Gieo “vàng” trên bãi cát hoang (Bài 5): Tiếp sức cho nông dân làm chủ mô hình

(Baohatinh.vn) - Vào những ngày này, trên đồng cát vốn dĩ hoang lặng, giờ đây lại nhộn nhịp từ sáng tới tối cảnh người vun luống, tỉa cành; những chiếc máy ủi cỡ lớn rầm rập san đất. Không chỉ có doanh nghiệp (DN) mới có thể trồng rau công nghệ cao, nông dân miền cát cũng đang làm quen với cách làm ăn mới.

>>(Bài 4): Cát nở hoa…

Đẩy mạnh tiêu thụ bền vững…

Việc mở rộng vùng rau trên đất cát hoang hóa bằng công nghệ sinh học chính là chuẩn bị chiến lược liên kết sản xuất nhằm tạo ra lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao tiến vào thị trường xuất khẩu.

Khách hàng đến mua rau, củ, quả tại cửa hàng nông sản sạch Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: Bá Tân
Khách hàng đến mua rau, củ, quả tại cửa hàng nông sản sạch Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: Bá Tân

Theo đó, kiểm soát theo chuỗi, tiến tới mục tiêu toàn bộ diện tích được trồng theo quy trình sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ phải được dán tem chứng nhận rau sạch, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ. Bên cạnh kênh tiêu thụ mà Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh ký kết với Công ty TNHH Fineton (Hồng Kông), hiện nay, Công ty CP Đầu tư phát triển công thương Miền Trung là đơn vị thứ 2 đảm nhiệm trách nhiệm kết nối thị trường cho sản phẩm này.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành đề án tiêu thụ các sản phẩm của Hà Tĩnh nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong cả nước, đặc biệt là kết nối cung cấp sản phẩm cho các thành phố lớn và xuất khẩu. Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, chúng tôi đã tìm được 2 đối tác lớn ở Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh, trong đó có mặt hàng rau, củ, quả”.

Trong điều kiện kinh tế hội nhập, muốn tham gia luật chơi chung, cả người dân và DN cùng thực hiện mô hình liên kết từ sản xuất và xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế. Hay nói cách khác, Hà Tĩnh đang đi đúng hướng trong việc tìm kiếm phương pháp sản xuất thích hợp gắn với tiêu chuẩn chất lượng ổn định, góp phần đưa nông sản tỉnh nhà vượt qua các hàng rào kỹ thuật khắt khe, tiến sâu vào thị trường xuất khẩu.

Giúp người dân làm chủ…

Gặp ông Trần Viết Diễn (Cẩm Hòa - Cẩm Xuyên), tôi không khỏi thán phục trước người nông dân “bạo gan” tự bỏ hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống hạ tầng, từ làm mặt bằng, lắp thiết bị tưới đến đầu tư luôn cả đường điện, phục vụ sản xuất rau, củ, quả. Tiên phong là thế nhưng tư tưởng làm ăn vẫn rất đỗi hồn nhiên khi không hề có sự chuẩn bị về hạch toán kinh tế. Các hộ tham gia cũng chỉ là người làm công, không đóng góp vốn nhưng vẫn được chia lợi nhuận khi mô hình cho thu hoạch theo kiểu của tổ hợp tác?! Hoặc, diện tích mỗi đơn vị thực hiện chỉ 3 ha trở xuống, vừa đội giá thành đầu tư lên cao, lại không phù hợp với những thiết kế cơ bản của hệ thống tưới cũng như tiêu chí sản xuất trên diện tích lớn, tạo ra sản phẩm lớn.

Khách hàng đến mua rau, củ, quả tại cửa hàng nông sản sạch Hội Nông dân tỉnh
Khách hàng đến mua rau, củ, quả tại cửa hàng nông sản sạch Hội Nông dân tỉnh

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thiên Cầm cho biết: “Vụ này, HTX nhận sản xuất 3 ha. Riêng về san lấp mặt bằng, mua phân vi sinh đã mất hơn 100 triệu đồng, nhưng khó khăn nhất hiện nay là hệ thống điện ngoài hàng rào để phục vụ sản xuất”.

DN dẫu gì cũng có tiềm lực nhất định, còn hộ nông dân, muốn bắt nhịp rất cần sự hỗ trợ của một hệ thống chính sách phù hợp để làm chủ KHKT mới và nâng cao năng lực quản trị phù hợp với một dự án công nghệ cao, định hướng hàng hóa xuất khẩu. Vì thế, tỉnh đã tạo cơ chế, chính sách, thậm chí cử cán bộ kỹ thuật “nằm vùng” để người nông dân tiếp cận, đưa chủ trương lớn về trên đồng ruộng của mình. Ngoài giống, phân bón thì hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác được Nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí san lấp mặt bằng lần đầu trong tổng số 75 triệu đồng/ha (ngân sách tỉnh 60%, huyện 20%), hơn 30% so với DN đầu tư; 70% đối với hệ thống tưới tiêu trong tổng số 145 triệu đồng/ha, hơn DN 20%. Ở một số huyện, địa phương còn chủ động trích ngân sách hỗ trợ đường điện hàng rào nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn ban đầu.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho rằng, dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa dù đang được mở rộng nhưng đây vẫn là quá trình thử nghiệm. Vì thế, DN sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và thu hút nông dân vào dự án như những công nhân trên nông trường. Trường học thực tế này sẽ là điều kiện để bà con tích lũy kiến thức và kinh nghiệm quý, từ đó có thể làm chủ một cách vững chắc trên cánh đồng của mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast