Hạn hán – Nguy cơ nhãn tiền!

Trong nhiều tháng qua, trên địa bàn tỉnh ta chưa có cơn mưa nào đáng kể. Thực trạng này đã làm cho dung tích các hồ, đập chứa đạt thấp; các đập dâng thiếu hụt nguồn sinh thủy. Bên cạnh đó là sự xuống cấp trầm trọng của hệ thống kênh mương. Bởi vậy, nguy cơ hạn hán đang hiện hữu trước mắt...

Sông hồ cạn kiệt

Chúng tôi có mặt tại đập dâng Sông Tiêm, một trong những công trình cấp nước lớn nhất của huyện Hương Khê, do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý. Với công suất tưới hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn sinh thủy ở phía thượng nguồn, đập dâng Sông Tiêm đảm nhận việc cấp nước cho trên 1.500 ha lúa của 8 xã vùng hạ lưu. Những năm có chế độ thủy văn bình thường, ngoài việc dẫn nước thường xuyên theo 3 tuyến kênh về với đồng ruộng, nguồn nước của sông còn luôn tràn qua đập dâng đổ về phía hạ nguồn. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, mặc dù chỉ được mở một tuyến kênh dẫn nước, sử dụng tiết kiệm với chỉ trên 50% công suất thiết kế, nhưng phía dưới thân đập đã trơ đáy hoàn toàn; còn phía thượng nguồn, lượng nước của sông Tiêm cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, may lắm chỉ đủ tưới 1 lần cho 60% diện tích trong vùng ảnh hưởng.

Hồ Kẻ Gỗ có dung tích chứa 345 triệu m3, hiện đã xuống mức thấp và chỉ đạt xấp xỉ 60% công suất thiết kế
Hồ Kẻ Gỗ có dung tích chứa 345 triệu m3, hiện đã xuống mức thấp và chỉ đạt xấp xỉ 60% công suất thiết kế

Không chỉ với sông Tiêm, hệ thống hồ đập trên địa bàn thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý đang cùng chung một thực trạng. Đập Khe Con, đập Khe Sông, đập Nhà Lào ở Hương Khê; đập Sông Rác, hồ Thượng Tuy ở Cẩm Xuyên và nhiều hồ đập khác, hiện đang trong tình trạng cạn kiệt. Đặc biệt, hồ Kẻ Gỗ có dung tích chứa 345 triệu m3, hiện cũng đã xuống mức thấp và chỉ đạt xấp xỉ 60% công suất thiết kế. Hồ Sông Rác ở Kỳ Anh cũng chỉ còn trên dưới 50% lượng nước...

Ông Nguyễn Duy Hoàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: “Hiện Công ty đang tập trung mọi nhân lực và vật lực, với nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng thiếu nước sản xuất. Tuy nhiên, việc đảm bảo tưới 100% diện tích như mọi năm là hoàn toàn không thể. Đặc biệt là vụ hè thu sắp tới, Công ty đã tính chuyện tham mưu cho chính quyền địa phương có phương án chuyển đổi một số diện tích lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn”.

Trong số 19 hồ đập do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý, có nhiều hồ, mực nước đạt rất thấp. Hồ Vực Trống, hồ Khe Hao ở Can Lộc; hồ Cây Trường, hồ Vực Rồng ở Hương Sơn… hiện chỉ còn từ 25 - 60% mực nước so với thiết kế. Trạm bơm Linh Cảm, công trình cấp nước lớn nhất trong hệ thống các trạm bơm của tỉnh, với công suất 60.000 m3 nước, hiện cũng đang phải tiết giảm lượng bơm do nguồn nước sông La đang từng ngày xuống thấp...

Kênh mương xuống cấp

Không chỉ khó khăn bởi nguồn nước trên các sông suối, hồ đập, thực trạng đáng báo động hiện nay gây thất thoát một lượng nước không nhỏ, đó chính là hệ thống các kênh dẫn. Tại huyện Hương Khê, hầu hết hệ thống kênh mương dẫn nước từ các hồ đập đến nội đồng đều hết sức tạm bợ, cũ nát và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, các tuyến kênh như: kênh chính đập Đá Hàn thuộc xã Phúc Đồng, làm hoàn toàn bằng đất, từ lâu không có kinh phí duy tu, sửa chữa lại bị người dân lấn chiếm xây dựng công trình trên mặt kênh. Máng dẫn nước Hói Đót chạy qua giữa địa bàn xã Hòa Hải và Phúc Đồng, được đấu nối ống dẫn nước tạm, đường kính nhỏ, từ năm 2007 đến nay chưa được thay thế. Trục kênh chính Khe Con được bê tông hóa, nhưng mỗi khi mở nước vận hành, nhiều đoạn kênh nước lênh láng trong như ngoài. Kênh dẫn nước chính của đập Họ Võ mang tên công trình thanh niên tự quản, ở ngay trước cổng trụ sở UBND xã Hương Giang, đang bị bồi lấp nghiêm trọng bởi bùn đất và rác rưởi…

Ông Trịnh Xuân Cần - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, với thực trạng này, rất nhiều tuyến kênh, mỗi khi mở nước phục vụ sản xuất thường bị vỡ thân kênh phía đầu nguồn, gây thất thoát một lượng nước lớn, trong khi các diện tích đất cuối nguồn rất khó tiếp cận nguồn nước. Không chỉ ở Hương Khê, rất nhiều tuyến kênh trên địa bàn tỉnh đang đứng trước thực trạng tạm bợ và xuống cấp tương tự. Nhiệm vụ trước mắt cũng như về lâu dài, cần phải coi việc nâng cấp, duy tu và bảo dưỡng hệ thống kênh mương đảm bảo tiêu chí là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu.

Giải pháp của ngành chức năng

Trước nguy cơ một đợt hạn hán lớn cận kề, ngành chức năng và các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động đối phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đối với sản xuất nông nghiệp. Theo ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, giải pháp trước tiên là tổ chức quản lý chặt và sử dụng tiết kiệm nguồn nước một cách tối đa. Đối với các nguồn nước có khả năng điều tiết thì chuẩn bị kế hoạch để điều tiết phù hợp. Phát động chiến dịch toàn dân ra quân làm thủy lợi, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tưới, các kênh dẫn vào các trạm bơm; củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước ở mặt ruộng, nhằm giảm thiểu nguồn nước phải cung cấp từ các hồ chứa; khảo sát, lập phương án đắp đập tạm trên các trục tiêu để giữ nước, tạo nguồn cấp cho các trạm bơm; lợi dụng nước mưa, nước hồi quy để bơm tát chống hạn...

Về lâu dài, bên cạnh gia cố, bồi trúc các hồ đập, cần đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh dẫn, nhằm bảo toàn nguồn cấp, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lãng phí một khối lượng nước không nhỏ như hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast