những nhiệm vụ dự án đang triển khai.

Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ ảnh 1

Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh tổ chức tập huấn về các thủ tục liên quan đến hợp đồng bao tiêu sản phẩm chè cho người dân xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh).

Theo ông Lê Trọng Kim - Phó BQL dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh: “Ngay từ những ngày đầu mới triển khai, dự án đã xác định giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp và một số ngành liên quan là từ việc đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của dự án. Chính vì vậy, trước lúc triển khai các kế hoạch, hợp phần, tất cả các thành viên liên quan phải trải qua khóa đào tạo ngắn để trang bị kiến thức tổng quan với mong muốn họ trở thành người hướng dẫn ở cấp thấp hơn cho đối tượng được hưởng lợi tại cơ sở”.

Tùy nội dung, các thành viên tham gia dự án được giảng viên, chuyên gia tại các trường đại học hoặc đơn vị chuyên ngành truyền đạt những kiến thức cần thiết. Cách làm sáng tạo này cũng giúp cho các nội dung của dự án đạt hiệu quả tối đa.

Có thể thấy rõ điều này qua những kết quả đã triển khai ở các năm trước mà đầu tiên là việc hỗ trợ máy cày cho nhiều nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Cán bộ khuyến nông trước khi tiến hành bàn giao máy cho người dân, bắt buộc phải thực hiện được các thao tác sử dụng cơ bản, cách vận hành và bảo dưỡng để hướng dẫn người dân sản xuất đạt hiệu quả tối đa trên đồng ruộng. Đối với nội dung xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng, đối tượng được chú trọng để nâng cao năng lực là cán bộ cấp xã, thôn và người dân thông qua hoạt động của các ban giám sát cộng đồng tại từng công trình. Cách làm này thực sự mang lại hiệu quả bởi đối tượng hưởng lợi là người dân địa phương nên họ sẽ có trách nhiệm cao và cách giám sát hiệu quả để đảm bảo chất lượng công trình.

Anh Thiều Thanh Lâm - Điều phối viên hợp phần 3 cho biết: Một trong những nội dung trọng tâm đang được thực hiện là xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản phẩm. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề bởi mục tiêu đặt ra là xây dựng tư duy, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện và đối tượng tham gia, hưởng lợi từ dự án được xác định là nền tảng cho các bước tiếp theo. Việc lựa chọn sản phẩm đầu tư và tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp lớn để liên doanh, liên kết nhằm khép kín quy trình sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có tư duy mới và vốn kiến thức rộng nên việc lựa chọn các nội dung để truyền đạt thông qua các buổi hội thảo, tập huấn được dự án đặc biệt quan tâm. Đội ngũ cán bộ được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để dự án xây dựng được các chuỗi giá trị sản phẩm có nhiều triển vọng như: lợn, bò, chè, lúa.

Theo số liệu thống kê, trong 3 năm triển khai thực hiện, dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh đã tổ chức 179 cuộc tập huấn, hội thảo, tham quan học hỏi kinh nghiệm với gần 8.000 ngàn lượt người ở cả 3 hợp phần tham gia. Riêng cán bộ chuyên môn của Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông còn được dự án đào tạo giảng viên nòng cốt (TOT). Bên cạnh đó, những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trang bị cho cán bộ liên quan đến hoạt động của dự án và cả người dân hưởng lợi chính là sự hỗ trợ bền vững mà dự án mang lại cho Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast